Cây trâu cổ (Ficus pumila L. Họ Moraceae), tên khác: xộp, vẩy ốc, bị lệ. Là loại dây leo, mọc bò, rễ bám lên đá, bờ tường hay cây cổ thụ. Toàn thân có nhựa mủ trắng. Ở các cành có rễ bám thì lá nhỏ, không có cuống, gốc lá hình tim, nhỏ như vẩy ốc nên có tên là cây vẩy ốc. Các cành nhánh không có rễ bám, mọc tự do có lá lớn hơn, lá có cuống dài, mặt lá ráp. Chỉ ở các cành này mới có hoa và quả.
Cây trâu cổ mọc hoang ở nhiều nơi, thường được trồng cho bám lên tường hay cây to để làm cảnh hay che mát. Người ta thường dùng quả (bị lệ thực, vương bất lưu hành), cành mang lá, quả non phơi khô (bị lệ lạc thạch đằng).
Trong vỏ quả chứa đến 13% chất gôm, khi thủy phân cho các đường đơn: glucose, fructose, arabinose; thân và lá có mesoinositol, B sitosterol, taraxeryl acetate, B amyrin.
Quả có vị ngọt, tính mát, có tác dụng tráng dương, cố tinh, lợi thấp, thông sữa. Dùng làm thuốc bổ, chữa di tinh, liệt dương, đau lưng, lỵ lâu ngày, kinh nguyệt không đều, viêm tinh hoàn, phong thấp, ung thũng, thoát giang (lòi dom), tắc tia sữa và đái ra dưỡng chấp. Thân và rễ: vị hơi đắng, tính bình, có tác dụng khu phong, hoạt huyết, giải độc. Dùng chữa phong thấp tê mỏi, sang độc ung nhọt và kinh nguyệt không đều.
Lá có vị hơi chua chát, tính mát, có tác dụng tiêu thũng giải độc. Dùng chữa viêm khớp xương, nhức mỏi chân tay, đòn, ngã, tổn thương, mụn nhọt, đinh sang, ngứa lở…
Cách dùng:
- Quả trâu cổ 40g, bồ công anh 15g, lá mua 15g. Sắc uống: chữa tắc tia sữa, sưng vú, ít sữa. Dùng lá bồ công anh giã nhỏ, cho ít giấm, chưng nóng chườm hay đắp ngoài.
- Cao quả trâu cổ: quả chín thái nhỏ, nấu với nước, lọc bỏ bã, cô thành cao. Ngày uống 5-10g. Dùng chữa chứng đau xương, đau người ở người già, làm thuốc bổ, điều kinh, giúp tiêu hóa.
- Rượu bổ chữa di tinh liệt dương: cành và lá, quả non phơi khô 100g, đậu đen 50g. Xay thô 2 thứ và ngâm trong 250ml rượu trắng, ngâm 10 ngày, ngày uống 10-30ml