Cây xương sông thường được dùng làm thuốc chữa cảm sốt, ho hen, nôn mửa, đầy bụng… và đặc biệt là đau nhức vì thấp khớp.
Cây xương sông có nơi còn gọi là xang sông, rau súng ăn gỏi hoặc hoạt lộc thảo. Theo Đông y, xương sông có vị hơi cay, tính ấm, không độc.
Chữa cảm sốt, ho, đầy bụng: 15 – 20 gr lá xương sông sắc với 500 ml nước còn 250 ml, chia 2 – 3 lần uống trong ngày.
Trị sốt cao ở trẻ: Lá xương sông, lá chua me đất lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt cho trẻ uống, bã đắp lên đỉnh đầu, trán và xoa khắp người.
Sốt kéo dài kèm ho khi trẻ lên sởi: Lá xương sông, lá chua me đất, vỏ rễ dâu, kinh giới, địa cốt bì mỗi thứ 8 – 10 gr, sắc uống ngày một thang. Nếu đi lỏng thì giảm chua me đất.
Ho có đờm, nôn trớ ở trẻ em: Lấy 2 – 3 lá xương sông bánh tẻ rửa sạch, thái nhỏ cho vào bát cùng với 5 thìa cà phê mật ong, đem hấp cách thủy chừng 10 phút rồi chắt nước chia uống nhiều lần trong ngày.
Chảy máu cam: Lấy một nắm lá xương sông rửa sạch, vò nát nhét vào lỗ mũi, rất công hiệu.
Chữa vết thương đang chảy máu: Lấy một nắm lá xương sông rửa sạch, giã nhuyễn đắp lên, sẽ cầm máu.
Dị ứng, nổi mề đay: Lá xương sông, lá khế lượng bằng nhau, lá chua me đất bằng nửa lá khế, rửa sạch, giã nát, hòa nước uống, còn bã xoa lên chỗ nổi mề đay, rất chóng khỏi.
Trị chứng thấp khớp, đau nhức: Lấy một nắm lá xương sông rửa sạch, giã nát, xào nóng, bọc vào vải chườm lên chỗ sưng đau, rất hiệu nghiệm.
Theo Datviet Online