Từ xưa trong dân gian, sau khi ăn vải, hay dùng cùi vải chế biến thực phẩm, người ta thường gom hạt lại, rửa sạch, phơi hay sấy khô, để dùng làm thuốc trong gia đình hay để bán cho các thầy lang. Tiếc rằng hiện nay trong sinh hoạt, sau khi ăn cùi vải, hạt còn lại thường bị bỏ đi. Làm như vậy trên thực tế đã bỏ phí một vị thuốc quý. Vì trong các cẩm nang về Đông dược sử dụng trên lâm sàng hiện đại, hạt vải – thứ bị bỏ phí đó, luôn luôn hiện diện và được xếp vào loại “Thuốc lý khí” (“lý” = chỉnh lý, “lý khí” = chữa trị các chứng bệnh liên quan đến chức năng của “khí”), cùng với những vị thuốc quen thuộc như: hương phụ (củ gấu), trần bì (vỏ quít chín để lâu ngày), thanh bì (vỏ quít xanh), chỉ thực, mộc hương, ô dược…
Hạt vải khi dùng để chữa bệnh, nói chung không cần sao chế gì đặc biệt (gọi là dùng sống). Một số trường hợp, cần bào chế theo yêu cầu của từng loại bệnh. Thí dụ như, khi chữa tinh hoàn sưng đau, âm nang sưng đỏ, phụ nữ khí trệ huyết ứ, đau bụng trước khi hành kinh hoặc đau bụng sau khi sinh con, Can khí uất trệ, đau dạ dày… thì thường dùng sống. Còn khi chữa sán thống (thoát vị đau nhức) do hàn ngưng khí trệ ở kinh quyết âm, thường đem tẩm muối rồi nướng lên (gọi là “diên chích lệ chi hạch”)…
Để tham khảo, xin giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng hạt vải:
Phòng trị đái tháo đường týp 2:
– Cách thứ nhất: hạt vải phơi khô, thái nhỏ, sắc lấy nước, cô lại thành cao rồi chế thành viên; mỗi viên 0,3g. Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 4 – 6 viên; Liên tục 3 tháng (một liệu trình).
– Cách thứ hai: hạt vải đem sấy khô, tán mịn. Cho vào lọ nút kín dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, trước bữa ăn nửa tiếng, mỗi lần uống 10g. Liệu trình 3 tháng.
Theo những thông báo, đăng trên các tạp chí y học có uy tín, ở Trung Quốc như: “Trung y tạp chí”, “Bắc Kinh trung y”, “Trung thành dược”… cả hai phương pháp trên đều mang lại kết quả mỹ mãn; tỉ lệ khỏi bệnh đạt trung bình 83%; trong quá trình điều trị hầu như không thấy phát sinh tác dụng phụ.
Viêm, đau dạ dày mạn tính: hạt vải sấy khô, tán mịn, cất vào lọ nút kín để dùng dần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g. Chiêu bằng rượu trắng pha loãng hoặc nước ấm.
Phòng sỏi mật: thường ngày nên uống “Quất hạch lệ hạch ẩm”: dùng hạt quít, hạt vải, mỗi thứ 20g, trần bì 10g, hồng táo 2 trái, nước 3 bát, đun sôi, uống thay trà trong ngày.
Chữa tinh hoàn sưng đau:
Hạt vải thiêu tồn tính, nghiền mịn; Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 – 6g; chiêu thuốc bằng rượu trắng hoặc nước ấm.
Đơn khác: hạt vải, trần bì, hồi hương; ba vị liều lượng bằng nhau, tất cả tán thành bột mịn, trộn đều. Ngày uống 3 lần; mỗi lần uống 4 – 6g, dùng rượu hoặc nước ấm chiêu thuốc.
Phụ nữ thống kinh, sản hậu đau bụng: dùng hạt vải 15g, (thiêu tồn tính), hương phụ (củ gấu) 30g. Hai thứ nghiền mịn, trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 6g. Chiêu bằng nước muối nhạt hoặc nước đun sôi.
Lương y HUYÊN THẢO