Đó là nhận định của ông Võ Đình Vinh – Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia (BCĐQG) vận động hiến máu tình nguyện. Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xin được giới thiệu nội dung cuộc trao đổi với ông Võ Đình Vinh bên lề “Hành trình Đỏ – 2014”:
PV: Đây là năm thứ hai, BCĐQG chỉ đạo Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và BCĐ các tỉnh, thành phố thực hiện chương trình “Hành trình Đỏ”, xin ông cho biết thêm đôi nét về hành trình năm nay.
Ông Võ Đình Vinh: Chương trình “Hành trình Đỏ” được thực hiện đầu tiên vào mùa hè năm 2013 và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Chỉ trong hơn 20 ngày thực hiện chương trình, 15 tỉnh, thành phố đã truyền thông, vận động hiến máu tình nguyện và tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) tới hàng chục vạn người; tổ chức tiếp nhận gần 12.000 đơn vị máu và thực hiện nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện có ý nghĩa tại các địa phương nơi có hành trình đi qua. Hoạt động này đã kịp thời khắc phục tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị trong dịp hè năm 2013 vừa qua.
Năm nay, “Hành trình Đỏ” được thực hiện trên phạm vi, quy mô lớn hơn, với sự vào cuộc của 25 tỉnh, thành phố và sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương là cơ quan thành viên BCĐQG. Với ý tưởng và kinh nghiệm tổ chức “Hành trình Đỏ” của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, năm 2014, BCĐQG tiếp tục ủng hộ và giao cho Viện chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên BCĐQG và Ban Chỉ đạo các địa phương triển khai từ ngày 02/7 đến ngày 28/7. Đây là hoạt động trọng tâm hưởng ứng chiến dịch “Những giọt máu hồng” – hè 2014 do BCĐQG vận động hiến máu tình nguyện phát động.
PV: Thưa ông, mục tiêu cụ thể của chương trình “Hành trình Đỏ” năm nay là gì?
Ông Võ Đình Vinh: Với “sứ mệnh” là hành trình vận động hiến máu tình nguyện xuyên Việt, “Hành trình Đỏ” hướng đến mục tiêu rất cụ thể, đó là: nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về hiến máu cứu người; vận động khoảng 20.000 người đăng ký hiến máu, dự kiến tiếp nhận được tối thiểu 16.000 đơn vị máu, góp phần điều phối máu giữa các địa phương, khắc phục tình trạng thiếu máu cho cấp cứu và điều trị trong mùa hè 2014. Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi mọi người dân đăng ký hiến máu dự bị; cùng các địa phương diễn tập công tác tổ chức và tiếp nhận máu với số lượng lớn. Thông qua đó, “Hành trình Đỏ” góp phần giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần “tương thân tương ái”, hướng giới trẻ đến những việc làm thiện nguyện, luôn sẵn sàng cống hiến và biết sẻ chia. Cùng với những hoạt động thiết thực hưởng ứng chiến dịch “Những giọt máu hồng” – hè 2014, “Hành trình Đỏ” còn truyền đi thông điệp về người bệnh cần truyền máu, đặc biệt là nhóm bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), với mục tiêu tuyên truyền trực tiếp và tư vấn cho khoảng 1 triệu lượt người về hiến máu tình nguyện và bệnh tan máu bẩm sinh.
PV: Các tỉnh, thành phố tham gia “Hành trình Đỏ” là những địa phương có công tác hiến máu tình nguyện phát triển?
Ông Võ Đình Vinh: Không hẳn vậy. Hoạt động hiến máu tình nguyện tại nước ta được hình thành và phát triển trong 20 năm qua, tuy nhiên, còn chưa đồng đều tại các địa phương và còn sự chênh lệch rõ rệt giữa các vùng, miền, giữa thành thị, nông thôn, vùng sâu vùng xa. Một thực tế cho thấy, vẫn còn xảy ra tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị trong dịp hè; nhiều địa phương có tỷ lệ người dân tham gia hiến máu còn thấp, chưa đạt 0,5% dân số. Trong số 25 tỉnh, thành phố hưởng ứng tham gia “Hành trình Đỏ” trải dài từ Nam ra Bắc, có những địa phương công tác hiến máu tình nguyện đã phát triển tương đối ổn định như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, … nhưng cũng còn một số nơi còn gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ dân số hiến máu dưới 0,5% dân số như: Sơn La, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An,… Vì vậy, việc các tỉnh này tham gia “Hành trình Đỏ” sẽ là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác hiến máu tình nguyện tại địa phương.
PV: Xin ông có một vài đánh giá về ý nghĩa của chương trình “Hành trình Đỏ” đối với công tác hiến máu tình nguyện hiện nay?
Ông Võ Đình Vinh: BCĐQG vận động hiến máu tình nguyện hoan nghênh và đánh giá cao ý tưởng tổ chức chương trình “Hành trình Đỏ”. Đây là điểm nhấn quan trọng nhằm hưởng ứng chiến dịch “Những giọt máu hồng hè”, tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là những địa phương trực tiếp tham gia “Hành trình Đỏ”. Chương trình này góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị trong dịp hè; điều phối hợp lý nguồn máu tại các địa phương; giúp duy trì và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện tại các tỉnh, thành phố. Qua đó, từng bước góp phần đưa công tác nhân đạo này phát triển đồng đều trên cả nước, hướng đến mục tiêu 100% hiến máu tình nguyện vào năm 2020.
PV: Hiến máu nhân đạo là một trong bảy lĩnh vực hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Hội Chữ thập đỏ các cấp trong Hành trình đỏ 2014?
Ông Võ Đình Vinh: “Hành trình đỏ” năm 2014 là chương trình hoạt động cao điểm của liên ngành nhằm hưởng ứng “Chiến dịch những giọt máu hồng hè” do Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phát động. Vì đây là sáng kiến và đề xuất của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (là một trong 15 cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia), nên Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia giao Cơ quan này chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện 25 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng với 2 đơn vị truyền thông và tổ chức sự kiện là “Công ty Cổ phần nhân ái Vòng Tay Việt” và “Công ty Cổ phần Truyền thông đa phương tiện Latsata – Kênh truyền hình Let’s Viet”.
Có thể khẳng định rằng “Hành trình đỏ” nói riêng và công tác vận động hiến máu tình nguyện nói chung ở 25 tỉnh, thành phố (và cả nước) có thành công hay không phải có sự tham gia tích cực và có tính quyết định của Ban Chỉ đạo 25 tỉnh, thành phố do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo, Hội Chữ thập đỏ là Cơ quan thường trực cùng với sự tham gia của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo (xin bật mí là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long là địa phương duy nhất được Ủy ban nhân dân tỉnh giao đảm trách Trưởng Ban Chỉ đạo từ tháng 3/2011 đến nay). Vì vậy, nói đến kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện của 01 địa phương nói chung và “Hành trình đỏ” nói riêng là nói đến vai trò đặc biệt quan trọng của Hội Chữ thập đỏ tại địa phương đó rồi.
Cần nói thêm rằng, “Hành trình đỏ” 2014 có sự tham gia tích cực của 15 bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trung ương là Cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo quốc gia thông qua việc: khẳng định bằng văn bản “bảo trợ cho chương trình”; ban hành văn bản chỉ đạo ngành dọc; cử đại diện lãnh đạo tham gia sự kiện này tại 25 tỉnh, thành phố (lãnh đạo Bộ Y tế tham gia tại TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hải Phòng và Hà Nội; lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tham gia tại Vĩnh Long, Bắc Kạn, Thanh Hóa và Hà Nội; lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia tại Quảng Nam và Hà Nội,…).
Có thể thấy, cán bộ, hội viên và tình nguyện viên Chữ thập đỏ là những thành viên nòng cốt trong mọi hoạt động của “Hành trình đỏ”, từ khâu chuẩn bị sự kiện, đón tiếp đoàn hành trình đến việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân (và bản thân cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ) tích cực tham gia hiến máu tình nguyện tại “Ngày hội hiến máu – Hành trình đỏ 2014”.
Xin cảm ơn ông!
Hành trình Đỏ – lần II/2014 bắt đầu từ ngày 2/7 – 28/7/2014, dừng chân tại 25 tỉnh, thành phố, được chia làm 02 đoàn. Đoàn 1, xuất phát từ Kiên Giang (ngày 3/7) di chuyển đến 16 tỉnh, thành phố bao gồm: Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa trở ra Hà Nội. Đoàn 2 (từ ngày 9 – 22/7), xuất phát từ Hòa Bình (ngày 10/7) đi đến 7 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc gồm: Sơn La, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng hướng về Hà Nội. Ngày 24/7, hai đoàn sẽ hội quân tại Thủ đô Hà Nội, từ 24 – 28/7 thực hiện các hoạt động tại Thủ đô và chuẩn bị ngày hội hiến máu “Giọt hồng tri ân” (ngày 26/7).