Nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh Basedow

1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Đặc điểm dịch tễ
Bệnh Basedow còn được gọi là bệnh Parry hay bệnh Graves, bệnh bướu cổ có lồi mắt hay bệnh tăng năng giáp tự miễn.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tập trung nhiều ở tuổi 20 – 40, trong đó ở Việt Nam thường gặp nhiều ở lứa tuổi 20 – 30 (31,8%), nữ chiếm nhiều hơn nam, tuỳ theo thống kê có thể chiếm tỷ lệ 4/1 – 7/1 (Williams, Lê Huy Liệu). Đây là một bệnh nội tiết thường gặp ở nước ta, hiếm gặp ở trẻ nhỏ và người già > 50 tuổi, chiếm 45,8% các bệnh nội tiết và 2,6% các bệnh nội khoa điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Lê Huy Liệu và cộng sự -1991). Ở Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh Basedow chiếm 0,02 – 0,4% dân số, trong khi đó theo thông báo của Tunbridge và cộng sự thì ở Bắc Anh tỷ lệ mắc bệnh Basedow là khoảng 1%.
1.2. Định nghĩa
Bệnh Basedow là bệnh cường chức năng tuyến giáp, kết hợp với phì đại bướu lan toả. Những biến đổi bệnh lý trong cơ quan và tổ chức là do tác dụng của hormon giáp tiết quá nhiều vào trong máu.
2. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH
2.1. Quan niệm trước đây
Các tác giả đề cập tới các yếu tố khỏi bệnh như:
+ Chấn thương tinh thần (stress): yếu tố chấn thương tinh thần làm rối loạn quá trình miễn dịch và đóng một vai trò quan trọng trong sự khởi phát bệnh Basedow.
+ Nhiễm khuẩn: dưới tác động của virus, các tế bào lympho T phóng thích Interferon – γ (IFN – γ) và gây bộc lộ kháng nguyên HLA – DR và – DQ của tế bào giáp, những tế bào giáp này đóng vai trò duy trì và tăng đáp ứng tự miễn.
+ Yếu tố cơ địa di truyền: bệnh có tính gia đình rõ rệt, thường trong gia đình đã có người có biểu hiện bệnh lý ở tuyến giáp như bướu giáp đơn thuần, viêm tuyến giáp hoặc Basedow. Bệnh cũng thường xảy ra ở cơ địa những người có rối loạn thần kinh thực vật thuộc loại cường giao cảm. Các tác giả cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị mắc bệnh Basedow nhiều hơn so với nam giới, bệnh Basedow còn liên quan tới hệ HLA..
+ Uống thuốc có nhiều iod: thường gặp ở một số bệnh nhân bị bướu cổ địa phương, đặc biệt là bướu giáp thể nhân, sau một thời gian điều trị kéo dài với các chế phẩm có iod, có thể dẫn tới cường chức năng tuyến giáp gọi là bệnh iod Basedow. Dùng thyroxin và các chiết suất giáp gây tăng năng giáp bền vững hơn.
– Cơ chế bệnh sinh: do rối loạn điều hòa trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến giáp.
2.2. Quan niệm hiện nay
Basedow được chứng minh là một bệnh tự miễn dịch.
– Năm 1956 Adams và Purves phát hiện thấy trong huyết thanh bệnh nhân Basedow có một chất với hoạt tính kích thích tuyến giáp nhưng khác với TSH của tuyến yên ở chỗ chúng hoạt động chậm, về sau (1960) người ta đưa thuật ngữ “chất kích thích tuyến giáp hoạt động kéo dài” “LATS” để chỉ chất này.
– Kriss và cộng sự (1964) đã xác định LATS là một globulin miễn dịch thuộc lớp IgG do tế bào lympho B tạo ra.
– 10 năm sau, Manley (1974) và Mehdi (1975) phát hiện ra các phân tử IgG này ức chế sự gắn TSH vào thụ thể tương ứng trên màng Plasma tế bào tuyến giáp. Tuỳ theo kỹ thuật sử dụng mà có tên gọi khác nhau: TSAb, TSI, TBII và được gọi chung là a. TSH. ReAb (kháng thể kháng thụ thể dành cho TSH).
– Các kháng thể này khi gắn với thụ thể TSH thì vừa ức chế gắn TSH vào thụ thể, vừa bắt chước hoạt động của TSH và gây kích thích tuyến giáp.

Picture13. TRIỆU CHỨNG
Mô tả bệnh Basedow điển hình.
3.1. Triệu chứng lâm sàng
* Bướu giáp trạng:
Có thể có trường hợp tuyến giáp không to, nhưng rất hiếm (l,5% các trường hợp).
– Thường là bướu giáp mạch: bướu to lan toả, thuỳ phải thường to hơn thuỳ trái. Sờ có rung mếu, nghe có tiếng thổi tâm thu hoặc tiếng thổi liên tục tại tuyến.
– Qua nghiên cứu không thấy có sự liên quan giữa mức độ nặng, nhẹ của bệnh với độ to của bướu tuyến giáp.
* Tim mạch: đây là triệu chứng quan trọng, với biểu hiện:
– Nhịp tim nhanh: nhịp nhanh xoang thường xuyên, tăng lên khi gắng sức hoặc xúc động, kèm theo có hồi hộp đánh trống ngực, đôi khi khó thở, có khi có loạn nhịp hoàn toàn hoặc loạn nhịp ngoại tâm thu.
– Kích động tim mạch: bao giờ cũng có, với biểu hiện các mạch máu lớn đập mạnh như động mạch cảnh, động mạch đùi, động mạch chủ bụng.
– Cung lượng tim tăng, tốc độ tuần hoàn nhanh.
– Huyết áp tối đa có thể tăng, T1 đập mạnh.
– Có thể có suy tim, thường là suy tim toàn bộ.
* Gầy sút:
Bệnh nhân gầy sút, mặc dù ăn vẫn ngon miệng, có khi gầy sút nhanh (khoảng 10kg/tháng).
* Các biểu hiện ở mắt:
– Mắt lồi, sáng long lanh.
+ Thường lồi mắt cả hai bên.
+ Độ lồi của mắt được xác định bằng lồi kế Hertel (bình thường độ lồi của mắt:
12 ± 1,75 mm).
+ Có thể có lồi mắt ác tính.
– Một số dấu hiệu về mắt:
+ Graefe (+): mất sự phối hợp giữa nhãn cầu và mi trên khi nhìn xuống dưới.
+ Môbius (+): mất sự hội tụ nhãn cầu.
+ Dalrymple (+): khe mắt mở rộng.
– Run nhỏ, nhanh các đầu ngón.
– Tăng lên khi xúc động.
* Một số biểu hiện khác:
– Bệnh nhân nóng bức, sợ nóng, có những cơn bốc hoả. Ra mồ hôi, nhất là hai lòng bàn tay.
– Thay đổi tính tình: bệnh nhân bồn chồn không yên, hay cáu gắt, dễ xúc động.
Bệnh nhân lo lắng nhiều về bệnh tật.
– Rối loạn tiêu hóa: thường đi ngoài phân lỏng nhưng không có máu, mũi.
– Mỏi cơ: thường gặp ở thể trung bình và nặng, phát hiện bằng dấu hiệu ghế đẩu, khi điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp, bệnh Basedow đỡ thì triệu chứng mỏi cơ cũng giảm dần.
– Rối loạn sinh dục:
+ Rối loạn kinh nguyệt ở nữ.
+ Liệt dương ở nam.
3.2. Triệu chứng cận lâm sàng
– Chuyển hóa cơ sở tăng: > + 20% mới có ý nghĩa. Chuyển hóa cơ sở phải đo đúng kỹ thuật và bệnh nhân phải được chuẩn bị trước khì đo cẩn thận thì kết quả mới đáng tin cậy. Trong thực tế lâm sàng, nếu ở những nơi không có phương tiện để đo, thì có thể tính ước lượng CHCS theo công thức Giấc: CHCS % = {tần số tim + (HA max – HA min) – 111}.
– Phản xạ đồ gân gót rút ngắn: (bình thường 0,24 – 0,26s). Nhưng hiện nay ít được làm.
– Cholesterol máu giảm.
– Đường huyết bình thường hoặc tăng nhẹ.
– Định lượng PBI (Protein Bound Iodine) thấy tăng, (bình thường 9-12 mg).
– Độ tập trung inh tại tuyến giáp ở thời điểm 2 giờ và 24 giờ thấy tăng cao và có góc chạy điển hình.
+ Nghiệm pháp Wermer (-), chỉ số hãm giảm.
+ Định lượng T3, T4 và FT4 trong huyết thanh thấy tăng cao (theo phương pháp RIA: bình thường T4: 50 – 150 nmol/l; T3: 1 – 3 nmol/l).
+ Định lượng TSH huyết thanh theo phương pháp IRMA (Immuno Radio Metrie Assay) thấy giảm thấp (bình thường TSH: 0,3 – 3,5 mU/l).
+ Ghi xạ hình và siêu âm tuyến giáp: xác định hình thể và kích thước tuyến giáp.
+ Giải phẫu bệnh vi thể: (chỉ nên tiến hành với tổ chức tuyến giáp đã được cắt bỏ sau phẫu thuật) thấy hình ảnh Basedow.
4. CHẨN ĐOÁN
4.1. Chẩn đoán xác định
* Lâm sàng:
– Hội chứng nhiễm độc giáp.
+ Nhịp tim nhanh.
+ Gầy sút
+ Run tay
+ Thay đổi tính tình
+ Nóng bức, da nóng ẩm, nhiều mồ hôi.
– Bướu giáp mạch.
– Mắt có thể lồi.
* Cận lâm sàng
– CHCS tăng: ≥ + 20%.
– Định lượng T3, T4 toàn phần, FT4 trong huyết thanh thấy tăng cao.
– TSH trong huyết thanh giảm thấp.
– Trong lâm sàng, trước một người bệnh có bướu giáp to, mắt lồi, kèm theo có nhịp tim nhanh là đã có thể cho phép nghĩ tới bệnh nhân bị bệnh Basedow.
4.2. Chẩn đoán phân biệt
* Bệnh nhân bị bướu cổ đơn thuần có cường thần kinh giao cảm:
– Thường không có hội chứng nhiễm độc giáp.
– Điều trị chủ yếu bằng thuốc an thần thấy các triệu chứng lâm sàng thuyên giảm.
* Các bệnh cường giáp trạng (hyperthyroid) không phải Ba8edow:
– Bệnh iod Basedow:
+ Cường giáp xảy ra ở người có bướu cổ (thường là bướu nhân) được điều trị bằng iod (lipiodol) liều cao, kéo dài.
+ Bệnh nhân thường không có lồi mắt.
+ Ghi xạ hình tuyến giáp thấy xạ hình trắng.
– U độc giáp trạng (bệnh Plummer).
+ Bướu nhân giáp trạng.
+ Có triệu chứng cường giáp.
+ Không có lồi mắt.
+ Chẩn đoán xác định nhờ ghi xạ hình tuyến giáp và nghiệm pháp Quérido.
– Cường giáp trạng cận ung thư:
+ Xảy ra ở bệnh nhân ung thư sinh dục, ung thư phổi.
+ Hay gặp ở nam > 50 tuổi.
+ Mắt không lồi
+ Do tổ chức ung thư tiết ra một chất tương tự như TSH (TSH like).
4.3. Chẩn đoán mức độ
Theo Baranov V.G (1977) và Potemkin (19S6) chia ra làm 3 mức độ nhiễm độc hormon giáp như sau:
Mức độ nhiễm độc hormon giáp
Triệu chứng
Nhẹ Trung bình Nặng
Thần kinh, tinh thần + ++ +++
Nhịp tim (lần/phút) < 100 100 – 120 > 120
Cân nặng giảm < 10%
< 5kg
10 – 20%
5 – 10kg
> 20 %
> 10kg
CHCS +20% Æ +30% +30% Æ +60% > +60%
T4 (nmol/l) 150 Æ 250 251 Æ 3 00 > 300
4.4. Tiến triển và biến chứng
Nếu được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách diễn tiến thường khả quan. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp tái phát. Diễn biến xấu,nhiều biến chứng thường xảy ra ở những trường hợp chẩn đoán. và điều trị quá muộn.
* Cơn cường giáp cấp:
Dễ xảy ra ở bệnh nhân cường giáp nặng, bệnh nhân được phẫu thuật trong khi chưa đạt bình giáp hoặc không được chuẩn bị nội khoa tốt. Nhân dịp bị một bệnh nhiễm trùng thêm vào, có khi còn xuất hiện do cắt đột ngột thuốc kháng giáp tổng hợp. Cơn cường giáp thường có biểu hiện:
– Sốt 38 – 39oC hoặc Cao hơn, vã mồ hôi, vật vã, kích động, đôi khi mệt lả.
– Nhịp tim rất nhanh, loạn nhịp, suy tim có khi trụy mạch.
– Bệnh nhân đau bụng, vàng da, ỉa chảy, nôn mửa, gầy sút cân nhanh.
– Ban đầu bao giờ cũng có triệu chứng run, mất ngủ, đôi khi mê sảng, hoặc rối loạn tâm thần, vật vã lo âu.
Tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong cao 30-60%.
* Biến chứng tim mạch:
Thường gặp nhất ở bệnh nhân đã có sẵn bệnh tim, bệnh động mạch vành. Vì vậy người có tuổi dễ bị biến chứng này. Có 3 biểu hiện chính:
– Các rối loạn nhịp tim: cơn nhịp nhanh xoang, nhịp nhanh trên thất, loạn nhịp hoàn toàn…
– Suy tim: khó thở, tím, phù ngoại vi, đái ít.
– Đau thắt ngực: đo suy vành cơ năng.
* Bệnh cơ do nhiễm độc giáp.
Dễ xảy ra hơn trong trường hợp nhiễm độc giáp nặng, thường liệt gốc chi, đi lại khó khăn, phản xạ gân xương nói chung bình thường, không có dấu hiệu bó tháp.
* Biến chứng tại mắt:
– Lồi mắt ác tính: lúc đầu bệnh nhân bị chảy nước mắt, sợ ánh sáng, lồi mắt nặng lên nhanh, mắt đỏ, cương tụ giác mạc, dễ bị loét giác mạc, thủng nhãn cầu, có thể mù loà.
– Loét giác mạc.
– Liệt cơ vận nhãn.
5. THỂ LÂM SÀNG
5.1. Thể theo triệu chứng
– Thể với triệu chứng cường giáp nổi bật: bướu to, mạch nhanh, gầy sút...
– Thể mắt lợi.
5.2. Thể theo cơ địa
121
* Theo trẻ em:
– Sự phát dục thường nhanh.
– Bệnh nhân gầy sút
– Nhịp tim nhanh
– Ít lồi mắt
* Theo người già:
– Triệu chứng lâm sàng kín đáo.
– Biểu hiện về tim mạch rõ: loạn nhịp hoàn toàn.
* Theo nam giới:
– Bướu giáp to ít.
– Triệu chứng lâm sàng rõ ràng.
– Điều trị khó khăn, kết quả chậm.
* Basedow ở phụ nữ có thai:
– Bệnh thường nặng ở 3 tháng cuối của thời kỳ có thai.
– Cần chú ý trong điều trị: đảm bảo duy trì bình giáp nhưng phải đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
5.3. Một số thể lâm sàng đặc biệt
– Thể biến chứng tim:
– Thể u tuyến độc: đây là thể rất đặc biệt, còn gọi là bệnh Plummer.
– Bướu đa nhân hỗn hợp độc: nhiễm độc giáp xảy ra ở bệnh nhân có bướu cổ đã lâu năm và có nhiều nhân.
– Bướu cổ Basedow hóa: Basedow xuất hiện trên một bướu cổ từ trước.
– Cường giáp do iod: cường giáp gặp nhiều ở nam giới tuổi trên 40. Trong việc phòng bướu cổ do thiếu hụt iod, cường giáp có thể xảy ra sau khi dùng chế phẩm có iod, nhất là tiêm lipiodol. Bệnh dễ xuất hiện trên những người có bướu nhân. Bệnh nhân thường không có lồi mắt, tuyến giáp đã bão hoà iod và xạ hình trắng.
6. ĐIỀU TRỊ
Cho đến nay, trong điều trị bệnh Basedow có 3 phương pháp điều trị tơ bản:
– Điều trị nội khoa
– Điều trị bằng iod phóng xạ
– Điều trị bằng phẫu thuật.
6.1. Điều trị nội khoa
Chủ yếu là điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp, còn các thuốc khác giúp cho điều trị nội khoa đạt kết quả tốt hơn.
6.1.1. Chỉ định
– Bệnh mới khởi phát
– Thể nhẹ và trung bình
– Bướu to ít, lan toả
– Bệnh nhân có đủ điều kiện để điều trị kéo dài 1 – 2 năm.
6.1.2. Điều trị cụ thể
* Chế độ nghỉ ngơi ăn uống:
– Nghỉ ngơi tương đối, tránh lao động nặng, tránh stress.
– Ăn uống đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin.
* Thuốc:
– Kháng giáp tổng hợp: hiện nay có các loại thuốc chủ yếu sau: MTU
(Methylthiouracil), PTU (Propylthiouracil), BTU (Benzylthiourracil) (Basden), Mercasolin, Thiamazol, Carbimazol… Điều trị theo giai đoạn:
+ Giai đoạn tấn công: thuốc kháng giáp được cho theo mức độ nhiễm độc giáp. Thời gian điều trị từ 4 – 6 tuần. Có thể chọn một trong các loại thuốc sau:
Tên thuốc Liều lượng thuốc theo mức độ nhiễm độc giáp
Nặng Trung bình Nhẹ
MTU (25mg; 100mg)
PTU (50mg) 300 – 400 200 – 300 100 – 200
Methimazol (5mg)
Mercasolin (5mg) 30 – 40 20 – 30 10 – 20
+ Giai đoạn củng cố. liều bằng 1/2 liều tấn công, dùng kéo dài 1 – 3 tháng.
+ Giai đoạn duy trì: liều bằng 1/2 liều củng cố, dùng kéo dài 1 – 2 năm. Có thể dùng liên tục hoặc cách nhật.
Chú ý:
• Liều lượng thuốc KGTH cho theo mức độ nhiễm độc giáp.
• Giảm dần liều theo mức độ nhiễm độc giáp giảm dần.
• Hàng ngày theo dõi CTM: nếu số lượng bạch cầu < 4000/mm3 thì ngừng thuốc. Mất bạch cầu hạt là biến chứng ít gặp nhưng rất nặng, gặp ở 0,1% bệnh nhân điều trị bằng Methimazol và 0,4 % các bệnh nhân điều trị bằng PTU. Một số tác dụng phụ khác có thể gặp là ngứa, viêm da dị ứng, buồn nôn và chán ăn.
– Chế phẩm có iod (dung dịch luôm): iod ngăn cản chuyển từ iod vô cơ sang iod hữu cơ, ức chế sự xuất hormon ra khỏi tuyến giáp và phát huy tác dụng nhanh hơn so với các hợp chất ức chế tổng hợp hormon.
+ Chỉ định:
• Cường giáp trạng mức độ nhẹ.
• Chuẩn bị bệnh nhân trước mổ.
• . Dùng phối hợp với thuốc KGTH.
+ Cách dùng:
Dung dịch luôm (l%, 5%), 40 – 50 giọt/24h (loại l%). Chú ý liều lượng phải đủ mạnh, ngày nào cũng uống, ít nhất là 6 tháng, trước khi ngừng thuốc vài tuần phải giảm dần liều.
– Thuốc kháng giao cảm: đây là thuốc ức chế bêta giao cảm, ít tác dụng phụ, không gây hạ huyết áp.
Propranolol 40mg x 1 -2 viên/24h, dùng cho đến khi nhịp tim trở về bình thường.
Tác dụng của thuốc là làm giảm các triệu chứng do cường giáp gây nên như nhịp tim nhanh, run, ra mồ hôi và lo âu. Nó có thể là thuốc được chọn lựa đầu tiên trong xử trí cơn cường giáp trạng cấp.
– Thuốc an thần:
Seduxen 5mg x 1-2 viên/24h, dùng 7-10 ngày.
– Vitamin B1, C.
Hiện nay có quan điểm điều trị theo cơ chế bệnh sinh bằng cách phối hợp thuốc ức chế miễn dịch như prednisolon 5mg x 4-6 viên/ 24 h, Cyclophosphamid 50mg x 1-2 viên/ 24 h với thuốc kháng giáp tổng hợp trong phác đồ điều trị. Tuy vậy chỉ nên áp dụng và chỉ định trong các trường hợp:
– Basedow nhiễm độc hormon giáp mức độ nặng.
– Lồi mắt.
– Thời gian mắc bệnh trên 6 tháng.
– Bệnh hay tái phát.
* Tiêu chuẩn đánh giá bình giáp (euthyroid):
– Nhịp tim trở về bình thường.
– Tăng cân và cân trở về bình thường.
– Hết triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật.
124
– CHCS, T3, T4 về bình thường.
6.2. Điều trị bằng iod phóng xạ (I131)
Đây là phương pháp điều trị tương đối đơn giản, có hiệu quả và kinh tế. Có thể xem đây như là một phương pháp “ phẫu thuật” chọn lọc, tác dụng vào các tế bào khát iod của tuyến giáp, phá huỷ các tế bào này bằng các tia bêta.
* Chỉ định:
– Bệnh nhân > 40 tuổi, bướu to vừa.
– Tái phát sau mổ
– Mắc bệnh tim, không phẫu thuật được.
– Bệnh nhân không thể theo dõi chặt chẽ khi điều trị bằng nội khoa.
– Thất bại khi điều trị nội khoa.
* Chống chỉ định:
– Phụ nữ có thai hoặc thời kỳ đang cho con bú.
– Bệnh ở trẻ em, thiếu niên.
– Bướu nhiều nhân, bướu rất to, bướu chìm.
– Hạ bạch cầu thường xuyên.
* Tai biến:
– Cơn cường giáp trạng cấp.
– Ung thư giáp.
– Suy giáp: đây là biến chứng hay gặp.
6.3. Điều trị bằng phẫu thuật
Chủ yếu là phương pháp cắt bỏ gần hoàn toàn tuyến giáp.
* Chỉ định:
– Các thể nặng ở bệnh nhân trẻ < 40 tuổi, ở trẻ em và thiếu niên điều trị nội khoa
không kết quả.
– Bướu nhân.
– Bướu rất to.
– Basedow không điều trị bằng I131 được, vì bướu đã bão hoà iod.
– Đã điều trị nội khoa tích cực 5 – 6 tháng nhưng không có kết quả rõ rệt.
– Bệnh nhân không có điều kiện điều trị nội khoa, có nguyện vọng muốn mô.
* Chống chỉ định:
– Basedow đã có những rối loạn bệnh lý ở cơ quan nội tạng (suy tim, phù, cổ trướng...).
– Chống chỉ định tạm thời: bệnh nhân Basedow đang bị cúm, viêm họng, bệnh phổi, phế quản.
* Biến chứng sau phẫu thuật:
– Chảy máu, tắc đường thở.
– Nói khàn, cơn tetani.
– Nhiễm khuẩn vết mổ gây sẹo xấu.
– Cường giáp trạng cấp.
– Suy giáp
– Bệnh tái phát.

images
Tóm lại:
– Bệnh Basedow là một bệnh nội tiết hay gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Ngày nay, các tác giả đều thừa nhận đây là bệnh tự miễn dịch đặc hiệu cơ quan. Trong điều trị, dù lựa chọn phương pháp nào thì phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc kháng giáp tổng hợp vẫn là phương pháp được áp dụng đầu tiên, trước khi áp dụng phương pháp điều trị bằng I131 hoặc bằng phẫu thuật cắt bỏ gần hoàn toàn tuyến giáp.
Mục tiêu cuối cùng của điều trị là nhằm đưa bệnh nhân về trạng thái bình giáp (euthyroid).
– Phòng bệnh:
Trên cơ địa những người dễ mắc bệnh Basedow cần tránh các sang chấn tâm lý, tránh dùng các chế phẩm có iod liều cao kéo dài. Đặc biệt cần tuyên truyền giáo dục cho các bệnh nhân Basedow thực hiện tốt liệu trình điều trị nội khoa, để duy trì bình giáp, tránh tái phát, tránh các biến chứng có thể xảy ra.

” Thông tin này chỉ dành cho nhân viên y tế tham khảo, người bệnh không được tự ý áp dụng phương pháp này để chữa bệnh “

Trích : Bệnh học nôi khoa, giáo trình đại học y khoa Thái Nguyên