Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình Ngân hàng bò

Sáng 5/9, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình Ngân hàng bò. Đây sẽ là cuốn cẩm nang dành cho các cấp Hội áp dụng trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Ngân hàng bò tại địa phương. Dự kiến Sổ tay sẽ gồm các phần: Hướng dẫn quy trình thực hiện và quản lý quỹ bò, hướng dẫn công tác tài chính và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò.

Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban điều hành Chương trình Ngân hàng bò, đại diện các bộ, ngành liên quan: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Tài chính và lãnh đạo một số Ban, đơn vị Trung ương Hội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Hồng An, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trưởng Ban điều hành Chương trình Ngân hàng bò – đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của các cấp Hội Chữ thập đỏ trong việc thực hiện một Chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, đã hỗ trợ sinh kế cho hơn chục nghìn hộ gia đình nghèo ở các huyện nghèo, xã biên giới của Việt Nam, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Bên cạnh những thuận lợi, Chương trình còn gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai, đòi hỏi Trung ương cần có hướng dẫn, chỉ đạo sát sao, kịp thời đối với các các cấp Hội cơ sở. Qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình tại một số địa phương vẫn còn tình trạng một số cấp Hội chưa thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương Hội.

Những ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo tập trung vào các vấn đề như: Có cần thiết thành lập Ban Quản lý các cấp (tỉnh, huyện, xã) hay không? Việc lựa chọn hình thức mua bò trong dân và mua bò tập trung cần được tiến hành như thế nào? Tiêu chuẩn bò giống khi chọn mua nên như thế nào để đảm bảo phù hợp với giá cả thị trường và chất lượng bò giống? Việc quản lý quỹ bò sẽ do cấp nào quản lý và giải quyết các trường hợp rủi ro, bất khả kháng trong quá trình chăn nuôi bò. Liên quan đến công tác tài chính, Hội thảo cũng mong muốn qua đây sẽ chuẩn hóa các thủ tục và biểu mẫu tài chính, giúp các cấp Hội bớt lúng túng trong việc triển khai hoạt động, đảm bảo tính công khai, minh bạch của Chương trình. Riêng đối với các trường hợp đặc thù tại địa phương, các cấp Hội có thể giải quyết theo cơ chế đặc thù sau khi xin ý kiến Hội cấp trên bằng văn bản.

Theo bà Trần Thị Hồng An, từ nay đến cuối năm 2014, toàn Hội sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành mục tiêu mà Chương trình đã đặt ra trong năm 2013-2014, phấn đấu tặng 10 con bò giống/ xã biên giới, 100 con bò/huyện nghèo. Dự kiến kết thúc Chương trình, Dự án sẽ tiến hành đánh giá độc lập đối với tác động của Dự án trong việc hỗ trợ người dân thoát nghèo, từ đó đánh giá đúng hiệu quả của Dự án, làm cơ sở kêu gọi, vận động nguồn lực cho các Chương trình tiếp theo. Trước mắt, Trung ương Hội đang triển khai xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu tổ chức và quản lý Chương trình nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện, đặc biệt là với các nhà tài trợ.