Hạt khiếm thực

Hạt của quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Khiếm thực (Euryales ferox Salisb.), họ Súng (Nymphaeaceae).

Mô tả Hạt khiếm thực:

Hình cầu, đường kính 5 – 8 mm, phần lớn là hạt vỡ. Vỏ hạt màu đỏ nâu, một đầu màu trắng vàng, chiếm độ 1/3 hạt, có vết lõm là rốn hạt dạng điểm. Khi bỏ vỏ lụa hạt sẽ hiện màu trắng, chất tương đối cứng. Mặt gẫy màu trắng, chất bột. Không mùi, vị nhạt.

Hạt khiếm thực

Hạt khiếm thực

Bột:

Màu trắng ngà, vị nhạt. Soi dưới kính hiển vi thấy: Nhiều hạt tinh bột hình cầu, đường kính 1 – 3 µm, rốn hạt không rõ, bề mặt hạt không nhẵn. Nhiều hạt tinh bột tập trung thành khối lớn, các mảnh vỏ hạt màu nâu đỏ.

Độ ẩm:

Không quá 13% (1 g, Phụ lục 9.6, 105 oC, 4 giờ)

Tạp chất (Phụ lục 12.11):

Tỷ lệ nhân hạt biến màu : Không quá 1%
Tạp chất khác : Không quá 0,5%

Tỷ lệ vụn nát:

Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm: Không quá 30% (Phụ lục 12.12).

Chế biến:

Thu hoạch vào cuối thu đầu đông. Thu hái quả chín, loại bỏ vỏ quả, lấy hạch cứng, rửa sạch, loại bỏ vỏ cứng, lấy hạt, phơi khô.

Bào chế:

Dùng hạt khô sống hoặc sao
Khiếm thực sao : Lấy cám rang nóng đợi lúc khói bay lên, cho Khiếm thực sạch vào, sao cho tới màu hơi vàng, lấy ra sàng bỏ cám, để nguội (10 kg Khiếm thực cần 1 kg cám)

Bảo quản:

Để nơi thoáng khô, tránh mọt

Tính vị, quy kinh:

Vị ngọt chát, tính bình. Vào các kinh tỳ, thận

Công năng, chủ trị Hạt khiếm thực:

Ích thận, cố tinh, kiện tỳ, trừ thấp nhiệt, chỉ tả, ngừng đới hạ. Chủ trị: Mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, bạch trọc, đới hạ, tỳ hư, tiêu chảy lâu ngày, di niệu

Cách dùng, liều lượng:

Ngày dùng 9 – 15 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các loại thuốc khác.

Kiêng kỵ:

Đại tiện táo bón, tiểu tiện bí không nên dùng.