Tác dụng của cà phê
+ Cà phê kích thích hoạt động trí óc
Cà phê có tốt cho não không? Nhóm nghiên cứu của GS Andrew Scholey, Trung tâm Nghiên cứu Nhận thức và Khoa học nơron thuộc Đại học Northrumbia (Anh), khẳng định là rất tốt. Bởi trong hạt cà phê cafein chiếm 1 – 2%, có tác dụng kích thích thần kinh, tăng sức làm việc của trí óc.
+ Cà phê có thể giúp tăng trí nhớ
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học Anh cho rằng chính chất cafein có trong cà phê có khả năng làm biến đổi hoạt động điện tử của các tế bào não. Phát hiện này vừa được các nhà khoa học thuộc Trường đại học Birmingham (Anh) công bố. Thông thường, hoạt động của các tế bào thần kinh đóng vai trò chủ yếu trong quá trình tiếp nhận thông tin, song quá trình này có sự tham gia của một hóa chất não, adenosine, có mức độ cao đặc biệt ở người già.
Khi adenosine liên kết với cơ quan tiếp nhận phân tử trên tế bào não, gọi là A1, sẽ làm giảm hoạt động của các nơron thần kinh, ảnh hưởng đến trí nhớ. Nhưng cafein có thể ngăn chặn sự liên kết trên các adenosine, do đó hạn chế tác dụng của nó đồng thời tăng cường trí nhớ.
Với phát hiện trên, nhóm nghiên cứu khẳng định rằng uống cà phê thường xuyên có thể tăng khả năng trí nhớ lên gấp 3 lần, vì cafein tập trung vào não.
+ Cà phê chống bệnh tiểu đường type II
Các nhà khoa học Mỹ cho biết uống cà phê điều độ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II. Theo tiến sỹ Martin thuộc Đại học Vanderbilt (Mỹ), chất axit chlorogenic có trong cà phê đã giúp cơ thể xử lý tốt lượng đường glucose trong máu.
+ Cà phê giúp giảm hạ đường huyết
Một nhóm nhà nghiên cứu người Anh vừa chứng minh rằng cà phê có thể giúp giảm nguy cơ hạ đường huyết đối với những bệnh nhân tiểu đường type 1. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Diabetes Care.
Tiến sĩ Tristan Richardson thuộc bệnh viện hoàng gia Bournemouth đã theo dõi 19 bệnh nhận tiểu đường type 1 nhằm tìm hiểu về vai trò của cafein trong chứng hạ đường huyết của các bệnh nhân này. Mỗi bệnh nhân đã theo một chế độ gồm 50 mg cafein mỗi ngày. Một số người đã dùng những viên thuốc chứa 250 mg cafein mỗi ngày hai lần, trong khi những người khác chỉ dùng thuốc giả dược.
Kết quả là khi dùng cafein, các bệnh nhân ít bị chứng hạ đường huyết vào ban đêm: thời gian tỉ lệ đường trong máu thấp là 49 phút đối với nhóm thứ nhất, và 132 phút đối với nhóm thứ hai dùng thuốc giả dược.
Tiến sĩ Richardson khẳng định rằng, ảnh hưởng của cafein đối với thời gian hạ đường huyết đặc biệt là vào ban đêm rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên điều này đã được chứng minh. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu chưa giải thích được vì sao cafein có thể làm giảm thời gian hạ đường huyết.
+ Cà phê bảo vệ khỏi các bệnh về gan
Một công trình nghiên cứu năm 2005 trên 10.000 người tình nguyện do Viện nghiên cứu Quốc gia về bệnh gan, thận và tiêu hóa đã chứng minh cafein trong cà phê và trà giảm nguy cơ tổn thương gan do các đồ uống và hiện tượng béo phì gây ra.
+ Cà phê làm tăng sức mạnh của cơ bắp
Năm 2003 một nhóm nghiên cứu tại Viện Thể dục Thể thao Úc tại Canberra nhận thấy các vận động viên uống một chút cafein trước khi luyện tập có thể tăng thành tích từ 3 đến 30% so với người không uống. Các nhà khoa học giải thích rằng cafein kích thích sự đốt cháy chất béo để sinh năng lượng chứ không phải đường trong bắp thịt.
+ Cà phê tốt cho trẻ sinh non
Một cuộc nghiên cứu trên hơn 2.000 trẻ sinh non ở Canada, Úc và Anh cho thấy những đứa trẻ nào được cho uống một ít cà phê có thể khắc phục được một số khiếm khuyết ở phổi mà chúng mắc phải do bị sinh thiếu tháng. Những đứa trẻ này khi sinh ra bị thiếu cân và hệ hô hấp chưa phát triển toàn diện. Do đó, chúng phải thở bằng máy. Theo dõi sức khỏe của một nhóm trong số trẻ nói trên sau khi chúng được cho uống một ít cà phê trong một khoảng thời gian, nhóm nghiên cứu thấy rằng chúng ít phụ thuộc hơn vào máy và phổi cũng ít bị tổn hại hơn. Lý do là vì chất caffein có trong cà phê có tác dụng kích thích hô hấp.
+ Cà phê làm giảm nguy cơ mắc bệnh hen và chữa được dị ứng
Nhiều tài liệu y học nói đến tác dụng của cafein làm những người bị hen thở dễ dàng hơn và giảm nguy cơ bị lên cơn hen. Nhiều công trình nghiên cứu hiện nay đã khẳng định điều này. Một công trình ở Ý, theo dõi trên 70.000 người đã khẳng định caffeine là “khắc tinh” của bệnh hen. Nếu uống từ 2 đến 3 ly cà phê mỗi ngày, nguy cơ bị các cơn hen tấn công giảm được 28%.
Cà phê rất có ích trong việc chế ngự các phản ứng dị ứng của những người hay bị triệu chứng này. Vì nó có tác dụng làm giảm sự giải phóng histamin vào trong máu, vốn là nguyên nhân gây dị ứng.
+ Cà phê giúp giảm đau
Những loại thuốc giảm đau thường chứa cafein. Bởi cafein đẩy nhanh tác dụng của các chất làm giảm cơn đau bằng cách giúp cho chúng được hấp thụ nhanh chóng. Một tách cà phê hay một trà nóng có thể làm bạn khỏi đau đầu. Quả vậy, nếu những chất làm giãn mạch thường gây đau đầu thì caffeine lại làm cho mạch máu co lại.
+ Cà phê làm cho chúng ta thoải mái và dễ tính hơn
Hoạt chất trong cà phê là cafein – một chất tác động vào hệ thần kinh trung ương, gây hưng phấn. Điều này chắc ai cũng nhận thấy sau 10-15 phút uống chút cà phê. Sự sảng khoái ấy tác động đến cả tâm lý, khiến người ta dễ tính, sẵn sàng bỏ qua những chuyện vặt vãnh, sẵn sàng gật đầu.
“tác dụng phụ” rất nghiêm trọng của cà phê
Nếu uống quá nhiều cà phê thì hậu quả sẽ thế nào?
Ảnh hưởng đến tuyến thượng thận
Tiêu thụ một lượng lớn cà phê vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tuyến thượng thận, buộc tuyến thượng thận phải làm việc quá sức và cuối cùng dẫn đến sự “kiệt sức” của cả hệ thống tiêu hóa. Tuyến thượng thận sản xuất ra cortisol, giúp hỗ trợ cơ thể tại thời điểm căng thẳng, nên còn được gọi là hormone stress.
Tuyến thượng thận còn có tác dụng điều hòa nhịp tim. Trong trường hợp tuyến thượng thận phải làm việc quá mức, cơ thể sớm bị kiệt sức và các triệu chứng đầu tiên là yếu tim.
Khử nước
Bạn có biết, uống quá nhiều cà phê sẽ làm cho cơ thể bạn bị mất nước. Caffeine là một loại thuốc lợi tiểu, và thúc đẩy việc sản xuất nước tiểu. Vì vậy, khi bạn uống nhiều cà phê cơ thể bạn sẽ mất nhiều nước hơn cần thiết, dẫn đến thiếu nước.
Gây nghiện
Giống như bất kì thói quen nào, uống cà phê cũng có thể dẫn đến thói quen nghiện cà phê. Có thể mô tả “bệnh” nghiện cà phê như là nếu một ngày bạn không uống một cốc cà phê nào thì bạn sẽ cảm thấy đau đầu, bị kích thích và thiếu tập trung…
Lo lắng
Caffeine có thể kích thích hệ thần kinh trung ương gây ra cảm giác lo lắng và bồn chồn. Uống hơn 4 cốc cà phê mỗi ngày có thể làm hư hại các tuyến thượng thận, giảm sức đề kháng của thần kinh trong các tình huống căng thẳng và khiến bạn dễ bị nhiễm bệnh.
Tính axit cao
Một trong những sự thực về cà phê mà không mấy người biết, đó là trong cà phê có tính axit cao. Uống quá nhiều cà phê sẽ làm tăng hơn mức bình thường của các phản ứng axit tong dạ dày khiến bạn đau bụng, khó tiêu và khó chịu. Nếu liên tục uống nhiều cà phê hơn lượng cho phép có thể sẽ gây ra loét dạ dày.
Tăng lượng đường trong máu
Với mức tiêu thụ quá nhiều cà phê, các adrenaline trong cơ thể sẽ đốt cháy năng lượng. Quá trình này dẫn đến việc tăng cường sự “thèm muốn” bổ sung đường. Trong quá trình cung cấp thêm lượng đường vào cơ thể, có người muốn cho thêm đường vào cà phê. Điều này thường dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.
Vì vậy, đối với những ai có thói quen uống cà phê như là một phần của cuộc sống, bạn hãy quan tâm hơn đến sức khỏe của mình. Ba ly cà phê mỗi ngày là đủ để vừa thỏa mãn thói quen, sở thích lại không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe.
Khả năng sinh sản
Sử dụng quá nhiều cà phê có thể dẫn đến một loạt các vấn đề liên quan đến chức năng sinh sản, thậm chí vô sinh. Phụ nữ dùng quá nhiều cà phê khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ sảy thai hay ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi.