Theo y học dân tộc, phật thủ có vị cay, đắng và chua, tính ấm, đi vào hai kinh phế và tỳ, có tác dụng hành khí chỉ thống, hoá đờm, kiện vị, chỉ khái, giúp tiêu hoá, cầm nôn mửa, chữa ho. Qua nghiên cứu người ta thấy trong phật thủ có tinh dầu và một chất flavonoit gọi là hesperidin rất có ích cho việc trị đau dạ dày.
Trong dân gian, phật thủ được dùng chủ yếu để chữa đau dạ dày, chữa ho dai dẳng có nhiều đờm, trướng bụng, nôn mửa…
Cách làm thuốc: thu hái trái chín về, bổ dọc thành từng miếng mỏng, phơi khô. Mỗi ngày dùng từ 4 – 8g cùi quả phơi khô, sắc uống, làm trà thuốc hoặc lấy vỏ quả ngâm rượu uống.
Sau đây là một số bài thuốc đơn giản và có hiệu quả:
Chữa đau dạ dày: Phật thủ tươi 15 – 20g hoặc 6 – 10g phật thủ khô, thái lát thật mỏng hoặc tán vụn, cho vào ấm, pha nước sôi vào, đậy nắp kín như pha trà, để 10 – 15 phút sau rót ra uống lúc nóng. Ngày uống một thang, uống trong ngày thay nước trà.
Đau dạ dày mạn tính: Vị khí bất hoà, trướng bụng, chán ăn, ăn không ngon. Cách làm: dùng 10g phật thủ khô, 6g hoa nhài, pha như pha trà, hãm khoảng 10 – 15 phút rồi uống lúc nóng. Ngày uống một thang thay nước trà.
Ngoài công dụng chữa đau dạ dày, phật thủ còn có thể chữa ho kéo dài có nhiều đờm, viêm phế quản mạn tính. Cách làm đơn giản nhất là nhai cả cùi và vỏ quả phật thủ, nuốt nước. Hoặc có thể dùng bài thuốc phối hợp phật thủ với bán hạ sau: Phật thủ khô 6g, bán hạ chế với nước gừng 6g. Cho các vị vào ấm, sắc với 400ml nước còn 250ml, chia làm hai lần uống trong ngày. Lưu ý: để cho dễ uống thì nên pha thêm ít đường.