Bài thuốc hay từ cây sậy

Cây sậy thường mọc hoang ở những chỗ ẩm, bờ sông, bờ suối, bờ hồ, là cây thảo lâu năm, có rễ bò dài, rất khoẻ. Thân cao, thẳng đứng rỗng ở giữa. Lá dài, phẳng, nhẵn, hình dải hay hình mũi mác, có mỏ nhọn kéo dài, mép lá ráp; lá xếp ôm lấy thân ở phía gốc lá; lưỡi bẹ có dạng vòng lông ngắn.
Vào mùa đông lá sậy thường khô. Cụm hoa có dạng chùy, thường có màu tím hay màu nhạt, hơi cong rũ; cuống chung thường có lông mềm, dày đặc ở gốc, nhánh rất mảnh. Bông nhỏ mang 3 – 6 hoa, khi chín có mày xòe rất nhọn.
Cây sậy

Cây sậy

Để dùng làm thuốc, người ta đào những rễ béo mập, màu trắng, mềm, nhấm thấy hơi ngọt. Sau khi chọn những rễ mập, mang về phơi khô, thấy sắc vàng nhạt, là loại rễ tốt. Đông y gọi rễ sậy là lô căn. Không dùng những thứ rễ đã nát, xốp nhẹ.
Theo quan niệm y học cổ truyền lô căn có vị ngọt, tính lạnh; vào 2 kinh phế và vị. Có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, sinh tân chỉ khát (tăng tân dịch, chống khát), trừ phiền, chống nôn, lợi niệu..

Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian:

Bài 1: Hỗ trợ điều trị chữa viêm phế quản mạn tính (thể nhiệt): Lô căn 20g, rau diếp cá 15g, kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, bồ công anh 9g, trần bì 6g, sa sâm 9g, qua lâu 9g. Đổ 800ml nước, đun nhỏ lửa còn 250ml nước, chia 3 lần uống trong ngày. 10 ngày một liệu trình.

Cây diếp cá

Cây diếp cá

Bài 2: Chữa đầy bụng, kém ăn: Lô căn 20g, gừng tươi 6g nấu nước uống sau ăn 15 phút.
Bài 3: Trị cảm sốt do lạnh. Dùng giải nhiệt hằng ngày, lô căn 300g tươi hoặc 25g đã phơi khô nấu trong 1 lít nước còn 700ml, uống lúc khát. Dùng liền 5 ngày.
Bài 4: Chữa cảm nắng: Lô căn 200g, diếp cá 20g, kim ngân 15g. Tất cả rửa sạch đổ 500ml nước đun còn còn 250ml. Chia 2 lần uống trong ngày.
Bài 5: Hỗ trợ điều trị viêm thận cấp: Lô căn 50g, ngư tinh thảo 30g, bạch mao căn 30g. Tất cả rửa sạch đổ 800ml nước, sắc còn 250ml nước chia 3 lần uống nước uống ngày 1 thang, chia 3 lần uống. 5 ngày một liệu trình. Trong thời gian điều trị kiêng muối.
Lưu ý: Người tỳ vị yếu, hay tiêu chảy không dùng.

Bác sĩ Hữu Ðức