Cây nhội còn có tên thu phong, nhội tía, quả cơm nguội… Tên khoa học: Bischofia javanica Blume. Theo Đông y, nhội vị hơi cay, chát, tính mát, tác dụng hành khí, hoạt huyết, tiêu thũng, giải độc. Người ta dùng ngọn, lá non thái nhỏ, rửa kỹ xào hay nấu canh; một số nơi dùng lá non ăn gỏi cá.
Cây nhội được dùng làm thuốc chữa các bệnh sau:
Chữa tiêu chảy: 20 – 40g lá khô hay 40 – 60g lá tươi sắc lấy nước uống trong ngày.
Chữa khí hư, bạch đới, viêm âm đạo, lở ngứa: lá tươi 50 – 80g sắc lấy nước để uống hoặc sắc lấy nước đặc, thêm ít phèn chua hay hòa thêm 1 – 2 viên klion (metronidazole) để ngâm rửa. Có thể nấu cao đặc để bôi.
Chữa dị ứng do thuốc mỡ, tiếp xúc hóa chất, lở ngứa như ghẻ ruồi do tắm nước bẩn (nước ao tù): lá quả cơm nguội 2 phần, nghể răm 1 phần, nấu nước để tắm, tắm khi nước còn nóng, dùng lá chà xát khắp người.
Chữa dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt: lá nhội 50g, lá cây dâu gia 50g. Giã nhỏ, trộn với ít dấm, bôi.
Chữa viêm gan siêu vi: lá nhội tươi 60g, hợp hoan bì 15g, rau má 30g, đường phèn 15g, sắc nước uống.
Tại Trung Quốc, người ta đã dùng vỏ thân, rễ cây trị phong thấp, đau xương; nghiên cứu lá cây chữa bệnh ung thư đường tiêu hóa, ung thư dạ dày, chữa viêm gan truyền nhiễm, viêm phổi, viêm hầu họng, trẻ em cam tích. Dùng ngoài trị mụn nhọt và lở ngứa…
TS. Nguyễn Đức Quang