Cây bồ bồ

Herba Adenosmatis indiani

Thân, cành mang lá và hoa đã phơi khô của cây bồ bồ (Adenosma indianum (Lour.) Merr.) họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).

Mô tả cây bồ bồ

Thân hình trụ tròn (đôi khi có thiết diện hơi vuông), màu nâu nhạt, có lông (dài và thưa hơn so với nhân trần). Lá mọc đối, nhăn nheo, hình trứng thuôn, đầu lá nhọn, gốc lá tròn. Mặt trên lá màu nâu thẫm, có nhiều lông, mặt dưới lá màu lục ít lông hơn. Mép lá khía răng cưa nhọn. Gân lá hình lông chim. Lá dài khoảng 3,5 cm, rộng 1,5 – 2 cm. Cụm hoa tận cùng dày đặc hình cầu hay hình trụ tròn. Hoa hình môi, môi trên nguyên, môi dưới chia làm 3 thùy tròn. Cánh hoa thường rụng, chỉ còn lá bắc và đài. Quả mọng, nhiều hạt (ít gặp). Dược liệu mùi thơm hắc, vị đắng, hơi cay.

Vi phẫu

Lá: Biểu bì trên và dưới gồm một hàng tế bào xếp đều đặn, mang lông che chở đa bào một dãy và lỗ khí, riêng biểu bì dưới mang lông tiết. Mô dày góc nằm sát biểu bì trên và dưới ở phần gân giữa. Mô mềm gồm tế bào gần tròn, màng mỏng. Bó libe-gỗ hình cung nằm giữa gân lá, gồm: Cung libe ở phía dưới, cung gỗ ở phía trên. Đôi khi có tế bào mô cứng hình thoi. Cấu tạo của phiến lá không đối xứng.

Thân: Biểu bì gồm một hàng tế bào xếp đều đặn, mang lông che chở đa bào, lông tiết. Mô mềm vỏ tế bào có màng mỏng. Nội bì rõ. Libe mỏng, trong đó rải rác có đám sợi mô cứng. Tầng phát sinh libe-gỗ rõ. Mạch gỗ xếp thành dãy xuyên tâm. Mô mềm ruột gồm tế bào to, màng mỏng.

Bột cây bồ bồ

Mảnh biểu bì lá gồm các tế bào màng mỏng, ngoằn ngoèo mang lông che chở và lỗ khí, riêng biểu bì dưới có mang lông tiết. Lông che chở có 3 – 8 tế bào nguyên vẹn hoặc bị gãy, đầu lông nhọn, gốc phình to, tế bào giữa đôi khi thắt lại. Lông tiết hình cầu, đầu có 8 tế bào, chân ngắn có 1 tế bào. Mảnh biểu bì thân gồm các tế bào hình chữ nhật màng mỏng, mang lông che chở, lông tiết. Mảnh đài hoa, tế bào màng mỏng, mang lông che chở và lông tiết. Bó sợi dài, màng hơi dày. Mảnh mạch xoắn. Tế bào mô cứng hình thoi (ít thấy).

Định tính cây bồ bồ

  1. Xác định thành phần tinh dầu bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel G

Dung môi khai triển: Hỗn hợp dung môi gồm Ether dầu hoả – toluen – ethyl acetat (100 : 15 : 5)

Dung dịch thử: Cất kéo hơi nước 5 g dược liệu đã được cắt nhỏ với 50 ml nước trong bộ cất tinh dầu khoảng 2 giờ, rồi hứng lấy 10 ml dịch chiết. Để nguội, lắc với 2 ml toluen (TT), gạn lấy phần dịch chiết toluen.

Dung dịch đối chiếu: Dung dịch cineol 0,2% (tt/tt) trong cloroform.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, phun dung dịch vanilin 1% trong ethanol, cứ 1 ml thuốc thử thêm 1 giọt acid sulfuric (TT) (pha trước khi dùng), sấy bản mỏng ở 105 oC trong 5 phút. Trên sắc ký đồ, dung dịch thử phải có 6 vết có màu xanh tím, xanh, hồng, vàng, tím, hồng nhạt, trong đó có một vết có màu sắc và có giá trị R­r tương ứng với vết của cineol trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

  1. Xác định flavonoid bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)

Bản mỏng: Silicagel G

Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat – acid formic (80 : 20 : 10)

Dung dịch thử: Đun trong cách thùy 1 g dược liệu đã cắt nhỏ với 5 ml ethyl acetat (TT) trong 2 phút, gạn lấy dịch chiết, cô cách thủy còn 1 ml.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g Bồ bồ (mẫu chuẩn), chiết như dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký đến khoảng 10 cm, phun hỗn hợp dung dịch acid boric 10% và dung dịch acid oxalic 10% (2 : 1). Sấy bản mỏng ở 105 oC, trên sắc ký đồ các vết của dung dịch thử có cùng màu sắc và giá trị R­r với các vết của dung dịch đối chiếu. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại, trên sắc ký đồ của dung dịch thử cho ba vết phát quang màu lục sáng như các vết của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm cây bồ bồ

Không quá 13% (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 oC, 4 giờ)

Tạp chất cây bồ bồ

Gốc, rễ: Không quá 1% (Phụ lục 12.11).

Tỉ lệ vụn nát cây bồ bồ

Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm: Không quá 5% (Phụ lục 12.12).

Định lượng tinh dầu

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7). Dùng 40 g dược liệu đã cắt nhỏ, thêm 200 ml nước, cất trong 3 giờ. Hàm lượng tinh dầu không ít hơn 0,5%.

Chế biến

Thu hái khi cây đang ra hoa, phơi trong râm mát hay sấy ở 40 – 50 oC đến khô. Tránh sấy nóng quá làm bay mất tinh dầu.

Bảo quản

Để nơi khô, mát.

Tính vị

Tân, vi khổ, vi ôn

Công năng, chủ trị

Sơ phong giải biểu, thanh nhiệt lợi thấp. Chủ trị: Sốt, đau đầu, không ra mô hôi, vàng da ăn không tiêu, viêm gan virus, ăn không tiêu, sốt, đau đầu, không ra mồ hôi.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 8 – 20 g, dạng thuốc sắc hoặc hãm.

Kiêng kỵ

Không phải thấp nhiệt không nên dùng.