Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, trẻ em mắc nhiều hơn. Viêm nhiễm thường dai dẳng gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Nhiều trường hợp đã điều trị thuốc nhưng chỉ khỏi tạm thời, nếu thời tiết, độ ẩm thay đổi, bệnh lại tái phát. Người bệnh có biểu hiện đau nhức trong lỗ tai, ngứa ngáy, giảm thính lực, có tiếng ù trong tai kèm theo chảy nước hôi thối… Sau đây là một số bài thuốc uống và nhỏ tai để chữa bệnh này để bạn đọc tham khảo áp dụng.
Thuốc uống:
Bài 1: nam hoàng bá 16g, kim ngân hoa 10g, liên kiều 12g, thương nhĩ tử 12g, thổ phục linh 16g, kinh giới 16g, phòng phong 10g, xuyên khung 10g, thiên niên kiện 10g, bạch chỉ bắc 8g, sài đất 16g, lá cây bưởi bung 16g, thạch xương bồ 16g, hoàng kỳ 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: giảm đau, chống viêm, tiêu độc. Dùng 12 – 15 ngày liền.
Bài 2: kinh giới 16g, thạch xương bồ 12g, thổ phục linh 16g, lá bưởi bung 16g, lá ngũ sắc 16g, lá đơn mặt trời 16g, bạch chỉ nam 16g, ngũ gia bì 12g, trần bì 10g, đinh lăng 16g, lạc tiên 16g, hoàng liên 10g, sài hồ 12g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: bưởi bung, ngũ sắc, đinh lăng, đơn mặt trời chống viêm mạnh; kinh giới, thạch xương bồ trừ phong ngứa; hoàng liên, sài hồ thanh nhiệt, giảm đau. Các vị hợp lại có tác dụng chống viêm, chống ngứa, diệt khuẩn.
Bài 3: xuyên khung 10g, kinh giới 16g, cỏ hàn the 12g, thương nhĩ 16g, lá đinh lăng 16g, cam thảo đất 16g, bồ công anh 10g, sâm bố chính 16g, bạch chỉ bắc 8g, thiên niên kiện 10g, nhục quế 6g, thạch xương bồ 12g, đỗ trọng 10g, hoàng kỳ 12g, xạ can 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: chống viêm, thông nhĩ, giảm đau, tiêu độc.
Thuốc nhỏ tai:
Nguyên liệu gồm kinh giới, cây ngũ sắc, thạch xương bồ, thương nhĩ tử, trần bì mỗi vị 16g. Cho các vị vào ấm, đổ 150ml nước, đun còn khoảng 50ml. Rót nước thuốc ra, dùng bông y tế lọc 2 lần, cho vào lọ nhỏ giọt để tủ lạnh. Mỗi lần nhỏ 2 – 3 giọt, ngày 3 lần, tối 1 lần. Công dụng: diệt khuẩn, chống viêm, tiêu độc, giảm đau, hết chảy nước.
Lương y Thanh Ngọc