ĐỖ TRỌNG (Vỏ Thân)
Cortex Eucommiae
Vỏ thân đã phơi hay sấy khô của cây Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.), họ Đỗ trọng (Eucommiaceae).
Mô tả đỗ trọng
Dược liệu là những miếng vỏ phẳng hoặc hai bên mép hơi cong vào, to nhỏ không đều, dày 0,2-0,5 cm, màu xám tro. Mặt ngoài sần sùi, có nhiều nếp nhăn dọc và vết tích của cành con. Mặt trong vỏ màu sẫm, trơn, chất giòn, dễ bẻ gẫy, mặt bẻ có nhiều sợi màu trắng ánh bạc, có tính đàn hồi như cao su. Vị hơi đắng.
Vi phẫu
Mặt cắt ngang dược liệu nhìn dưới kính hiển vi từ ngoài vào trong có: Lớp bần dày, có chỗ bị nứt rách gồm những tế bào dẹt màng hóa bần, xếp thành vòng đồng tâm và dãy xuyên tâm. Mô mềm vỏ gồm nhiều hàng tế bào, các tế bào phía ngoài thường bị ép dẹt. Mô cứng xếp từng đám rải rác trong mô mềm vỏ, có cả trong libe. Libe cấp hai dày có những đám sợi. Một số tế bào chứa nhựa nằm rải rác trong mô mềm vỏ, trong libe và trong mô cứng. Tia ruột có khoảng 2 – 3 hàng tế bào, uốn lượn chạy từ tầng sinh libe-gỗ đến mô mềm vỏ. Trong cùng là tầng sinh libe-gỗ.
Bột
Bột màu nâu xám không mùi, vị hơi đắng. Soi dưới kính hiển vi thấy: Mảnh bần gồm các tế bào hình đa giác. Mảnh mô mềm có các tế bào thành mỏng. Nhiều sợi nhựa dài, mảnh, ngoằn ngoèo, chụm thành từng đám màu trắng đục hoặc kéo dài như sợi dây. Mảnh mô cứng gồm những tế bào màu vàng, dài hoặc hình trái xoan, có khoang hẹp, có ống trao đổi rõ. Sợi libe có khoang hẹp.
Định tính
- Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 10 ml cloroform (TT), ngâm 2 giờ. Lọc lấy dịch lọc, hong khô, thêm 1 ml ethanol 96% (TT), để yên khoảng 5 phút sẽ thấy xuất hiện màng có tính đàn hồi.
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel GF254
Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat (9 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 0,5 g bột dược liệu, thêm 10 ml methanol (TT), lắc kỹ trong 30 phút. Lọc, cô dịch lọc tới con 1 ml dùng làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 0,5 g bột Đỗ trọng (mẫu chuẩn), tiến hành chiết tương tự như đối với dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, phun dung dịch vanilin 1% trong acid sulfuric (TT), để khô, quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với vết đạt được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm đỗ trọng
Không quá 10% (Phụ lục 9.6).
Tạp chất
Không quá 1% (Phụ lục 12.11).
Chất chiết được trong dược liệu
Không được ít hơn 11,0% tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Dùng ethanol 75% (TT) làm dung môi.
Chế biến
Thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6, bóc lấy vỏ, cạo bỏ vỏ thô, xếp đống cho đến khi mặt trong của vỏ có màu đen nâu tía thì phơi khô.
Bào chế đỗ trọng
Đỗ trọng: Cạo vỏ thô còn sót lại, rửa sạch, thái miếng hoặc sợi còn tơ, phơi khô, dùng sống hoặc chế.
Diêm đỗ trọng (Chế muối): Đỗ trọng thái miếng còn tơ, tẩm nước muối trong 2 giờ (1 kg Đỗ trọng dùng 30 g muối trong 200 ml nước), sao vàng, đứt tơ là được; hoặc sao đến khi mặt ngoài màu đen sém khi bẻ gẫy, tính đàn hồi tơ kém so với khi chưa sao; vị hơi mặn.
Bảo quản
Để nơi khô, thoáng.
Tính vị, quy kinh đỗ trọng
Cam, ôn. Vào các kinh can, thận.
Công năng, chủ trị
Bổ can thận, mạnh gân cốt, an thai, hạ áp. Chủ trị: Đau nhức cơ khớp, tảo tiết, liệt dược, động thai ra máu, tăng huyết áp.
Cách dùng, liều lượng đỗ trọng
Ngày dùng 6 – 9 g, dạng thuốc sắc hoặc tán.
Kiêng kỵ
Âm hư hỏa vượng không nên dùng.