Là hạt trong “nón cái” già (còn gọi là “quả”) được phơi hay sấy khô của cây Trắc bá (Platycladus orientalis (L.) Franco), họ Hoàng đàn (Cupressaceae).
Mô tả hạt bá tử nhân
Hạt hình trứng dài hoặc bầu dục hẹp, dài 4 -7 mm, đường kính 1,5 – 3 mm. Mặt ngoài màu trắng vàng nhạt hoặc màu vàng nâu nhạt, có phủ một vỏ lụa dạng màng, đỉnh hơi nhọn, có một điểm nhỏ màu nâu thẫm, đáy tròn tù. Chất mềm, nhiều dầu. Mùi thơm nhẹ, vị nhạt.
Độ ẩm hạt bá tử nhân
Không quá 7% (Phụ lục 12.13).
Chỉ số acid
Không quá 40,0 (Phụ lục 7.2).
Tán thành bột thô 50 g mẫu thử, cho vào bình Soxhlet, thêm 100 ml hexan (TT), chiết hồi lưu trong 2 giờ, để nguội, lọc qua phễu lọc thủy tinh xốp số 3, cất thu hồi dung môi dưới áp lực giảm, lấy một phần dầu thu được để xác định chỉ số acid theo Phụ lục 7.2. Phần còn lại xác định chỉ số carbonyl và chỉ số peroxyd.
Chỉ số carbonyl
Không quá 30,0. Xác định theo phương pháp sau:
Cân chính xác 0,02 g dầu vào bình định mức 25,0 ml, thêm benzen (TT) để hoà tan và pha loãng đến vạch với cùng dung môi. Lấy chính xác 5,0 ml dung dịch này vào bình nón 25 ml có nút mài , thêm 3 ml dung dịch acid tricloroacetic 4,3% trong benzen (TT) và 5 ml dung dịch 2,4-dinitrophenylhydrazin 0,05% trong benzen (TT), trộn đều, đun 30 phút trong cách thuỷ 60 oC, để nguội, thêm từ từ dọc theo thành ống nghiệm 10 ml dung dịch kali hydroxyd 4% trong ethanol (TT), đậy nút bình nón, lắc kỹ trong 1 phút, để yên 10 phút. Tiến hành đo độ hấp thụ của dung dịch thu được (Phụ lục 4.1) tại bước sóng 453 nm, tính chỉ số carbonyl theo công thức sau:
A
Chỉ số carbonyl = ———————– x 1000
854 x G x V2/V1
Trong đó: A là độ hấp thu của chất kiểm tra
G là khối lượng của mẫu thử
V1 là tổng thể tích đã pha loãng của dung dịch chất thử
V2 là thể tích dung dịch chất thử dùng để pha dung dịch đo độ hấp thụ
854 là giá trị trung bình của hệ số hấp thụ phân tử của aldehyd.
Chỉ số peroxyd
Không quá 0,26. Xác định theo phương pháp sau:
Lấy 3 g dầu vào một bình nón 250 ml, thêm 30 ml hỗn hợp cloroform (TT) : acid acetic băng (TT) (1 : 1), lắc cho tan hoàn toàn. Thêm chính xác 1 ml dung dịch kali iodid bão hoà (TT) mới pha, đậy kín, lắc nhẹ trong 30 giây, để yên ở chỗ tối 3 phút, thêm 100 ml nước. Chuẩn độ bằng dung dịch natri thiosulfat 0,005 M (CĐ) đến khi có màu vàng nhạt, thêm 1 ml hồ tinh bột (CT), tiếp tục chuẩn độ đến mất màu xanh. Song song tiến hành 1 mẫu trắng. Tính chỉ số peroxyd theo công thức sau:
(A – B) x 0,005 x 0,1269
Chỉ số peroxyd = ——————————- x 100
G
Trong đó:
A là thể tích dung dịch natri thiosulfat 0,005 M (CĐ) đã dùng với mẫu thử (ml)
B là thể tích dung dịch natri thiosulfat 0,005 M (CĐ) đã dùng với mẫu trắng (ml)
G là khối lượng chất kiểm tra (g).
0,1296 là lượng iod (g) tương đương với 1 ml dung dịch natri thiosulfat 1 M.
Tạp chất
Không quá 1% (Phụ lục 12.11).
Chế biến
Thu hoạch vào mùa thu và mùa đông. Khi hạt chín, thu hái “quả”, lấy hạt phơi khô.
Bào chế
Bá tử nhân: Loại bỏ tạp chất và vỏ “quả” còn sót lại.
Bá tử sương: Lấy Bá tử nhân sạch, giã nát, gói vào giấy thấm, sấy cho hơi khô, ép bỏ hết dầu, giã nhỏ.
Bảo quản hạt bá tử nhân
Để nơi khô, mát, tránh nóng và mốc, mọt.
Tính vị, quy kinh
Cam, bình. Vào các kinh tâm, thận, đại trường.
Công năng, chủ trị hạt bá tử nhân
Dưỡng tâm, an thần, chỉ hãn, nhuận tràng. Chủ trị: Hư phiền mất ngủ, hồi hộp đánh trống ngực, âm hư, ra mồ hôi trộm, táo bón.
Cách dùng, liều lượng
Ngày uống 3 – 12 g.