Hắc lào là căn bệnh “khó nói” thường gây khổ sở cho không ít người, đặc biệt là những người ở vùng sâu vùng xa vì ngứa ngáy, mẩn đỏ và lở loét. Sở hữu bài thuốc nam gia truyền sáu đời tổng hợp nhiều thảo dược có tác dụng đặc trị vùng da, bà Đinh Thị Ặm (tỉnh Hòa Bình) được người địa phương đặt biệt danh là “bà lang trị bệnh Tôn Ngộ Không
Nửa cuộc đời hoàn thiện bài thuốc gia truyền
Bài thuốc dân gian này bà Ặm được bà nội truyền lại, cũng đồng thời truyền cho những kinh nghiệm về bệnh hắc lào. Theo bà Ặm, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh này là do những loại nấm cạn siêu nhỏ gây nên. Do môi trường ở miền Bắc Việt Nam thường có độ ẩm cao, khi lao động ra mồ hôi nhiều nhưng những người không chịu giặt quần áo, mà mặc tiếp lần sau dẫn đến nấm phát triển trên da. Ngoài ra người sinh hoạt mất vệ sinh, tắm giặt, bơi lội ở vùng nước bẩn cũng dễ bị bệnh hắc lào.
Theo bà Ặm, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là thanh thiếu niên, trung niên, thường nam mắc bệnh nhiều hơn nữ, người lao động thường xuyên ra mồ hôi mà không vệ sinh tốt có nguy cơ mắc bệnh cao.
Biểu hiện của người bị hắc lào thường ngứa nhiều về đêm, hay lúc ra mồ hôi hoặc tiết trời nóng nực. “Cơ thể có những mẩn đỏ, mụn nước, ngứa ngáy khó chịu, càng gãi càng ngứa, có người không chịu được mà dùng dao cạo sồn sột vùng da rất nguy hiểm, dẫn đến nhiễm trùng và bệnh càng nặng hơn”, bà lão cho biết các kinh nghiệm phát hiện bệnh.
Từng tiếp xúc cả ngàn lượt người bệnh, bà cho biết bệnh thường phát ở một bên bẹn, sau đó mới lan sang bên bẹn kia và lan dần sang mông. Bệnh ở chân, tay, mặt, hay bụng rất ít gặp. Nếu không chữa kịp thời, da của người bệnh có thể bị bỏng, chảy nước nhiều, ngứa dữ dội, nhiễm trùng. Lâu dần vùng ngứa sẽ biến thành vùng chàm. Bệnh có thể lây lan từ người này sang người khác, trung gian truyền bệnh có thể là gia súc như chó, mèo… hoặc vi khuẩn tồn tại trong bụi đất…
Bà Ặm kể lại bài thuốc chính thống chữa bệnh hắc lào của bà nội truyền lại chỉ có rễ cây tre gai và cây đà hạc. Nhưng hạn chế bài thuốc của bài thuốc truyền lại là không thể chữa khỏi hoàn toàn những vết sẹo, nám, vết thương; nếu bệnh nhân không vệ sinh tốt sẽ rất dễ tái phát.
Qua nhiều lần chữa trị cho người bệnh, bà Ặm luôn tỉ mỉ quan sát những hiện tượng, tình trạng bệnh lý để tìm những cây thuốc bổ sung thêm vào bài thuốc gia truyền. Bà đã chia ra từng biểu hiện nhỏ của bệnh và tìm thêm nhiều cây thuốc để khắc chế bệnh. Từ cách lý giải tỉ mỉ từng vấn đề, biểu hiện của bệnh mà bà đã có được bài thuốc tổng hợp từ rất nhiều cây thuốc khác nhau để chữa bệnh hữu hiệu.
Thang thuốc trị hắc lào của bà Ặm cuối cùng đã hình thành với rất nhiều loại cây cỏ dại: Lá cây nhót, cây cỏ sữa (mọc ở bờ ruộng, hoa màu trắng, thân nằm bám dài trên đất nền), lá non cây đà hạc (cây giống cây xoan), cây hắc lào, rễ cây măng tre gai và dầu trắng, cây rau răm, lá cây vòng… Ngoài ra, còn một số loại cây khác mà bà Ặm bổ sung vào bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian của người dân tộc nhưng không tìm được tên gọi phổ thông để kể ra.
Bà lang này cho biết, tùy theo bệnh tình mà bà sẽ kê đơn thuốc theo đúng liều lượng. Trung bình cứ lấy đủ lượng thuốc để đắp kín vùng da bị mẩn ngứa là được, mỗi vị thuốc lấy một chén con. Tất cả những vị thuốc được cho vào giã nát đổ ra bát, sau đó đổ dầu thắp (dầu hỏa (cách gọi của người miền Bắc), dầu hôi (cách gọi của người miền Nam) – PV) vừa ngập. Người thầy thuốc phải rửa sạch tay bằng nước ấm pha muối sau đó mới được bốc đắp cho bệnh nhân tránh để vùng bệnh nhiễm trùng. Mỗi lần đắp đến khô hết thuốc (khoảng 12 tiếng đồng hồ) là bỏ ra đắp tiếp thuốc khác vào, ngày đắp một lần. Đắp liên tục đến lúc nào khỏi hẳn mới thôi dùng thuốc.
Bà lão tìm niềm vui trong những thang thuốc
Chị Bùi Thị Sim (tỉnh Hòa Bình) là một trong những bệnh nhân bà Ặm nhớ nhất. Lúc đến khám ở nhà bà, cơ thể chị đã lên từng mảng mụn. “Tôi ở lại nhà mế Ặm nhiều ngày để chữa bệnh. Tôi ngứa ngáy cả đêm không ngủ được, có hôm mế đã phải thức đêm thắp đuốc đi tìm thuốc về chữa cho tôi. Nhiều đêm mế đã mất ngủ vì tôi, hàng tháng trời cuối cùng mới chữa khỏi bệnh”, chị Sim kể. Cảm kích sự nhiệt tình cứu chữa của bà lang, chị Sim xin nhận bà Ặm làm mẹ nuôi.
Trường hợp bà Bùi Thị Na (tỉnh Hòa Bình) là trường hợp đặc biệt khác, tìm đến nhờ cứu chữa khi đã bị hắc lào nặng đến mức chảy dịch, phải đeo tấm áo mưa. “Bà ấy không thể mặc áo được vì nó đã dính hết vào người, mùi bốc ra khiến ruồi bọ bay theo, bâu vào càng ngứa ngáy, chẳng có cách nào khác là bà ấy phải đeo áo mưa”, bà lang cười nhớ lại. Vậy mà cũng chỉ sau một thời gian ngắn, người bệnh tội nghiệp này đã được trị dứt căn bệnh.
Là bài thuốc dân dã, chủ yếu dùng trị cho những người địa phương nên dù đặc trị, bà lão cũng không kiếm tiền nhờ “bí quyết” này mà vẫn sinh sống chủ yếu nhờ nghề nông nghiệp. Ai đến chữa nếu không có tiền thì bà lão cũng không đòi hỏi, nếu thương công sức bà lão đi tìm lá thuốc thì dúi cho bà dăm ba chục ngàn. Đằng sau mỗi thang thuốc dường như là cả tấm lòng ấm áp, sẻ chia của bà mế vùng cao. “Mỗi khi nhìn một người bệnh khỏi hẳn, sống thoải mái, vui vẻ là mế lại thấy vui trong lòng”, bà Ặm chia sẻ.
Ông Quách Mạnh Quyết, trưởng xóm Cò cho biết: “Chúng tôi được biết bà Ặm chưa từng học qua trường lớp nào về ngành y, nhưng bà đã được chữa được những bệnh khá đặc biệt chỉ với những cây thuốc gia truyền. Vì bà chưa có giấy phép hành nghề nên chúng tôi không thể kiểm chứng được chắc chắn những trường hợp đã được chữa khỏi. Chỉ biết rằng trong xóm đã có rất nhiều người khỏi hẳn”.
Theo Hoàng Thế Tào