Vỏ thân hoặc vỏ cành đã chế biến và phơi khô của cây Quế Cinnamomum cassia Presl. hoặc một số loài quế khác (Cinnamomum zeylanicum Blume, Cinnamomum loureirii Nees.) họ Long não (Lauraceae).
Mô tả Thân cành cây quế
Mảnh vỏ thường được cuộn tròn thành ống, dài 5 – 50 cm, ngang 1,5 – 10 cm, dầy 1 – 8 mm. Mặt ngoài màu nâu đến nâu xám, có các lỗ vỏ và vết cuống lá. Mặt trong màu nâu đỏ đến nâu sẫm, nhẵn hoặc hơi gồ ghề. Chất cứng và giòn, dễ bẻ gãy; mặt bẻ không nhẵn, có xơ. Mặt cắt ngang có hai lớp: lớp ngoài màu vàng nâu, hơi thô ráp, lớp trong màu nâu đỏ, có xơ ngắn; Có một vòng màu nâu hơi vàng giữa hai lớp. Mùi thơm, vị cay ngọt, sau tê nhẹ.
Ở loài quế C. zeylanicum, vỏ thường mỏng hơn vỏ của loài C. cassia, lớp trong màu nâu vàng, mùi thơm nhẹ.
Ở loài quế C. loureirii, lớp bần màu nâu ngoài cùng có thể bị cạo bỏ nên chỉ còn một lớp màu nâu hơi đỏ hay nâu sẫm, mùi rất thơm, thể chất giòn, dễ bẻ, vết bẻ có xơ.
Vi phẫu Thân cành cây quế
Ngoài cùng là bần gồm nhiều lớp tế bào xếp thành hàng, khá dầy, có nhiều chỗ bị bong ra hoặc nứt rách. Mô mềm vỏ gồm các tế bào hình nhiều cạnh hoặc có dạng chữ nhật nằm ngang, thành mỏng chứa hạt tinh bột rất nhỏ. Rải rác trong mô mềm có tế bào tiết tinh dầu, tế bào tiết chất nhầy, tinh thể calci oxalat hình kim nhỏ. Sát lớp bần có tế bào mô cứng xếp riêng lẻ hay các đám mô cứng xếp thành từng cụm, tế bào hình nhiều cạnh hoặc thuôn dài với thành dầy đều đặn. Một số tế bào mô cứng có thành dầy theo hình chữ U. Sát libe là vòng mô cứng gần như liên tục với tế bào có thành dầy, khoang hẹp. Lớp libe cấp hai phát triển nhiều, gồm tế bào thành mỏng xen lẫn với một số tế bào biến thành sợi có thiết diện vuông hoặc hơi tròn, thành dầy, nằm rải rác. Libe cấp hai bị tia tuỷ gồm từ 1 – 5 dãy tế bào chia cắt thành từng cụm, nhiều tia tuỷ phát triển rộng ra đến mô mềm vỏ, chứa tinh thể calci oxalat hình kim. Rải rác trong libe còn có tế bào tiết tinh dầu, tế bào tiết chất nhầy, tế bào chứa tinh bột như trong mô mềm vỏ.
Bột
Bột màu vàng nâu hoặc nâu sẫm, mùi thơm, vị cay, hơi ngọt.
Nhiều sợi màu vàng nhạt, dài 200 – 400 μm, đường kính 20 – 50 μm, thành dầy, khoang hẹp. Mảnh tế bào mô cứng gồm hai loại: một loại hình trái xoan hay chữ nhật, thành dầy, khoang rộng hay hẹp, có ống trao đổi rõ; một loại tế bào có thành dầy lên hình chữ U, khoang hẹp hơn, ống trao đổi rõ. Các tế bào mô cứng thường đứng riêng rẽ hoặc tụ thành từng đám, dài 60 – 120 μm, rộng 30 – 50 μm. Mảnh mô mềm, tế bào thành mỏng, trong chứa hạt tinh bột. Hạt tinh bột nhỏ, hình nhiều cạnh hoặc hơi tròn, đường kính 6 – 15 μm, đứng riêng rẽ hoặc kép đôi, kép ba. Tinh thể calci oxalat hình kim thường bị gãy thành đoạn ngắn. Mảnh bần màu vàng nâu, gồm tế bào hình nhiều cạnh, thành khá dầy.
Định tính
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (phụ lục 5.4 )
Bản mỏng: Silica gel G hoạt hoá một giờ ở 110oC hoặc Silica gel 60 F254 (bản tráng sẵn)
Dung môi khai triển: n-hexan – cloroform – ethyl acetat (4 : 1 : 1).
Dung dịch thử: lấy 2,0 g bột dược liệu qua cỡ rây số 250, thêm 10 ml ether (TT), lắc trong 3 phút, lọc.
Dung dịch đối chiếu: dung dịch aldehyd cinnamic 0,1% trong ether (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng khoảng 10 μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 10 – 12 cm, lấy bản mỏng ra, để không trong không khí, phun lên bản mỏng dung dịch 2,4-dinitrophenyl hydrazin (TT).
Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có 5 vết màu da cam, trong đó có một vết có cùng màu và giá trị Rf với vết aldehyd cinnamic của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 14% (Phụ lục 12.13). Dùng 10 g bột thô dược liệu.
Tro toàn phần
Không quá 5%.
Tạp chất
Không quá 1%.
Định lượng
Định lượng tinh dầu trong dược liệu
Cho 20 g dược liệu khô đã xay nhỏ vào bình cầu dung tích 500 ml của bộ dụng cụ định lượng tinh dầu trong dược liệu. Thêm 200 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1N (TT). Cho 0,5 ml xylen (TT) vào ống hứng tinh dầu có khắc vạch, tiến hành cất trong 3 giờ với tốc độ 2,5 ml đến 3,5 ml/phút.
Dược liệu phải chứa ít nhất 1% tinh dầu (tính theo dược liệu khô tuyệt đối) .
Chế biến
Vào tháng 4 – 5 và tháng 9 – 10, chọn những cây quế sống 5 năm trở lên để bóc vỏ (cây sống càng lâu càng tốt). Trước khi bóc, lấy lạt buộc quanh thân và cành to, cách khoảng 40 – 50 cm buộc một vòng để cắt cho đều. Dùng dao nhọn cắt đứt phân nửa thân hoặc cành, rồi cắt dọc từng đoạn. Mỗi lần lấy vỏ, chỉ lấy một nửa bên, để lại nửa bên cho cây tái sinh. Sau đó lấy que nứa đã vót nhọn và mỏng lách vào khe, tách vỏ quế ra, để riêng từng loại. Chú ý khi bóc vỏ quế không được làm sót lại gỗ vì như vậy quế sẽ giảm giá trị.
Vỏ quế to dày phải ủ, ngâm nước một ngày, rửa sạch, để ráo nước. Lấy lá chuối tươi, hơ mềm lót quanh sọt dày độ 5 cm, xếp vỏ quế vào đầy sọt, đậy bằng lá chuối (cũng dầy 5 cm). Buộc chặt để 3 ngày (mùa nóng) hoặc 7 ngày (mùa lạnh), hàng ngày đảo trên xuống dưới, dưới lên trên cho nóng đều. dỡ quế ở sọt ra, đem ngâm nước 1 giờ nữa. Vớt ra đặt lên phên nứa, lấy một phên nứa khác đè lên, ép cho phẳng, để chỗ khô mát đến khi quế se. Lấy từng thanh quế, buộc ép vào ống nứa tròn thẳng (để cho dáng thẳng và đẹp), trong thời gian buộc ép như vậy, hàng ngày mở ra hai lần, lau chùi mặt trong cho bóng, rồi lại buộc vào. Cứ làm như vậy hàng ngày cho đến khi khô là được. Thời gian ủ quế đến khi hoàn tất phải mất 15 – 16 ngày (mùa nóng) hoặc 1 tháng (mùa mưa) và có khi hơn.
Bào chế
Loại bỏ tạp chất, gọt bỏ lớp bần, nếu làm thuốc hoàn tán thì giã nát tán thành bột; với thuốc thang thì mài với nước thuốc để uống.
Bảo quản
Để nơi khô, mát; trong bình kín.
Để tránh làm mất hương vị của quế, lấy sáp ong miết vào hai đầu của thanh quế , bọc giấy polyetylen, cho vào thùng kín để nơi khô mát.
Tính vị, qui kinh
Tân, cam, đại nhiệt. Vào các kinh: thận, tỳ, tâm, can
Công năng, chủ trị
Bổ hoả trợ dương tán hàn, chỉ thống, hoạt huyết thông kinh.
Dùng khi lưng gối đau lạnh, bụng đau lạnh, nôn mửa, tiêu chảy, bế kinh, đau bụng kinh, phù thũng, tiểu tiện rối loạn (đái không thông lợi, đái nhiều lần)
Cách dùng, liều dùng
Ngày 1 – 4 g, dạng thuốc hãm, hoặc thuốc hoàn tán.
Kiêng kỵ
Âm hư hoả vượng, phụ nữ có thai không dùng.