Bài thuốc chữa bệnh từ cây sả

Hầu như quanh nhà ở vùng nông thôn đều có trồng một số bụi sả để bình thường dùng làm gia vị và dùng để xông giải cảm, diệt muỗi quanh nhà… sả còn nhiều tác dụng khác mà chúng ta chưa biết đến, trong đó có công dụng làm thuốc trị bệnh.

Giới thiệu đôi nét về cây sả

Cây sả còn được gọi là cỏ sả, hương mao, tên khoa học là Cymbopogon citratus (DC.) Stapf., thuộc họ Lúa (Poaceae).
Sả có vị đắng, tính ấm, mùi thơm, tác dụng đánh tan mùi hôi thối, trừ tà khí, giải cảm hàn thấp, nóng sốt, trị đau bụng lạnh, nôn mửa.
Người ta trồng sả để lấy thân rễ làm gia vị ăn sống, làm dưa, ướp thịt cá. Lá sả dùng nấu nước gội đầu, thường phối hợp với một số cây có tinh dầu khác (bạc hà, kinh giới, lá chanh, ngải cứu, lá buởi…) để nấu nước xông giải cảm.
Sả còn được dùng để cất tinh dầu. Củ sả chứa 1 – 2% tinh dầu màu vàng nhạt, thơm mùi chanh mà thành phần chủ yếu là citral (65 – 85%), geraniol (40%). Mỗi lần dùng 3 – 6 giọt pha trong sữa và nước thành nhũ tương, có tác dụng thông trung tiện, chống nôn, giảm đau, chữa đầy bụng, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.

Cây Sả

Cây Sả

Dùng ngoài, tinh dầu sả phối hợp với nhiều loại tinh dầu khác để xoa bóp làm giảm đau xương, đau mình, nhức mỏi. Bôi trên da hoặc phun trong nhà, dầu sả là thuốc diệt muỗi, bọ chét.

Kinh nghiệm dùng sả điều trị một số bệnh

Ngăn ngừa ung thư: một số nghiên cứu cho thấy mỗi 100g sả chứa đến 24,205µg beta-carotene, những chất chống oxy hóa mạnh mẽ có thể giúp ngăn ngừa ung thư. Năm 2006, một nhóm nghiên cứu do giáo sư Yakov Weinstein và bác sĩ Rivka Ofir thuộc Đại học Ben Gurion (Negev- Israel) cho thấy trong cây sả có chất citral, một hợp chất chính có tác dụng “tiêu diệt các tế bào chết trong các tế bào gây ung thư và giữ lại tế bào bình thường. Cũng theo nghiên cứu này, nồng độ citral có trong sả cũng tương đương với một tách trà. Uống nước sả tươi làm cho tế bào ung thư tự tiêu hủy, uống một liều lượng nhỏ chừng 1g cây sả tươi chứa đủ chất dầu làm cho tế bào ung thư tự tử trong ống nghiệm. Với những người đang chữa bệnh bằng tia xạ thì mỗi ngày uống 8 ly cây sả tươi trụng với nước sôi.
Cải thiện hệ thần kinh: tinh dầu sả được sử dụng để tăng cường và cải thiện các chức năng của hệ thần kinh, thông kinh lạc. Nó hỗ trợ trong điều trị một số rối loạn của hệ thần kinh như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, co giật, căng thẳng, chóng mặt, run rẩy chân tay, động kinh…
Giúp tiêu hóa: trà từ cây sả và tinh dầu sả (có thể uống 3 – 4 giọt với nước đun sôi để nguội) có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa kém, ăn chậm tiêu, đầy bụng, buồn nôn, nôn mửa, kích thích trung tiện, đau dạ dày, nóng trong, co thắt ruột, tiêu chảy. Nhờ có khả năng thư giãn các cơ dạ dày, trà hoặc tinh dầu sả không chỉ giúp loại bỏ khí từ ruột, mà còn ngăn ngừa sự đầy hơi, kích thích tiêu hóa, khử hôi miệng, tiêu đờm. Uống 3 – 6 giọt tinh dầu chữa đau bụng đầy hơi.
Giải độc: ăn sả cũng có tác dụng giải độc cơ thể bằng cách tăng cường số lượng và tần suất đi tiểu (thông tiểu tiện). Điều này giúp cho gan, đường tiêu hóa, tuyến tụy, thận và bàng quang được sạch sẽ và khỏe mạnh bằng cách hỗ trợ cơ thể để loại bỏ các chất độc hại không mong muốn và acid uric qua đường tiểu bài tiết ra ngoài.
Giải độc rượu: dùng 1 bó sả giã nát, thêm nước lọc, gạn lấy 1 chén, uống hết. Người say rượu uống vào sẽ nhanh chóng tỉnh và đỡ mệt, đỡ nhức đầu.
Giảm huyết áp: bổ sung các tinh chất có trong sả sẽ có hiệu quả trong việc giảm huyết áp. Nó làm tăng tuần hoàn máu và giúp giảm bớt tất cả các vấn đề của huyết áp. Uống một ly nước trái cây có sả có thể làm giảm huyết áp đáng kể.
Giảm đau: tinh chất sả có thể làm giảm đau tất cả các loại viêm và các cơn đau nhức. Vì vậy, nếu bị đau răng, đau cơ, đau khớp hay đau ở các bộ phận khác, hãy uống trà sả vì chắc chắn nó sẽ hữu ích cho bạn.
Hỗ trợ da: chất sả là một nguyên liệu không thể thiếu trong ngành công nghiệp mỹ phẩm vì nó có rất nhiều lợi ích cho da. Tinh dầu sả cải thiện chất lượng da như giảm mụn trứng cá và mụn nhọt. Nó cũng có tác dụng làm săn chắc các cơ và các mô trong cơ thể.
Tốt cho tóc: phụ nữ thường nấu nước sả để gội đầu cho trơn tóc, sạch gầu, ít rụng tóc và có thể tránh được một số bệnh về tóc.
Trị ho do cảm lạnh, cảm cúm: củ sả 40g, gừng tươi 40g. Hai thứ rửa sạch, giã nát, nấu với 650ml nước, sôi khoảng 10 phút, bỏ bã, thêm đường vào nấu cô lại thành cao, ngậm nuốt dần trong ngày.
Trị cảm sốt do phong hàn, nhức đầu, không ra mồ hôi: lá sả, lá chanh, lá bưởi, hương nhu, húng chanh, bạc hà, ngải cứu, kinh giới… một lần dùng 4 – 6g mỗi loại nấu nước xông cho ra mồ hôi.
Giải cảm:
– Kinh giới, tía tô, trắc bách diệp, bạc hà, chanh, ngải cứu, lá tre, lá ổi (mỗi nồi dùng 5 loại lá)… đun sôi, dùng để xông giải cảm rất hiệu nghiệm.
– 15 – 30g củ sả hoặc lá tươi nấu nước xông.
– Lá sả, lá tía tô, lá kinh giới, lá ngải cứu, thêm 3 – 4 củ tỏi (thiếu một thứ cũng không được), nấu nước xông sẽ trị được nhức đầu (do thời tiết).
– Lá sả, lá tre, lá bưởi (hoặc lá chanh), lá tía tô, lá ổi, nấu nước xông, trước khi xông nên múc sẵn một chén để riêng, xông xong uống rồi đắp chăn nằm một lúc sẽ đỡ.
Giảm cảm giác buồn nôn khi có thai: củ sả băm nhỏ hãm với nước sôi uống hàng ngày.
Giải nhiệt, thông tiểu, tiêu thực: lá sả tươi 30 – 40g nấu với 1 lít nước, đun sôi khoảng 5 phút, uống.
Trị nhức đầu: lá sả, lá tía tô, lá kinh giới, lá ngải cứu với vài củ tỏi nấu nước xông.
Trị ho: rễ sả, trần bì, sinh khương, tô tử, mỗi vị 250g (4 vị này giã nát, ngâm rượu 40oC vừa đủ để được 200ml); bách bộ bỏ lõi, thái nhỏ, sao khô 500g; mạch môn bỏ lõi 300g; tang bạch bì tẩm mật, sao vàng 200g (3 vị này sắc và cô đặc lại thành 300ml cao lỏng), trộn lẫn cao lỏng và rượu thuốc, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 10ml.
Sạch răng miệng: củ sả non rửa thật sạch, xắt nhỏ, phơi hoặc sấy khô, tán bột, mỗi lần dùng 10g, ngâm với nước nóng, dùng để súc miệng.
Trị đau răng: sắc sả lấy nước súc miệng hàng ngày.
Trị hôi nách: củ sả, giã nát, hợp với phèn phi, bôi ngày 1 lần. Dùng liên tục 7 – 10 ngày giúp cải thiện mùi hôi đáng kể.
Trị ăn uống không tiêu, đầy bụng: củ sả giã nát, ép lấy nước cốt, phối hợp với mạch nha uống.
Trị đau dạ dày, tiêu chảy do lạnh: củ sả 12g, gừng nướng sém vỏ ngoài 6 – 12g, củ riềng (sao) 12g, hương phụ (sao) 12g, sắc với 750ml nước, còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Trị tiêu chảy:
– Rễ sả 10g; củ gấu, vỏ rụt, mỗi vị 8g; vỏ quít, hậu phác, mỗi vị 6g; sắc uống.
– Rễ sả 10g, búp ổi 8g, củ riềng già 8g, thái nhỏ, sao qua, sắc đặc uống.
Trị đau khớp: tinh dầu sả trộn với dầu dừa bôi vào chỗ đau hoặc sưng.
Trị phù nề chân, tiểu ít, thấp thũng: lá sả 100g, rễ cỏ xước, rễ cỏ tranh hoặc bông mã đề, mỗi thứ 50g. Rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 3 – 4 ngày.
Trị hai chân tự nhiên phù: củ sả 12g, lá và bông mã đề 12g, sắc uống thay nước trà.

Lương y HOÀNG DUY TÂN