Viêm mũi cấp tính thường dẫn đến niêm mạc mũi sung huyết, sưng tấy, dân gian thường gọi là “trúng gió”, “cảm mạo”. Bệnh phát sinh quanh năm nhưng xuất hiện nhiều vào mùa đông – xuân, đây là loại bệnh hay gặp, bệnh này không chữa cũng tự khỏi nhưng nếu để tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến mạn tính. Khi một bộ phận của đường hô hấp bị cảm nhiễm cấp tính, Đông y gọi là “thương phong tị tắc”, đó là do sức đề kháng của cơ thể giảm sút, chức năng phòng vệ của niêm mạc mũi bị thương tổn khiến virut xâm nhập vào xoang mũi và gây bệnh.
1. Triệu chứng:
Thời kỳ đầu: Xoang và họng khô, có cảm giác nóng, niêm mạc xoang mũi sung huyết, không chảy nước mũi, cơ thể mệt mỏi uể oải, chán ăn, thân nhiệt thất thường hoặc hơi cao.
Thời kỳ cấp tính: Sốt, tắc mũi, hắt hơi, xoang mũi chảy nước trong hoặc mủ, nói chuyện âm mũi nặng, nhạt miệng không khát, khứu giác giảm, niêm mạc xoang mũi sung huyết nặng, sưng tấy.
Thời kỳ hồi phục: Chảy nước mũi giảm dần, không có mủ, nói âm mũi nhẹ, sức khỏe khá hơn.
2. Một số nguyên nhân gây bệnh viêm mũi
Virut cảm cúm là nguyên nhân chính, có rất nhiều loại virut cúm gây bệnh. Khi sức đề kháng của cơ thể do một nguyên nhân nào đó bị giảm sút hoặc chức năng phòng vệ của niêm mạc mũi bị thương tổn, virut sẽ xâm nhập vào cơ thể sinh sôi nảy nở nhanh gây bệnh, và rất dễ tái phát.
3. Một số phương pháp điều trị viêm mũi
Điều trị viêm mũi cấp tính bằng phương pháp hít thuốc
Phương pháp này dùng mũi hít thuốc, còn gọi là “tị hấp pháp” hay “hấp tị pháp”, là phương pháp điều trị bằng cách hít thuốc hoặc hít mùi vị, hơi nước, khí, sau khi đã qua một số công đoạn điều chế. Sau đây là một vài phương pháp hít thuốc:
Tán bột: Nghiền thuốc thành bột, chứa trong bình kín. Khi dùng lấy ra một ít để vào lòng bàn tay hoặc bìa giấy cứng, dùng mũi hít bột thuốc vào trong mũi, hít vài lần cho đến khi hết thuốc.
Hấp khí: Tán thành bột những vị thuốc có mùi thơm hoặc mùi vị đậm đặc sau đó đựng trong bình kín. Khi dùng, mở nắp bình, nhanh chóng đưa mũi vào sát miệng bình, hít mùi vị của thuốc, hít liên tục nhiều lần. Cũng có thể tán thuốc thành những hạt nhỏ bỏ vào túi đem theo cho tiện việc sử dụng.
Xông hơi: Sắc thuốc bằng ấm hoặc bình có miệng, đưa sát mũi vào miệng bình hít hơi thuốc bốc lên.
Bài 1: Kinh giới 10g, phòng phong 10g, khương hoạt 10g, độc hoạt 10g, xuyên khung 6g, mộc lan 6g, gừng tươi 3 miếng.
Cách dùng: Sắc thuốc bằng nước, khi sôi hít hơi thuốc bốc lên, mỗi lần 30 phút, ngày hai lần, trong 3 ngày.
Bài 2: Hoa kim ngân 6g, hoa cúc 6g, lá dâu 10g, bạc hà 10g, liên kiều 6g.
Cách dùng: Chưng nước, dùng mũi hít hơi nước bốc lên, mỗi lần 30 phút, ngày 2 lần trong 3 ngày.
Bài 3: Nga bất thực thảo 9g, bạc hà 9g, thanh đại 9g, tế tân 5g. Cách dùng: Tán bột, mỗi lần lấy một ít hít vào trong mũi.
Bài 4: Hạt thương nhĩ 30g, mộc lan 30g. Cách dùng: tán bột, ngâm trong rượu, hâm cách thủy, hít hơi thuốc bốc lên.
Điều trị viêm mũi cấp tính bằng phương pháp bôi thuốc:
Phương pháp dùng thuốc để bôi còn gọi là “đồ tị pháp” hay “chà tị pháp” là phương pháp phòng và trị bệnh bằng cách chế biến thuốc thành dạng keo lỏng bôi vào bên trong mũi. Mỗi ngày bôi vài lần, thuốc bôi trong mũi luôn trong trạng thái ẩm lỏng mới phát huy tác dụng tốt.
Bài 1: Ruột bấc trong thân cây (thông thảo) 3g, tế tân 3g, phụ tử 3g. Cách dùng: Tán bột, trộn đều, dùng bông bọc thuốc nhét vào trong mũi, chủ trị tắc mũi.
Bài 2: Hạnh nhân 0,6g, tiêu (ép lấy nước), phụ tử (gọt vỏ) 0,3g; tế tân 0,3g.
Cách dùng: Cắt nhỏ 4 vị thuốc, ngâm trong 0,1 lít giấm một đêm, sáng hôm sau sắc thuốc với 0,5 lít mỡ lợn, khi phụ tử chuyển màu vàng, thuốc đặc lại, đem gạn cặn để nguội, khi dùng bôi đều bên trong hốc mũi. Chủ trị trẻ em bị tắc mũi.
Bài 3: Mộc hương 15g, linh lăng hương 15g, tế tân 1g. Cách dùng: tán bột, lọc, trộn đều với 0,3 lít tinh chất sữa bơ, bỏ vào trong siêu đun nhỏ lửa đến khi có mùi thơm, gạn bỏ cặn, đựng trong bình sứ, bôi lên đầu và bên trong mũi ngày 3 lần, trị trẻ em tắc mũi, không bú được.
Bài 4: Trư nha tạo giác 9g, thiên nam tinh 9g, đậu đỏ 5g, hành củ.
Cách dùng: Hành củ giã lấy nước, tán bột 3 vị thuốc trên, lấy nước hành bôi lên thóp đầu và lỗ mũi, đồng thời lấy bột bôi lên thóp, trị trẻ em thở gấp, không bú được, sốt, nghẹt mũi.
Điều trị viêm mũi cấp tính bằng trích dược liệu pháp: Là phương pháp nhỏ thuốc ở dạng chất lỏng vào mũi để trị bệnh, còn gọi là “trích tị pháp” hay “điểm tị pháp”.
Bài 1: Hành lá 7 cây, 1 giọt dầu bạc hà, dầu glyxerin.
Cách dùng: hành lá rửa sạch, để khô, cắt nhỏ, giã nát, dùng vải bố lọc lấy nước, thêm vào lượng dầu glyxerin tương đương và một giọt dầu bạc hà, đựng trong bình kín, lắc đều trước khi dùng, ngày nhỏ 3 lần.
Bài 2: Tật lê 30g.
Cách dùng: Giã nhỏ, sắc với nước, trị chứng chảy nước mũi, mất khứu giác.
Bài 3: Bạch chỉ 1g, xuyên khung 1g, đương quy 1g, tế tân 1g, thông thảo 1g, quế tâm 1g.
Cách dùng: ngâm với rượu và giấm 1 đêm, dùng 1 lít mỡ lợn chiên cho đến khi bạch chỉ có màu vàng, khi thuốc đặc, gạn bỏ cặn, nhỏ dung dịch vào mũi hoặc dùng bông chấm thuốc nhét vào bên trong mũi, trị nghẹt mũi.
Bài 4: Cửu căn (rễ rau hẹ).
Cách dùng: giã lấy nước để lắng trong, nhỏ vào bên trong mũi, ngày 2 lần, trị trẻ em mũi khô nghẹt, sốt.
Bài 5: Hành tây 200g.
Cách dùng: rửa sạch bỏ vào cối, đổ khoảng một thìa nước sôi, giã nát lấy nước, nhỏ mũi ngày 3 lần, trị viêm mũi cấp tính, mạn tính.
Bài 6: Thương nhĩ tử 150g, mộc lan 150g, bạch chỉ 150g, ngân hoa 150g, liên kiều 150g, hoa cúc dại 150g, hoàng cầm 150g, đan bì 150g, nga bất thực thảo 150g, bạc hà 100g, tế tân 50g, lá khuynh diệp tươi 300g.
Cách dùng: Sắc các vị thuốc trên với nước, đựng trong lọ nhỏ thuốc, mỗi lọ 10ml, ngày nhỏ 3-5 lần, mỗi lần 2-3 giọt, lúc mới nhỏ có thể gây hắt hơi hoặc chảy nước mũi nhiều, khoảng 2-3 phút sau sẽ hết.
Theo SK&ĐS