Củ cốt khí

CỐT KHÍ (Rễ)

Radix Polygoni cuspidati

Rễ củ phơi hay sấy khô của cây Cốt khí (Polygonum cuspidatum Sieb. et Zucc.), họ Rau răm (Polygonaceae).

Mô tả củ cốt khí

Rễ (quen gọi là củ) hình trụ cong queo, vỏ sần sùi, nhăn nheo, màu nâu xám, có các đốt lồi lên chia củ thành từng gióng. Những rễ củ to được cắt thành lát mỏng 1 – 2 cm, phơi khô. Mặt cắt ngang thấy phần vỏ mỏng, phần gỗ dày. Thể chất rắn, có mùi nhẹ, vị hơi se, đắng.

Vi phẫu

Lớp bần có 5 – 7  hàng tế bào hình chữ nhật, dẹt, xếp thành dãy xuyên tâm. Lớp ngoài thường bong ra. Mô mềm gồm những tế bào hình tròn, hình trứng. Libe cấp II bị những tia tủy rộng cắt ngang thành từng đám. Gỗ cấp II xếp thành vòng liên tục ở bên ngoài, bên ngoài bị những tia tủy cắt thành từng nhánh. Tia tủy rộng, mỗi tia có 7 – 12 dãy tế bào xếp xuyên tâm. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai hay dạng hạt cát nằm rải rác khắp mô mềm vỏ và mô mềm tủy.

Bột củ cốt khí

Màu vàng sẫm. Soi kính hiển vi thấy: mảnh bần màu vàng nâu, có tế bào hình chữ nhật, thành dày, xếp đều đặn. Mảnh mô mềm có chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai, đường kính 38 – 40 µm. Hạt tinh bột có kích thước 6 – 7 µm, rốn hạt mờ.

Định tính

  1. A. Lấy khoảng 2 g bột dược liệu, chiết bằng 10 ml ethanol (TT), cô dịch chiết ethanol đến cắn. Hòa tan cắn trong 5 ml nước. Lắc dung dịch thu được với 10 ml ethyl acetat (TT), nhỏ vài giọt dung dịch ethyl acetat lên giấy lọc, hơ nhẹ cho giấy lọc khô rồi nhỏ tiếp 1 – 2 giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), để khô, quan sát dưới ánh sáng tử ngoại thấy phát quang màu xanh.
  2. B. Vi thăng hoa: Trải bột dược liệu thành lớp mỏng ở đáy chén sứ, đốt nhẹ trên đèn cồn để loại nước. Sau đó đậy lên chén sứ một miếng lam kính, bên trên có miếng bông đã thấm nước, tiếp tục đun nóng trong khoảng 5 – 10 phút. Lấy lam kính ra để nguội, soi kính hiển vi thấy: tinh thể hình kim màu vàng. Sau khi nhỏ dung dịch natri hydroxyd 10% (TT) lên lam kính, sẽ có màu đỏ.
  3. Phương pháp sắc ký lớp mỏng

Bản mỏng: Silica gel G

Dung môi khai triển: Cloroform – ethylacetat (11 : 1).

Dung dịch thử: Cân 5 g bột dược liệu chiết nóng với 20 ml ethanol 96 % (TT) trong 10 phút. Lọc. Dịch lọc được cô đến cắn rồi hòa cắn trong 2 ml cloroform (TT), lọc. Lấy dịch lọc để chấm sắc ký.

Dung dịch đối chiếu: Cân 5 g bột Cốt khí (mẫu chuẩn), chiết nóng với 20 ml ethanol 96 % (TT) trong 10 phút. Lọc. Dịch lọc được cô đến cắn rồi hòa cắn trong 2 ml cloroform (TT), lọc. Lấy dịch lọc để chấm sắc ký.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên cùng bản mỏng 20 µl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển, bản mỏng được để khô ngoài không khí hay sấy nhẹ cho bay hết dung môi. Bản mỏng đã khô được quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 254 nm, 365 nm. Sau đó hơ nhẹ bản mỏng trên hơi dung dịch amoniac (TT).Trên sắc ký đồ, các vết của dung dịch thử phải có màu sắc và Rf tương tự như các vết của dung dịch đối chiếu.

cotkhicudl

Độ ẩm củ cốt khí

Không quá 12% 

Tro toàn phần

Không quá 5% 

Tro không tan trong acid hydrocloric

Không quá 1% 

Chất chiết được trong dược liệu củ cốt khí

Không ít hơn 11,0% tính theo dược liệu khô kiệt 

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.

Chế biến

Đào lấy rễ củ, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, cắt đoạn hay đem thái mỏng, phơi hay sấy khô. Trước khi dùng sao vàng.

Bảo quản củ cốt khí

Để nơi khô, tránh mốc, mọt.

Tính vị, quy kinh

Vi khổ, vi hàn. Vào các kinh can, đởm, phế.

Công năng, chủ trị củ cốt khí

Trừ thấp, chỉ ho, hoá đờm. Chủ trị: Xương khớp đau nhức, hoàng đản, phế nhiệt gây ho, ho nhiều đờm, mụn nhọt lở loét.

Cách dùng, liều lượng củ cốt khí

Ngày dùng 9 – 15 g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài lượng thích hợp, sắc lấy nước để bôi, rửa hoặc chế thành cao, bôi.