Bệnh bướu cổ xuất hiện không chỉ do thực phẩm không cung cấp đủ iốt mà còn do có những yếu tố ngăn cản sự hấp thu hay gây ảnh hưởng đến sự chuyển hóa chất này. Khi bị bướu cổ, người bệnh cảm thấy khó chịu và vướng ở cổ, đôi khi mệt mỏi, có vẻ lo lắng. Nếu bệnh nặng, bệnh nhân sẽ khó thở, khó nuốt, khản tiếng, mất tiếng. Lúc bệnh mới phát, bướu rất nhỏ, nhìn qua không thấy, sờ nắn không đau, khi bệnh nhân ngửa cổ ra mới thấy rõ.
Bướu cổ mềm hoặc có nhân rắn (1 hay 2-3 nhân), kích thước bằng đầu ngón tay út, di động, về sau có thể to dần như quả trứng. Có khi vừa có u mềm vừa có u nhân. Nếu không được điều trị, bướu sẽ to ra, đè ép lên các bộ phận lân cận, hoặc gây biến chứng nguy cấp phải phẫu thuật.
Để đề phòng bệnh bướu cổ, cần dùng muối iốt và các sản phẩm có iốt (bột canh iốt, nước mắm iốt…) hằng ngày; ăn các hải sản, nhất là rau câu (làm dưa hay trộn nộm).
Sau đây là một số bài thuốc hỗ trợ điều trị bướu cổ:
– Cháo rong biển: Rong biển khô 50g, gạo tẻ 100g; rong biển ngâm nước, rửa sạch, thái nhỏ cho vào nồi cùng với gạo đã vo sạch và một lít nước. Đun to lửa sau đó bớt lửa nấu thành cháo loãng, cho thêm muối vừa ăn. Mỗi ngày ăn hai lần vào sáng và tối.
– Cháo ngũ vị: Lúa mạch 150 g, toan táo nhân 10 g, ngũ vị tử 10 g, mạch môn 10 g, hạt sen 20 g, long nhãn 10 g. Toan táo nhân, ngũ vị tử giã vụn, sắc cùng với mạch môn, lấy nước đặc. Hạt sen bỏ tâm, nấu nhừ để riêng. Lúa mạch nấu thành cháo, khi sắp chín thì cho các vị kia vào. Ăn mỗi ngày một bát.
– Côn bố, hải tảo (rong biển), thông thảo, vỏ hến hoặc vỏ sò (nung thành vôi, tán nhỏ) mỗi vị 40 g, thịt yếm ở cổ con dê 240 g (thái miếng, sấy khô). Tất cả tán thành bột, làm viên, uống mỗi lần 8 g, ngày 3 lần.
– Hải tảo, hạ khô thảo mỗi vị 30 g; huyết giác, mộc thông, nga truật, xạ can, liên kiều, đơn bì, huyền sâm mỗi vị 15 g. Tất cả sắc lấy nước, uống với bột mẫu lệ (vỏ hàu nung tán nhỏ). Ngày uống 15 g, chia làm 3 lần.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống