Địa sâm còn có tên thường gọi là giun biển, sá sùng, sa sùng, sâu đất, đồn đột, chặt khoai. Thường thấy ở dọc bờ biển vịnh Bắc bộ. Đây là loại thực phẩm có chất lượng bổ dưỡng cao nên được mệnh danh là Địa sâm. Thành phần: trong địa sâm chứa acide amine, taurine và các loại khoáng chất.
Theo Đông y, địa sâm có vị mặn, tính hàn, công năng tư âm, giáng hỏa, thanh phế kiện tỳ, trị các chứng như cốt chưng triều nhiệt (nóng chưng ở tầng sâu bên trong, sốt chiều, đỏ mồ hôi trộm gặp trong lao phổi, lao xương khớp…), âm hư đạo hãn (vã mồ hôi trộm do âm hư), hung muộn (trong ngực bứt rứt buồn phiền không yên), phế hư khái thấu đàm đa (phế hư làm ho khạc nhiều đờm), dạ niệu (tiểu đêm nhiều), nha ngân thũng thống (răng lợi sưng đau)…
Để tham khảo, dưới đây giới thiệu những phương thuốc trị liệu những bệnh chứng tiêu biểu từ địa sâm.
Trị cốt chứng triều nhiệt (nóng chưng ở tầng sâu bên trong, sốt chiều, đổ mồ hôi trộm hay gặp trong lao phổi, khớp xương): địa sâm khô 5g, thanh cao 5g, địa cốt bì 3g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Trị hen suyễn đờm nhiều: địa sâm khô 5g, cát cánh 5g, tuyền phúc hoa 3g, sắc uống 1thang/ngày, chia 3 lần.
Trị răng lợi sưng đau: dùng địa sâm tươi 10g hoặc địa sâm khô 5g, sắc lấy nước uống ngày 2 – 3 lần.
Sinh lý yếu, liệt dương: dùng địa sâm tươi sấy khô hoặc loại khô đem nướng giòn, tán bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 6 – 10g chiêu với nước ấm hoặc rượu. Phương có công hiệu bổ thận, ích tinh.
Hoặc dùng món ăn thuốc: (Có công dụng bổ ngũ tạng, tư âm tráng dương, tăng cường khí lực). Gồm lá dâm dương hoắc 50g, rửa sạch lót vào đáy nồi, trên đặt mên tre, đổ ngập nước. Lấy địa sâm còn tươi đã làm sạch, trộn với 50g lá hẹ thái khúc và dầu vừng 20g, xếp đều trên mên tre hấp lửa nhỏ chừng 15 phút cho chín. Mang ra chấm địa sâm với muối chanh tiêu hay nước mắm chanh, ớt.
Theo BS. Hoàng Xuân Đại