Cây hy thiêm

Cỏ đĩ:

Bộ phận trên mặt đất đã phơi hay sấy khô của cây Hy thiêm (Siegesbeckia orientalis L.), họ Cúc (Asteraceae).

Mô tả Cây hy thiêm:

Thân rỗng ở giữa, đường kính 0,2 – 0,5 cm. Mặt ngoài thân màu nâu sẫm đến nâu nhạt, có nhiều rãnh dọc song song và nhiều lông ngắn xít nhau. Lá mọc đối, có phiến hình mác rộng, mép khía răng cưa tù, có ba gân chính. Mặt trên lá màu lục sẫm, mặt dưới màu lục nhạt, hai mặt đều có lông. Cụm hoa hình đầu nhỏ, gồm hoa màu vàng hình ống ở giữa, 5 hoa hình lưỡi nhỏ ở phía ngoài. Lá bắc có lông dính.

Cây hy thiêm

Cây hy thiêm

Vi phẫu:

Lá: Biểu bì trên và dưới của hai mặt lá có lông che chở và lông tiết. Lông che chở đa bào một dãy 4 – 5 tế bào, trong đó một tế bào ở giữa bị thắt lại, tế bào ở đầu lông dài và nhọn. Những đám mô dày góc nằm sát biểu bì trên và biểu bì dưới. Mô mềm gồm những tế bào hình tròn, thành mỏng. Ba bó libe gỗ ở giữa gân chính xếp theo hình vòng cung, ở hai đầu của các bó libe có cung mô dày (đối với lá non) hoặc mô cứng (đối với lá già).

Bột:

Màu lục xám. Soi kính hiển vi thấy:Lông che chở đa bào thường gãy thành từng đoạn dài 0,5 mm hoặc ngắn hơn, 1 tế bào ở giữa bị thắt lại, tế bào ở đầu lông dài và nhọn. Hai loại lông tiết: loại đầu hình cầu đa bào, chân đa bào và loại đầu hình cầu đơn bào, chân đa bào. Mảnh biểu bì dưới có lỗ khí. Mảnh mô mềm thân (tế bào hình chữ nhật), và mô mềm lá (tế bào trong). Hạt phấn hoa hình cầu, màu vàng nhạt, bề mặt có 3 lỗ rãnh, nhiều gai dài, đường kính khoảng 33 – 35 mm: Mảnh cánh hoa gồm tế bào màu vàng nhạt, thành mỏng. Mảnh mạch vạch, mạch mạng.

Định tính của Cây hy thiêm:

A. Lấy 3 g dược liệu đã tán nhỏ. Thêm 2 ml dung dịch amoniac 10% (TT), trộn cho thấm đều. Thêm 20 ml cloroform (TT). Lắc, để yên 4 giờ. Lọc vào bình gạn. Thêm 10 ml dung dịch acid sulfuric 10% (TT). Lắc kỹ rồi để yên cho dung dịch tách thành 2 lớp. Gạn lấy lớp dung dịch acid ở phía trên cho vào 3 ống nghiệm để làm các phản ứng sau:
Ống nghiệm 1: Thêm 1 giọt thuốc thử Mayer (TT) sẽ cho tủa trắng.
Ống nghiệm 2: Thêm 1 giọt thuốc thử Bouchardat (TT) sẽ cho tủa nâu.
Ống nghiệm 3: Thêm 1 giọt dung dịch acid picric 1% (TT), cho tủa vàng.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silicagel G
Dung môi triển khai: Toluen – ethyl acetat – aceton – acid formic (15 : 2 : 2 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 30 ml ethyl acetat (TT), lắc siêu âm 30 phút, lọc. Cô dịch lọc trên cách thủy đến cạn. Hòa cắn trong 1 ml ethanol 96% (TT) được dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g Hy thiêm (mẫu chuẩn) đã nghiền nhỏ, tiến hành chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký cho đến khi dung môi đi đựợc khoảng 12 – 13 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch vanilin 1% trong acid sulfuric đặc (TT), sấy bản mỏng ở 120 0C đến khi hiện rõ các vết.
Trên sắc ký đồ, dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm:

Không quá 12% (Phụ lục 9.6 – 2 g, 100 0C, 4 giờ).
Tạp chất (Phụ lục 12.11)
Tạp chất khác: Không quá 1%.
Tỷ lệ lá trong dược liệu: Không ít hơn 40%.

Tỷ lệ vụn nát:

Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm: Không quá 5% (Phụ lục 12.12).
Chế biến
Khi trời khô ráo, cắt lấy cây có nhiều lá hoặc mới ra hoa, cắt bỏ gốc và rễ, phơi hoặc sấy đến khô ở 50 – 60 oC.

Bảo quản:

Để nơi khô, mát.
Tính vị, qui kinh
Khổ, hàn.Vào các kinh can, thận

Công năng, chủ trị:

Trừ phong thấp, thanh nhiệt, giải độc. Chủ trị: Đau lưng gối xương khớp, chân tay tê buốt, mụn nhọt.

Cách dùng, liều lượng:

Ngày 9 – 12 g, dạng thuốc sắc.