1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Định nghĩa
Đái tháo đường (ĐTĐ) là nhóm của các bệnh chuyển hóa, có đặc điểm tăng đường huyết do thiếu hụt về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Tăng đường huyết kéo dài kéo theo những tổn thương, rối loạn chức năng các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.
1.2. Dịch tễ
Đái tháo đường chiếm khoảng 60-70% các bệnh nội tiết. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ nhiều hơn nam. Theo số liệu của viện nghiên cứu ĐTĐ quốc tế, năm 1994 số bệnh nhân bị bệnh ĐTĐ typ 2 trên thế giới vào khoảng 98,9 triệu người, dự báo sẽ tăng lên 215 triệu người vào năm 2010. Tỷ lệ mắc bệnh thay đổi theo từng nước có nền công nghiệp phát triển hay đang phát triển, thay đối theo từng dân tộc, từng vùng địa lý khác nhau. Tuổi càng lớn, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ càng cao, 65 tuổi trở lên, tỷ lệ mắc bệnh tới 16% tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ cao ở những người bệnh bị béo. Như vậy tuổi già và bệnh béo liên quan đến những yếu tố nguy cơ phát triển bệnh ĐTĐ ở những người có tố bẩm đối với bệnh này. Theo tài liệu nghiên cứu tính chất dịch tễ bệnh ĐTĐ, thì tỷ lệ bệnh tăng lên hàng năm, cứ 15 năm thì tỷ lệ bệnh tăng lên 2 lần, ĐTĐ được xếp vào một trong ba bệnh thường gây tàn phế và tử vong nhất (xơ vữa động mạch, ung thư,
ĐTĐ).
Ở Việt Nam, theo tài liệu nghiên cứu thống kê của 3 nhóm tác giả nghiên cứu trên 3 vùng khác nhau của đất nước cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ từ 15 tuổi trở lên: Hà Nội 1,1% (Lê Huy Liệu và cộng sự, 1991). Thành phố Hồ Chí Minh 2,52% (Mai Thế Trạch và cộng sự, 1993), Huế 0,96% (Trần Hữu Dụng,1996). Vì tỷ lệ bệnh ngày càng tăng, nhất là những người đang tham gia lao động sản xuất, đặc biệt hiện nay bệnh Đái tháo đường chưa thể chữa khỏi được, cho nên phòng chống bệnh ĐTĐ đang trở thành vấn đề y học của xã hội.
1.3. Phân loại, cơ chế bệnh sinh
Theo ADA (American Diabete Association) (Hội đái tháo đường Mỹ) thì bệnh đái tháo đường được chia thành 4 nhóm chủ yếu sau:
– Đái tháo đường typ 1: do tổn thương hoặc suy giảm chức năng tế bào β nguyên phát, đưa đến thiếu insulin hoàn toàn.
+ Xảy ra ở người trẻ, phần lớn từ 10 – 20 tuổi.
+ Tỷ lệ mới mắc cao ở các gia đình có người bị đái đường typ 1, có xu hướng hôn mê toan huyết.
+ Thường ở người có HLA – DR3 và DR4
+ Có kháng thể kháng tiểu đảo Langerhans.
+ Sự bài tiết insulin có thể còn ở giai đoạn đầu chẩn đoán, sau đó dẫn đến cạn kiệt ít năm sau.
– Đái tháo đường typ 2:
+ Thường xảy ra ở người trên 35 tuổi.
+ Đường huyết thường tăng cao nhiều năm trước khi được chẩn đoán.
+ Thường ở người có triệu chứng nhẹ, phát hiện tình cờ.
+ Đa số bệnh nhân thuộc loại béo (90% các bệnh nhân ở các nước đã phát triển), nhưng ở Việt Nam tỷ lệ ở người béo rất thấp.
+ Sự tiết insulin thấp tương đối, có sự kháng tác dụng insulin ở tổ chức ngoại biên và gan.
+ Các yếu tố di truyền ở loại này rất quan trọng, thường thấy ở trẻ sinh đôi đồng hợp tử (100% ở týp 2, trong khi chỉ có 50% týp l).
Đái đường týp 2 có thể chia ra 3 týp:
• Đái đường týp 2 không béo.
• Đái đường týp 2 béo
• Thể MODY (Maturity onset Diabetes of youth), đái đường khởi phát ở người trẻ tuổi.
– Đái tháo đường thai nghén
+ Đái đường thai nghén thường gặp ở phụ nữ có thai có đường huyết tăng hoặc giảm dung nạp glucose, gặp khi có thai lần đầu và thường mất đi sau đẻ.
+ Đái tháo đường ở người mang thai thường khởi phát từ tuần lễ thứ 24 của thai kỳ, đôi khi xuất hiện sớm hơn.
+ Một số phụ nữ được xếp vào nhóm có nguy cơ cao là: béo phì, tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường, tiền sử sinh con trên 4 kg, tiền sử bị sẩy thai hoặc thai chết lưu không tìm được nguyên nhân, ở phụ nữ trên 30 tuổi.
Để phát hiện sớm, tất cả phụ nữ có thai nên được kiểm tra đường huyết để phát hiện đái tháo đường vào tuần lễ thứ 24 và thứ 28 của thời kỳ mang thai. Những trường hợp phụ nữ có thai bị đái tháo đường hoặc rối loạn dung nạp glucose có thể có nhiều khả năng mắc phải các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm độc thai nghén, đa ối, thai chết lưu. Vì vậy, các trường hợp này phải theo dõi và kiểm soát đường huyết thường xuyên. Nếu kiểm soát tốt đường huyết, những biến chứng nguy hiểm trên sẽ rất ít xảy ra.
– Rối loạn dung nạp glucose
Rối loạn dung nạp glucose chỉ được phép kết luận sau khi đã tiến hành nghiệm pháp tăng đường huyết bằng đường uống. Những trường hợp đã được chẩn đoán bị rối loạn dung nạp glucose thường có nguy cơ cao về bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và tăng cân hơn là các trường hợp không bị rối loạn dung nạp glucose.
Như vậy sau khi được chẩn đoán rối loạn dung nạp glucose, chúng ta cần can thiệp tích cực bằng chế độ ăn, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, giảm cân khi béo, theo dõi đường huyết định kỳ để có thể ngăn cản sự xuất hiện của đái tháo đường thực sự hoặc làm chậm sự xuất hiện bệnh.
2. NGUYÊN NHÂN
* Nguyên nhân do tụy:
– Viêm tụy.
– Ung thư tụy.
– Sỏi tụy
– Bệnh thiết huyết tố (Hémochromatosse).
* Nguyên nhân ngoài tụy:
– Cường thuỳ trước tuyến yên.
– Cường vỏ thượng thận.
– U tuỷ thượng thận.
– Cường giáp trạng.
* Một số nguyên nhân khác;
– Do di truyền.
– Do tự miễn.
– Do nhiễm khuẩn, virus.
– Do thuốc: Corticoid, Thiazid.
– Do rượu: ức chế AMPC dẫn tới giảm sản xuất insulin.
– Tổn thương não.
3. TRIỆU CHỨNG
3.1. Lâm sàng
* Khởi phát:
– Thường không có biểu hiện gì đặc biệt, chỉ phát hiện được khi làm xét nghiệm máu và nước tiểu.
– Bệnh có thể xuất hiện sau khi bệnh nhân bị cảm, cúm.
* Toàn phát:
– Đái nhiều: bệnh nhân đái 6 – 7 lít / 24h.
– Uống nhiều: đái nhiều nên bệnh nhân mất nước, khát và bệnh nhân sẽ uống nhiều.
– Ăn nhiều, nhanh đói.
– Gầy nhiều:
+ Do giảm đồng hóa, tăng dị hóa protid, lipid làm teo cơ và tổ chức mỡ dưới da.
+ Do mất nước.
– Nước tiểu có ruồi đậu, kiến bâu.
– Bệnh nhân mệt mỏi, khô mồm, khô da.
– Có khi bệnh nhân có các biểu hiện do biến chứng: tắc mạch chi, nhồi máu cơ tim, viêm đa dây thần kinh, nhiễm trùng, rụng răng sớm, ngứa ngoài da, mụn nhọt lâu khỏi, hôn mê.
3.2. Cận lâm sàng
– Glucose máu lúc đói tăng cao.
– Glucose niệu (+). Có một cách để thử nước tiểu là dùng một loại giấy thử đặc biệt, nếu các mảnh giấy này đổi màu khi nhúng vào trong nước tiểu là nước tiểu có đường.
– Nghiệm pháp tăng đường máu (+).
+ Lấy máu định lượng glucose lúc đói.
+ Cho bệnh nhân uống 75g glucose pha trong 250ml nước sôi để nguội, uống trong thời gian 5 phút.
+ 2 giờ sau khi uống, lấy máu định lượng glucose.
Chẩn đoán rối loạn dung nạp glucose khi đường huyết sau 2 giờ là 7,8- 11 mmol/l. Nếu kết quả > 11, 1 mmol/l thì chẩn đoán xác định là đái tháo đường.
– Nghiệm pháp Conn (+) (nghiệm pháp với Cortison), nhưng hiện nay ít làm.
– Thể xeton niệu (+).
– HbA1c tăng cao so với bình thường. Xét nghiệm này chỉ có giá trị đánh giá kết quả điều trị, nó phản ánh mức độ kiểm soát đường huyết trong 4-8 tuần đã qua, mà ít có giá trị chẩn đoán xác định đái tháo đường.
– Định lượng insulin huyết thanh.
108
– Định lượng C-peptid.
– Định lượng các tự kháng thể: kháng thể kháng insulin, kháng tế bào β tụy: GAD
(acid glutamic decarboxylase).
– Rối loạn chuyển hóa lipid kèm theo. Chủ yếu thấy tăng cholesterol, triglycend,
LDL-c và giảm HDL-c
4. CHẨN ĐOÁN
4.1. Chẩn đoán bệnh dựa vào: (Có thể chẩn đoán được ở tuyến cơ sở)
* Các triệu chứng kinh điển: ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều.
* Các biến chứng thường gặp: thần kinh, mắt, bệnh lý mạch máu, nhiễm trùng.
* Một số yếu tố nguy cơ gợi ý:
– Béo.
– Tiền sử gia đình có người bị bệnh ĐTĐ.
– Phụ nữ có ĐTĐ lúc thai nghén.
– Tiền sử đẻ con nặng trên 4 kg.
* Xét nghiệm:
– Đường huyết lúc đói hay xét nghiệm đường huyết bất kỳ trong thời gian nào.
– Nghiệm pháp tăng đường huyết.
– Định lượng HbA1c.
– Đường niệu.
4.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán (Được WHO công nhận năm 1998):
Dựa vào một trong ba tiêu chuẩn
– Một mẫu đường huyết tương bất kỳ ≥ 200 mg/ dl (11,l mmol/l), kết hợp với các triệu chứng tăng đường huyết.
– Đường huyết tương lúc đói ≥ 126 mg/ dl (7 mmol / l).
– Đường huyết tương 2 giờ sau uống 75 g glucose ≥ 200mg/dl (11,l mmol/l). Chẩn đoán chắc chắn khi kết quả được lặp lại 12 lần trong những ngày sau đó.
4.3. Chẩn đoán phân biệt
– Đái nhạt: uống nhiều, đái nhiều, xét nghiệm đường máu bình thường, đường niệu (-), tỷ trọng nước tiểu thấp.
– Đái đường phối hợp với đái nhạt:
– Đường huyết cao không tương xứng với đường niệu.
– Sau điều trị, đường huyết về bình thường mà bệnh nhân vẫn đái nhiều.
– Đái đường do thận: do ngưỡng đường thận giảm.
4.4. Chẩn đoán giai đoạn (4 giai đoạn)
* Giai đoạn 1 (tiền đái đường, đái đường ẩn).
– Thường gặp ở các đối tượng:
+ Con của hai người đái tháo đường.
+ Sinh đôi cùng trứng, một đã bị đái tháo đường.
+ Những người có kháng nguyên HLA – DR3 hoặc DR4
– Xét nghiệm sinh hóa bình thường, sinh thiết thận thấy màng đáy cầu thận dày.
* Giai đoạn 2 (Đái đường tiềm tàng):
Nghiệm pháp Conn (+), tổn thương vi mạch nặng hơn.
* Giai đoạn 3 (Đái đường sinh hóa):
Các nghiệm pháp sinh hóa (+), tổn thương vi mạch nặng.
* Giai đoạn 4 (Đái đường lâm sàng).
Có đầy đủ triệu chứng lâm sàng và sinh hóa, biến chứng nhiều.
4.5. Chẩn đoán nguyên nhân
* Nguyên nhân ngoài tụy Dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng: thấy có cường các tuyến khác.
* Do tụy:
– Cần chụp Xquang, siêu âm tụy, CT- Scanner để phát hiện u, sỏi tụy.
– Xác định các tự kháng thể, kháng tế bào β tụy.
5. BIẾN CHỨNG
5.1. Biến chứng ở các cơ quan
* Tim mạch:
– Cơn đau thắt ngực.
– Nhồi máu cơ tim.
– Viêm tắc động mạch chi dưới.
* Ngoài da:
– Ngứa không tìm thấy nguyên nhân.
– Mụn nhọt lâu khỏi.
110
– Loét bàn chân.
* Mắt:
– Đục thuỷ tinh thể.
– Viêm mống mắt.
– Thoái hóa võng mạc.
* Hoại thư do đái tháo đường:
– Là biến chứng muộn, tiến triển từ từ.
* Biến chứng thần kinh:
Viêm đa dây thần kinh (tọa, trụ, rối loạn cảm giác sâu).
* Biến chứng thận:
Do xơ hóa tiểu cầu thận, xuất hiện Microalbumin niệu, gây hội chứng
Kimmelstiel – Wilson.
* Răng lợi: rụng răng, viêm mủ lợi kéo dài.
* Phổi: dễ gây nhiễm khuẩn ở phổi:
– Áp xe phổi.
– Lao phổi.
* Tiêu hóa: gan to và thoái hóa mỡ, ỉa chảy kéo dài.
* Cơ xương khớp: teo cơ, đau xương khớp, thoái khớp.
* Sản khoa: vô sinh, sảy thai, thai to.
5.2. Biến chứng hôn mê do đái tháo đường
* Hôn mê toan máu do đái tháo đường:
– Thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ typ 1.
– Đường máu tăng rất cao.
– Đường niệu tăng.
– Xeton niệu (+).
– Dự trữ kiềm giảm nhiều.
* Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu:
– Thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2.
– Đường huyết và đường niệu tăng rất cao.
– Không có thể xeton niệu.
– Áp lực thẩm thấu máu tăng rất cao.
111
* Hôn mê do tăng a. lactic:
– Tăng a. lactic máu.
– pH máu giảm.
– Xeton niệu (-).
– Kèm theo có bệnh gan, thận.
* Hôn mê do hạ đường máu:
Cần phải nghĩ tới hạ đường máu khi bệnh nhân có các biểu hiện như mệt mỏi, nhức đầu, vã mồ hôi, bủn rủn chân tay…Thường xuất hiện ở những bệnh nhân đái tháo đường đang được điều trị tại nhà bằng thuốc hạ đường huyết nhưng ăn kiêng quá mức, hoặc dùng thuốc không đúng.
6. ĐIỀU TRỊ
Nếu thấy rõ nguyên nhân thì phải điều trị nguyên nhân, nếu không phải xác định và điều trị theo typ 1 hoặc typ 2.
6.1. Điều trị đái tháo đường Typ 1
* Chế độ ăn:
Chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị đái tháo đường với mục đích nhằm bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng đầy đủ cả về số lượng và chất lượng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn, đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân.
Trong đái tháo đường không có một công thức tính chế độ ăn chung cho tất cả các bệnh nhân, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: người béo hay gầy, lao động thể lực hoặc không lao động, có biến chứng hay không và còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng bệnh nhân.
Chế độ ăn của người bệnh phải được chọn sao cho nó cung cấp cho cơ thể người bệnh một lượng đường tương đối ổn định và quan trọng nhất là phải tính điều độ và hợp lý về giờ giấc, tức là chia số thực phẩm được sử dụng trong ngày ra các bữa ăn chính và phụ hợp lý. Nếu bệnh nhân có tiêm insulin, phải tính thời điểm lượng đường huyết tăng cao sau bữa ăn phù hợp với thời điểm insulin có tác dụng mạnh nhất.
Thông thường người bệnh đái tháo đường cần thực hiện chế độ ăn:
– Hạn chế glucid, đảm bảo 30-35 Kcalo/kg/24h. Protid 16% – 20%, lipid 20% – 30%, glucid 50% – 60%.
– Chia ra nhiều bữa ăn trong ngày theo tỷ lệ 1- 1- 3 – 1-3 – 1. Trong đó bừa sáng 10%, bữa phụ buổi sáng 10%, bữa trưa 30 %, bữa phụ chiều 10% bữa tối 30%, bữa phụ tối 10%.
– Ăn tăng các loại thức ăn có nhiều xơ, hạn chế mỡ động vật.
112
– Tránh các loại thực phẩm có lượng đường cao.
* Insulin: dùng là bắt buộc và dùng suốt đời, vì insulin cần cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường type1, mục đích điều trị insulin là thay thế một cách sinh lý lượng insulin bình thường do tụy tạo ra.
– Các loại insulin: hiện nay có các loại insulin thường, insulin chậm và insulin nửa chậm.
– Cách dùng: insulin có thể được sử dụng một cách linh động.
+ Trong cấp cứu dùng loại nhanh, còn lại thì dùng loại chậm hoặc nửa chậm.
+ Loại insulin nhanh có thể tiêm dưới da, tiêm bắp, truyền tĩnh mạch.
– Các loại insulin khác chỉ tiêm dưới da.
+ Thường cho 20 – 40 đơn vị/ngày (liều 0,6 – 0,7 UI/kg/ngày), tổng liều không quá 80UI/ngày, tiêm dưới da chia 3 phần: 2/3 dùng trước bữa ăn trưa, còn 1/3 đùng trước bữa ăn tối.
+ Trong khi điều trị phải dựa vào kết quả xét nghiệm đường máu, đường niệu và tuỳ loại insulin để có thể tăng hoặc giảm liều, mỗi lần 5 – 10 đơn vị để kiểm soát đường huyết.
+ Liều điều trị sẽ được xác định sau 2 – 3 ngày điều trị.
+ Có thể xảy ra dị ứng ngay sau khi dùng insulin với biểu hiện mày đay hoặc phù quinck, nhưng rất hiếm.
+ Nếu quá liều insulin xảy ra hạ đường huyết nhẹ: uống một cốc nước đường hoặc glucose, nếu nặng cần tiêm 20 – 40. mỡ dung dịch glucose 20%, nếu không đỡ phải đưa bệnh nhân vào bệnh viện.
6.2. Điều trị đái tháo đường typ 2
* Chế độ ăn:
– Áp dụng như đái tháo đường typ 1.
– Chế độ ăn nên được áp dụng đầu tiên cho mọi bệnh nhân.
– Nếu không đỡ, phải dùng thêm thuốc để điều chỉnh đường huyết.
– Hầu hết bệnh nhân đái tháo đường typ 2 cần điều trị bằng thuốc hạ đường huyết uống, những thuốc này được chia thành các nhóm chính:
* Thuốc:
– Sulfamid hạ đường huyết (Sulfonylurea).
+ Các loại:
• Tolbutamid 0,5g (thế hệ 1) x 4 viên/24h.
• Glthenclamid (Daonil, Maninil): 5mg (thế hệ 2) x 2 – 4 viên/24h.
• Gliclazid (Diamicron, Predian): 80mg (thế hệ 2) x 1 – 4 viên/24h.
+ Cơ chế tác dụng:
• Kích thích tế bào β tụy sản xuất insulin.
• Tăng hiệu lực tác dụng của insulin nội và ngoại sinh:
– Ức chế enzym insulinase của gan.
– Ức chế kết hợp insulin với kháng thể và với protein huyết tương.
+ Biến insulin không hoạt động thành insulin hoạt động.
+ Làm tăng số lượng Receptor tiếp nhận insulin ở màng tổ chức cơ và gan của
sinh vật.
+ Làm tăng hấp thu glucose ở tổ chức.
+ Sulfonylurea thế hệ 2: làm giảm khả năng kết dính và ngưng tập tiểu cầu, chống lại sự hình thành vi huyết khối, giảm tổn thương vi mạch (làm chậm quá trình tiến triển của bệnh lý võng mạc, bảo tồn được chức năng thận, giảm prrotein niệu).
– Biguanid (thuốc chống cao đường huyết):
+ Metformine, glucophage 500mg x 2 – 3 viên/24h. Uống trong hoặc sau bữa ăn.
Tác dụng phụ trên đường tiêu hóa thường gặp ở 20% bệnh nhân (nghiên cứu UKPDS 1998)
+ Tác dụng:
• Tăng tính thấm màng tế bào đối với glucose,tăng sử dụng glucose ở tổ chức ngoại vi, chủ yếu là ở cơ.
• Có thể làm tăng tỷ lệ insulin tự do/ insulin kết hợp với protein huyết tương. Giảm tỷ lệ các tiền chất insulin.
• Ức chế sự tân tạo glucose ở gan mà vẫn cải thiện độ nhậy cảm của tế bào cơ đối với insulin..
• Làm chậm hấp thu glucose ở ruột non.
• Không có tác dụng kích thích tế bào β tiết insulin nên không gây tăng insulin máu.
• Có tác dụng làm giảm hiện tượng kháng insulin.
– Loại khác:
+ Acarbose: (glucobay) (là một Tetrasaccharid giả): 50mg, 100 mg x 1 – 2 viên x 2 – 3 lần/ ngày, uống ngay khi bắt đầu ăn. Có tác dụng ức chế disacharide ở bờ bàn chải ruột non, do đó làm chậm sự hấp thu carbohydrate và không làm tăng đường huyết sau ăn. Rối loạn tiêu hóa là một tác dụng phụ hay gặp trong khi bệnh nhân được
điều trị bằng glucobay.
+ Mediator (Bennuorex): 150 mg
Có tác dụng lên sự đề kháng insulin, điều chỉnh rối loạn chuyển hóa lipid, giảm triglycerid, làm tăng HDL- c.
– Tuần l: 1 viên / 24 giờ, bữa ăn tối.
– Tuần 2: 2 viên /24 giờ, lúc ăn trưa và tối.
– Tuần 3: 3 viên /24 giờ, vào các bữa ăn sáng, trưa, tối.
+ Amaryl (Glimepiride) 1 mg, 2 mg, 3 mg. Uống nguyên viên 1 lần / ngày.
+ Vitamin E và C.
* Chú ý:
– Nếu các biện pháp điều trị như tiết chế, thay đổi lối sống, thuốc hạ đường huyết uống (có thể phối hợp) mà không kiểm soát được đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2, nên đặt vấn đề điều trị bằng insulin, thường tiếp tục phối hợp với thuốc hạ đường huyết uống.
– Điều trị bệnh kèm theo và biến chứng (nếu có). Đặc biệt chú ý biến chứng tim mạch, hôn mê và bệnh lý bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường.
– Trách nhiệm quản lý, theo dõi người bệnh, hướng dẫn bệnh nhân thực hiện chế độ ăn, chế độ luyện tập, chế độ thuốc men là rất quan trọng đối với các thầy thuốc ở cộng đồng.
– Khi phát hiện các biến chứng ở bệnh nhân đái tháo đường, cần xử trí bước đầu sau đó tìm cách chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để xử trí.
7. PHÒNG BỆNH
Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cho cộng đồng về việc thực hiện chế độ ăn kiêng, luyện tập, hạn chế yếu tố nguy cơ, đặc biệt là việc quản lý bệnh nhân ngoại trú nhằm hạn chế biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra.
Cho đến nay có 3 cấp phòng bệnh là:
– Phòng bệnh cấp l: ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát bệnh ở cộng đồng và cá nhân người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
– Phòng bệnh cấp 2: ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển các biến chứng của bệnh.
– Phòng bệnh cấp 3: tăng cường khả năng của hệ thống sức khỏe quốc gia phục vụ có hiệu quả cho việc ngăn ngừa và chăm sóc người bệnh đái tháo đường.
” Thông tin này chỉ dành cho nhân viên y tế tham khảo, người bệnh không được tự ý áp dụng phương pháp này để chữa bệnh “
Trích : Đại học y khoa Thái Nguyên