Địa hoàng là cây sinh địa hoàng, thường gọi tắt là cây sinh địa (Rhemannia glutinosa Gaertn ), họ hoa mõm sói (Scrophulariacea). Bộ phận dùng làm thuốc là rễ (Radix Rhemanniae). Sau khi thu hoạch, tùy theo cách chế biến, rễ sinh địa hoàng sẽ cho các sản phẩm khác nhau với những tác dụng cũng khác nhau như: tiên địa hoàng, can địa hoàng, sinh địa, thục địa.
Tiên địa hoàng: rễ địa hoàng tươi vừa được thu hoạch. Tiên địa hoàng có độ dài khoảng 15-20cm, đường kính khoảng 1,5 – 2cm, vỏ rễ căng nhẵn, màu vàng nhạt, vị ngọt, đắng nhẹ, nhiều dịch. Can địa hoàng: tiên địa hoàng thái phiến, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp. Can địa hoàng có vị ngọt, đắng hơn tiên địa hoàng. Sinh địa: tiên địa hoàng được chế biến thông qua nhiều công đoạn sấy ở nhiệt độ thấp (450C), ủ nhiều giờ (khoảng 3 ngày) cho lên mốc trắng rồi lại sấy tiếp, cuối cùng sấy ở 600C cho khô. Sinh địa là những rễ có kích thước 15 – 20cm, đường kính 10 – 15cm, vỏ nhăn nheo, màu đen, vị ngọt, đắng.
Thục địa: đem sinh địa nấu, hoặc chưng với hỗn hợp gồm sinh khương (gừng tươi), sa nhân, rượu trắng (35-40 độ) nhiều giờ, sau đó đem phơi hoặc sấy ở nhiệt độ thấp (60-700C) rồi lại nấu tiếp và phơi như trên, làm nhiều lần. Trong quá trình phơi, thường xuyên lấy dịch nấu ban đầu còn lại, tẩm vào vị thuốc, làm nhiều lần cho đến khi sản phẩm chế có thể chất mềm, dẻo, màu đen, sờ không dính tay.
Từ sinh địa hoàng đã cung cấp tới 4 vị thuốc nói trên. Tuy nhiên, việc bảo quản 2 vị thuốc tiên địa hoàng và can địa hoàng rất khó và hoạt chất của chúng cũng không ổn định. Vì vậy sinh địa và thục địa là 2 vị thuốc chính thức được dùng trong y học cổ truyền.
Sinh địa: có vị ngọt, đắng, tính hàn, vào kinh tâm, can, thận; có công năng thanh nhiệt lương huyết, dưỡng âm, sinh tân dịch, chỉ khát. Chủ trị: sốt cao, miệng khát, lưỡi đỏ, tâm phiền do tà nhiệt nhập vào phần dinh, phần huyết, phối hợp với hoàng liên, huyền sâm, hạ khô thảo… Sinh địa được dùng trị các chứng bệnh:
– Khi cơ thể bị huyết nhiệt, dẫn đến xuất huyết, phối hợp với tê giác, mẫu đơn bì, trắc bách diệp (sao cháy), hoa hòe (sao đen)…
– Trị táo bón, nhất là sau thời kỳ bị sốt, nhiệt làm tổn thương tân dịch, người khô háo, phối hợp với huyền sâm, mạch môn, thảo quyết minh…
– Trị bệnh tiểu đường: Tiên địa hoàng và can địa hoàng, tính hàn, lương, có tác dụng sinh tân chỉ khát tốt, dùng trị bệnh tiểu đường tốt hơn sinh địa. Nếu có điều kiện dùng riêng tiên địa hoàng hoặc can địa hoàng, mỗi ngày 16 -20g, dưới dạng nước ép, hoặc nước sắc. Còn với sinh địa, có thể dùng phương Lục vị gia giảm: sinh địa, hoài sơn, mỗi vị 20g; thạch hộc, mẫu đơn bì mỗi vị 12g; thiên hoa phấn, sa sâm, sơn thù du mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 2 – 3 tuần lễ.
Lưu ý: Những người tỳ hư, dương hư, đầy trướng bụng, phân nát, lỏng không nên dùng sinh địa.
Thục địa: có vị ngọt, tính ấm, vào 3 kinh tâm, can, thận. Có công năng tư âm, dưỡng huyết, sinh tân chỉ khát, bổ thận âm. Được dùng chủ yếu để bổ huyết trong các trường hợp: thiếu máu, chóng mặt, đau đầu, tân dịch khô sáp, mắt khô, râu tóc bạc sớm: thục địa, đương quy, xuyên khung, bạch thược mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 2 -3 tuần lễ. Hoặc bổ cả khí và huyết, trong trường hợp khí huyết lưỡng hư, da xanh xao, người mệt mỏi: thục địa, đương quy, bạch truật, bạch linh, nhân sâm, bạch thược mỗi vị 12g; xuyên khung 8g; cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 2 – 3 tuần lễ.
Lưu ý: Tránh nhầm lẫn cây sinh địa hoàng với cây dương địa hoàng tía (Digitalis purpurea L.) và cây dương địa hoàng lông (Digitalis lanata Ehrh.), đều thuộc họ hoa mõm sói (Scrophulariaceae). Cả hai cây đều mọc hoang và được trồng ở châu Âu và Bắc Mỹ để lấy nguyên liệu chiết xuất glycosid tim, được di thực vào nước ta.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh