Cần có thêm chính sách ưu tiên cho người hiến máu tình nguyện

Năm 2014, công tác vận động HMTN tiếp tục có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền; sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương (T.Ư) và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Trong điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn, nhưng Ban Chỉ đạo vận động HMTN (viết tắt là Ban Chỉ đạo) các cấp đã nỗ lực phấn đấu và năm đầu tiên đạt mốc toàn quốc tiếp nhận trên 1 triệu đơn vị máu, đáp ứng cơ bản nhu cầu cho cấp cứu và điều trị người bệnh, không để tình trạng thiếu máu trầm trọng xảy ra ở các địa phương như trước đây.

IMG_3431

Theo báo cáo đến cuối 2014, toàn quốc có 2.707 loại hình câu lạc bộ (CLB) HMTN với 113.241 thành viên (tăng 288 CLB và tăng 3.673 người so với năm 2013), trong đó: 1.921 CLB hiến máu dự bị (82.260 thành viên); 41 CLB 25 (2.079 thành viên); 21 CLB người có nhóm máu hiếm (867 thành viên); 101 CLB gia đình hiến máu (14.259 thành viên); 623 CLB vận động HMTN (13.776 thành viên). Đã có 31.422 tình nguyện viên nòng cốt về tuyên truyền, vận động HMTN được Ban Chỉ đạo các cấp tập huấn nâng cao năng lực (tăng 10,7% so với năm 2013), trong đó: Ban Chỉ đạo quốc gia và cơ quan thành viên (Viện Huyết học-TMT.Ư, Ban Chỉ đạo Bộ Công an) đào tạo 4.412 người; các tỉnh, TP đào tạo 27.010 người).

Lực lượng người HMTN được coi là nguồn cung cấp máu ổn định và an toàn nhất, đặc biệt trong điều kiện tỷ lệ người dân mắc các bệnh lây truyền qua đường máu ở các nước đang phát triển còn khá cao (HIV, viêm gan virus B, C, giang mai, sốt rét).

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố và 9 cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia năm 2014, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận 1.054.387 đơn vị máu, đạt 116,7% kế hoạch (tăng 8,4% so với năm 2013), trong đó: 963.293 đơn vị từ người HMTN (đạt 96,2%, tăng 9,8% so với năm 2013); tương đương 1,17% dân số hiến máu; số người hiến máu nhắc lại đạt khoảng 45%. Nếu tính quy đổi, số máu tiếp nhận được là 1.229.268 đơn vị máu (tăng 10,9% so với năm 2013).

Có 53/63 tỉnh, thành phố  và Bộ Công an hoàn thành chỉ tiêu từ 100% trở lên so với kế hoạch vận động, tiếp nhận máu năm 2014, đặc biệt có 17 đơn vị đạt từ 130% kế hoạch trở lên: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đắk Nông, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nội, Hậu Giang, Hưng Yên, Kiên Giang, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Trà Vinh và Bộ Công an.

Đã có nhiều mô hình tốt về tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu như: Hà Nội với các mô hình “mỗi xã, phường là một điểm hiến máu”, “tuyến phố hiến máu” và kinh nghiệm tổ chức ngày hội hiến máu lớn có quy mô hàng vạn người/ngày. Bắc Giang với mô hình “dòng họ hiến máu”. Đắk Lắk, Lâm Đồng với “kinh nghiệm vận động HMTN tại địa bàn dân tộc, miền núi”. An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, Hậu Giang, Hưng Yên, TP.Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Nam Định, Phú Thọ, Sóc Trăng, Tây Ninh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc với “kinh nghiệm vận động HMTN thể tích trên 250ml”. Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Hậu Giang, TP.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Long An, Quảng Nam, Tiền Giang,… với kinh nghiệm xây dựng và phát triển “câu lạc bộ hiến máu dự bị”.

Tuy nhiên, công tác vận động HMTN hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Hiện nay, khả năng vận động người hiến máu của các cấp Hội CTĐ và các tổ chức đoàn thể là rất lớn nhưng khá nhiều cơ sở huyết học – truyền máu chưa tiếp nhận hết, ảnh hưởng đến các đợt vận động tiếp theo và ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm; một số cơ sở tiếp nhận máu chỉ sử dụng túi 250ml nên không thể hiến máu với thể tích lớn hơn; nhiều cơ sở chưa quản lý được danh sách người HMTN nên không nắm được số người hiến máu nhắc lại; vẫn còn tình trạng đăng ký ảo, gây lãng phí cho đơn vị tổ chức và đơn vị tiếp nhận máu.

Đã nhiều năm nay, do xuất phát từ yêu cầu thực tế: vận động người HMTN là “công tác dân vận”, “công tác vận động quần chúng”, nên các địa phương đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và cấp xã. Tuy nhiên, hầu hết các ban chỉ đạo tuyến huyện và tuyến xã chưa được cấp kinh phí hoạt động vì không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; Điều này làm hạn chế công tác tuyên truyền, vận động HMTN ở cơ sở.

Nhận thức của người dân nói chung và của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nói riêng về HMTN chưa cao, nên HMTN chưa trở thành hành động tự nguyện, tự giác và là trách nhiệm công dân đối với xã hội. Vì vậy, phần lớn các đợt HMTN vẫn có tính chất “kỳ cuộc” và chịu “sức ép” để đạt chỉ tiêu…

Đ/c Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia, cho biết: Khi lấy máu, cán bộ y tế chưa giải thích rõ số lượng máu cần lấy của tình nguyện viên hiến máu là bao nhiêu nên dễ gây hiểu lầm cho người hiến máu. Cần nâng cao năng lực hiến máu ở các cơ sở truyền máu. Bên cạnh đó, phải sửa đổi lại chỉ tiêu hiến máu ở các địa phương vì nhu cầu ở mỗi địa phương là khác nhau.

Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng: Cần có những chính sách tặng quà, ưu đãi cho những người hiến máu thuộc đối tượng cận nghèo; quản lý và chăm sóc các thành viên trong ngân hàng máu sống và xây dựng được ngân hàng máu sống một cách bền vững, đồng thời có những chính sách ưu đãi trong khám chữa bệnh định kỳ cho những người hiến máu nhiều lần và ngân hàng máu sống.

Kết luận Hội nghị, đ/c Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN, đã kết luận một số nội dung quan trọng là: Trong thời gian tới, ban chỉ đạo các cấp giao chỉ tiêu, chỉ đạo quyết liệt, huy động các cấp, các ngành vào cuộc trong hoạt động HMTN; Chú trọng hơn công tác truyền thông trong công tác vận động HMTN và làm thay đổi quan điểm nhận thức của các cấp trong xã hội về công tác HMTN; Tổ chức có hiệu quả hai sự kiện, hai chiến dịch trong chương trình HMTN; Nỗ lực tháo gỡ cơ chế chính sách trong công tác vận động HMTN.

Hồng Loan