Quả dâu (còn gọi là quả dâu ta) khi chín màu đỏ đậm hoặc tím đen. Quả dâu giàu chất dinh dưỡng, ăn mềm, chua ngọt, nhiều nước, có thể ăn tươi, ngâm rượu, làm nước giải khát, làm mứt, làm vị thuốc… được mọi người ưa chuộng. Toàn bộ cây dâu đều là những vị thuốc lâu đời trong Đông y.
Tang thầm (quả dâu chín) vị chua, tính hàn; vào kinh can, tâm và thận, tác dụng bổ âm huyết, sinh tân dịch, nhuận táo. Dùng cho các trường hợp can thận âm hư, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, điếc tai, bệnh đái tháo đường, tiểu khó, táo bón, râu tóc bạc sớm, đau sưng khớp, đau lưng mỏi gối, hồi hộp mất ngủ, lao hạch, đau mỏi khớp.
Cách dùng quả dâu làm thuốc
Sinh tân, chỉ khát: trị chứng tân dịch khô, miệng khát.
Tang thầm tươi 20 – 60g. Giã lấy nước quả, hòa vào nước đun sôi để nguội mà uống.
Tang thầm cao: 500g quả dâu chín đen. Cho nước và nấu nhiều lần cho hết màu đỏ sẫm. Lọc bỏ bã, cô các nước sắc lại thành cao lỏng (1/1); thêm 400g mật ong. Đun sôi, đóng chai. Ngày 2 lần, mỗi lần uống 10 – 20ml, chiêu với nước. Dưỡng huyết nhuận táo. Chữa huyết hư, gan thận yếu, lưng gối đau mỏi, các chứng tê do huyết và phong của người già, táo bón.
Nhuận phế, thông tiện: tang thầm 20g, sinh địa 20g. Sắc với nước, thêm đường hay mật ong cùng uống. Trị chứng huyết hư, tân dịch thiếu sinh táo bón.
Món ăn – bài thuốc có tang thầm
Cao tang thầm: dâu chín nấu dạng cao lỏng (tỷ lệ 1/1), mỗi lần uống 1 – 2 thìa canh, uống với nước sôi. Dùng cho các trường hợp râu tóc bạc sớm.
Rượu dâu: dâu chín 200g, rượu trắng 500ml. Ngâm nửa tháng. Uống sáng, tối mỗi lần 25ml. Dùng cho các trường hợp phù nề hai chân do thiểu dưỡng.
Nước sắc kỷ tử tang thầm: dâu chín khô 20g (hoặc dâu chín tươi 60g), kỷ tử 15g, sắc hãm, ngày uống 1 lần. Dùng cho các trường hợp mờ mắt, giảm thị lực, râu tóc bạc sớm.
Nước sắc long nhãn, tang thầm: dâu chín khô 20g (hoặc dâu chín tươi 60g), long nhãn 30g, nấu sắc lấy nước đặc cho uống ngày 1 lần. Dùng cho trường hợp thiếu máu, hồi hộp mất ngủ.
Kiêng kỵ:
Người đại tiện lỏng không dùng được.
BS. Tiểu Lan