Dừa cạn

DỪA CẠN (Lá)

Folium Catharanthi rosei

Lá phơi hay sấy khô của cây Dừa cạn (Catharanthus roseus (L.) G. Don), họ Trúc đào (Apocynaceae).

Mô tả dừa cạn

Lá nguyên hình bầu dục hẹp, màu lục xám hay lục nhạt, đầu hơi nhọn, gốc lá thuôn hẹp. Phiến lá  dài 3,5 – 5 cm, rộng 1,5 – 3 cm. Gân hình lông chim, lồi ở mặt dưới lá. Cuống dài 0,3 – 0,7 cm. Vị đắng, mùi hắc.

Vi phẫu

Biểu bì trên và dưới gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật xếp đều đặn, mang 2 loại lông che chở: Lông che chở đa bào dài gồm 2 – 5 tế bào (thường là 2), tế bào chân ngắn, tế bào đầu dài nhọn và loại lông che chở đơn bào ngắn.

Phần gân chính: Dưới lớp tế bào biểu bì trên là đám mô dày góc. Mô mềm gồm những tế bào thành mỏng, kích thước không đều, giữa các tế bào mô mềm để hở những khoảng gian bào hình ba cạnh. Bó libe-gỗ chồng kép hình cung xếp giữa gân lá gồm những đám libe tế bào nhỏ, xếp thành 2 cung bao bọc lấy cung gỗ. Mạch gỗ xếp đều đặn.

Phần phiến lá gồm một hàng tế bào mô giậu xếp đều đặn và mô mềm khuyết tế bào nhỏ thành mỏng, xếp không đều.

Bột dừa cạn

Mảnh biểu bì mang lỗ khí và lông che chở đa bào, đôi khi đơn bào. Lỗ khí có ba tế bào phụ hình dạng thay đổi, thường có một tế bào nhỏ hơn 2 tế bào kia. Mảnh gân lá gồm tế bào thành mỏng, hình chữ nhật. Rải rác có lông che chở 2 – 5 tế bào, bề mặt lấm tấm. Mảnh mô mềm giậu, mô mềm khuyết. Mảnh mạch vạch, mạch mạng.

Định tính

Lấy 3 g bột được liệu cho vào một bình nón, thấm ẩm đều với 2 ml amoniac đậm đặc (TT). Thêm 30 ml cloroform (TT), để yên 30 phút, thỉnh thoảng lắc đều. Lọc, dịch lọc cho vào bình gạn, lắc với 5 ml dung dịch acid sulfuric 10% (TT) trong 2 – 5 phút. Để lắng, gạn lấy phần dung dịch acid cho vào 4 ống nghiệm, mỗi ống 0,5 ml; lần lượt làm các phản ứng sau:

Ống 1: Thêm 2 giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa trắng.

Ống 2: Thêm 2 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa đỏ cam.

Ống 3: Thêm 2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa nâu.

Ống 4: Thêm 2 giọt dung dịch acid picric(TT), xuất hiện tủa vàng.

Vị thuốc quý từ hoa dừa cạn

Độ ẩm dừa cạn

Không quá 12% 

Tro toàn phần

Không quá 3% 

Tỷ lệ vụn nát

Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm: Không quá 4%

Tạp chất dừa cạn

Tạp chất vô cơ : Không quá 0,5%.

Bộ phận khác của cây:  Không quá 3%.

Tỷ lệ lá màu đen cháy: Không quá 1%.

Định lượng dừa cạn

Cân chính xác khoảng 15 g bột dược liệu khô kiệt đã tán nhỏ, cho vào bình nón 250 ml có nút mài, thấm ẩm đều với 5 ml amoniac đậm đặc (TT). Thêm vào 150 ml cloroform (TT), lắc mạnh, để qua đêm. Lọc. Lấy 100 ml dịch lọc tương ứng với 10 g bột dược liệu, chiết với dung dịch acid sulfuric 10% (TT) 4 lần, mỗi lần 10 ml. Gộp dịch chiết acid rồi kiềm hoá bằng amoniac đặc (TT) đến pH 10, lắc với cloroform (TT) 4 lần (3 lần đầu mỗi lần dùng 15 ml, lần thứ 4 dùng 10 ml). Sau đó cho thêm amoniac  đặc (TT) đến pH 11 – 12 rồi lắc tiếp với cloroform (TT)  4 lần như trên. Gộp dịch chiết cloroform, loại nước bằng natri sulfat khan (TT), cất thu hồi bớt dung môi rồi chuyển vào một bình đã xác định khối lượng. Bốc hơi dung môi cho tới khô. Làm khô trong bình hút ẩm với silica gel đến khối lượng không đổi và cân.

Dược liệu phải chứa ít nhất 0,7% alcaloid toàn phần tính theo dược liệu khô kiệt.

Chế biến dừa cạn

Thu hái lá trước khi cây có hoa, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.

Bảo quản

Để nơi khô, mát, tránh mốc.

Tính vị, qui kinh dừa cạn

Vi hàn, lương, có độc. Vào các kinh tâm, can

Công năng, chủ trị dừa cạn

Hoạt huyết, tiêu thũng giải độc, an thần hạ áp

Dùng trị tăng huyết áp, tiểu đường, kinh nguyệt không đều, lỵ, bí tiểu. Cũng dùng trị bệnh bạch cầu lympho cấp.

Cách dùng, liều lượng

Dùng 8 – 16 g, dạng thuốc sắc.