Ngũ gia bì còn gọi ngũ gia 3 lá, tam diệp ngũ gia, thích tam gia, thổ tam gia bì. Tên khoa học: Acantopanas trifoliatus (L) Mer. Là vỏ rễ phơi khô của cây ngũ gia bì vì lá có 5 lá chét nên gọi ngũ, bì là vỏ.
Theo Đông y, ngũ gia bì tính mát, vị ngọt, cay, đắng vào gan, phổi, thận, vị. Tác dụng thanh nhiệt giải độc trừ phong lợi thấp, thư gân hoạt huyết, trị cảm mạo sốt cao, ho đờm dính máu, viêm khớp do phong thấp, hoàng đản, khí hư, đường niệu kết sỏi, vấp ngã, bị đánh đập tổn thương, sưng vảy lở loét, trị eo lưng đau, đầu gối đau nhức, gân cốt co rút, sán khí, trẻ con chân mềm yếu, đau thần kinh hông, lý khí bình suyễn ngừng ho. Dùng uống trong: sắc uống 20-40g hoặc ngâm rượu uống; Dùng ngoài: sắc nước rửa, nghiền nhỏ đồ, đắp hoặc rắc xoa.
Kiêng kỵ: không dùng cho phụ nữ có thai.
Bài thuốc chữa bệnh có ngũ gia bì:
Trị chân tay tê ngứa, lưng gối mềm yếu, gân cốt đau nhức, chân tay vô lực: Đậu đen sao tẩm đồng tiện, làm 7 lần rồi nấu chín để dùng. Đương quy, trần bì, ngũ gia bì lượng bằng nhau, lúa tẻ sao rượu 18g. Đổ nước ngập thuốc, sắc uống.
Trị eo lưng đau: Rễ ngũ gia bì 120g, mai mực khô 2 cái, rượu một nửa, nước một nửa hòa chung sắc thuốc uống.
Trị phong thấp lao thương: Rễ ngũ gia bì 25-30g. Sắc uống.
Trị khớp bị thấp nhiệt sưng đau: Rễ ngũ gia bì khô 40g. Sắc nước pha tí rượu uống.
Trị phong thấp, bị đánh đập, vấp ngã đau: Rễ ngũ gia bì 80g. Sắc nước hoặc ngâm rượu uống.
Trị gãy xương: Vỏ rễ ngũ gia bì giã nhừ hòa rượu sao nóng đắp chỗ đau.
Trị ho hen suyễn: Rễ ngũ gia bì 20g, tô ngạnh 12g, ngũ vị tử 10g, mạch môn 10g. Sắc uống.
Trị ho đờm có dính máu: Rễ ngũ gia bì 12g, bạch cập 12g, tang bạch bì 10g, sa sâm 4g. Sắc uống.
Trị lao thương nôn máu, tâm khí đau: Rễ ngũ gia bì, ngưu tất, kê huyết đằng đều 12g. Nấu với 500ml rượu, ngày uống 2 lần mỗi lần 20ml.
Trị khí hư, kinh nguyệt khó khăn: Ngũ gia bì 12g, ngưu tất 8g. Sắc nước uống.
Lương y Nguyễn Minh