Phở bò là món ăn truyền thống của người Việt và cũng được các du khác nước ngoài ưa chuộng khi đến với Việt Nam. Tuy nhiên không ai viết rằng nếu ăn phở bò không đúng cách lại là một mối nguy hiểm cho sức khỏe
Có thể nói rằng, trên tất cả các con phố ở Hà Nội, thậm chí là tận trong ngóc ngách nhỏ hẹp đâu đâu cũng bắt gặp những biển hiệu với lời chào mời hấp dẫn như Phở bò gia truyền hay những quán phở được đặt dưới những tên ông chủ, bà chủ có tiếng ở Hà Thành.
Mặc dù đó là quán phở nhỏ lẻ, vỉa hè hay những quán phở nổi tiếng được nhiều người biết tới thì đều chung một “định mệnh” đó là nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Bởi chắc chắn rằng, đã là phở bò thì phải có những món như bò tái hay tách bạch ra nữa thì đó là tái nạm, tái gầu…
Chưa bàn đến chất bảo quản hay độ đảm bảo vệ sinh, chỉ riêng phở bò tái đã khiến không ít thực khách từng bị thập tử nhất sinh vì bị sán, trong đó nguy hiểm nhất là loại sán dải bò.
Theo đó, khi người ăn thịt trâu, bò có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, còn tái hoặc sống thì nang ấu trùng vào ruột người, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài và bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng.
Tại đây, sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non.
Thường thì chỉ có một con sán trong một người, từ khi xâm nhập cần 3 tháng để trưởng thành và sản xuất đốt sán.
Đáng nói, trong thịt bò tái không chỉ có sán mà các ký sinh trùng, vi khuẩn tồn tại trong thịt bò cũng có thể gây bệnh cho cơ thể.
Đơn giản nhất, khi ăn thịt bò tái có thể gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, thậm chí tiêu chảy dẫn đến mất nước có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Người bệnh bị nhiễm sán không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà ảnh hưởng đến cộng đồng. Nếu như công tác vệ sinh không tốt, khi sán đi ra môi trường, mỗi đốt sán sẽ chứa trong đó rất nhiều trứng.
Trứng gặp môi trường thuận lợi sẽ sinh sôi hoặc tiếp tục đi vào vật chủ để sống ký sinh.
Ngoài sán có thể trú ngụ trong những bát phở bò tái, thì những bát phở bò chín với bát nước dùng béo ngậy cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh, đặc biệt là những hàng quán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc khi chủ quán cho những chất tạo ngọt không rõ nguồn gốc vào trong nồi nước dùng.
Một vấn đề cũng được các chuyên gia cảnh báo rất nhiều đó là việc dùng bột ngọt (mỳ chính) trong mỗi bát phở hoặc nước phở quá đậm đà (quá mặn) cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiều căn bệnh khác.
PGS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia – cho biết, mì chính thực chất cũng là một loại muối với tên gọi monosodium glutamat, tuy nhiên khi nêm nếm ít người để ý.
Còn theo GS Đỗ Doãn Lợi – PGĐ Bệnh viện Bạch Mai (Viện trưởng Viện tim mạch Quốc gia), khi ăn mặn sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu.
“Ăn mặn sẽ khát nước. Khi nước vào cơ thể sẽ đi vào máu làm tăng thể tích tuần hoàn, tăng áp lực trong máu dẫn đến tăng huyết áp.
Do đó người dân cần phải ý thức giảm lượng muối mỗi ngày. Với các bệnh nhân huyết áp cao, chỉ định bắt buộc là phải ăn nhạt”, GS Lợi khuyến cáo.
Vì thế chúng ta không nên dùng bò tái khi ăn phở để bảo toàn cho sức khỏe bản thân. Hy vọng bài viết này sẽ mang lại những lợi ích cho các bạn đọc. Cảm ơn đã theo dõi!
Nguồn: soha