Nhiều bà nội trợ cứ nghỉ chế biến món chay vô cùng dễ làm và dễ hơn cả làm món mặn. Hoàn toàn sai lầm nhé các bạn. Tuy không phải mất thời gian như chế biến món mặn như: ướp thịt, làm sạch cá,… Đối với món chay chỉ cần bạn sơ xuất có thể sẽ mất đi các chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Sau đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu làm thế nào có thể chế biến được các món ăn chay ngon và bổ dưỡng nhé các bạn.
1. Nguyên liệu
Do không được chế biến từ nhóm thực phẩm có nguồn gốc từ động vật nên để đảm bảo dinh dưỡng trong các món chay bạn nên chú ý tới khâu lựa chọn nguyên liệu. Cách tốt nhất bạn nên phối hợp nhiều loại thực phẩm khi chế biến. Đối với những người ăn chay, nấm là thực phẩm được sử dụng nhiều nhất trong các nồi lẩu chay, món salad nấm kim châm, mướp xào nấm, canh nấm rau non.
Ngoài ra, cải thảo cũng được xếp vào nhóm chứa nhiều dưỡng chất có lợi như vitamin A, B, C, E và dễ chế biến. Bạn có thể dùng cải thảo chế thành món kim chi lạ miệng, nguyên liệu cho nồi lẩu thập cẩm chay hoặc luộc, xào như các loại rau thông thường.
Súp lơ là thực phẩm dễ kiếm, giá rẻ song rất tốt cho sức khỏe như trị táo bón, tăng cường chức năng hoạt động của xương, tim… Với nguyên liệu này, bạn có thể chế biến thành những món ngon như súp lơ xào, salad súp lơ, thành phần cho nồi lẩu chay nóng hổi.
Các loại thực phẩm có vị ngọt giống như thịt không chỉ mang lại cảm giác ngon miệng và giúp món ăn thêm đậm đà. Vị ngọt thịt có nhiều trong măng tây, cà chua, tảo biển, đậu, bắp và hành tây.
Những thực phẩm hơi dai như mì căn, đậu hũ chiên, đậu hũ nướng, nấm nướng, các loại đậu, măng khô, ngũ cốc nguyên hạt,… vừa no lâu, vừa tạo cảm giác như nhai thịt sẽ làm người ăn hứng thú hơn.
2. Gia vị
Món chay thường có vị thanh nên việc lựa chọn gia vị để nêm nếm là rất quan trọng. Để có thể “tiệm cận” với món mặn, món chay cũng cần cách ướp gia vị tựa như món mặn, chỉ khác nhau ở mức độ gia giảm vừa phải. Đối với món chay, gia vị tạo vị như muối, đường, nước tương, hạt nêm… chỉ là phần nền cho món ăn, nếu chỉ sử dụng những loại gia vị này thì món ăn rất đơn điệu. Vì vậy, cần sử dụng thêm gia vị tạo mùi và tạo màu để món ăn thêm đặc sắc.
Các gia vị tạo mùi có nguồn gốc thực vật từ thiên nhiên như bột cà ri, bột ngũ vị hương, bột quế, tương bần, chao, dầu mè, sả, ớt, tiêu, rau thơm… giúp người ăn thêm ngon miệng, có cảm giác như đang ăn món mặn. Ngoài ra, gia vị tạo màu như bột nghệ, gấc, lá dứa, màu điều, cà rốt, củ dền… làm món ăn phong phú về màu sắc và thêm hấp dẫn hơn.
3. Ướp thực phẩm
Nếu các món mặn cần thời gian ướp lâu để gia vị có thể thấm đều thì các món ăn chỉ nên ướp trong một khoảng thời gian vừa phải để thực phẩm không bị “ê” và giảm mất độ tươi ngon.
4. Nấu
Một lưu ý khi nấu các món ăn chay là tránh nấu quá chín để đảm bảo vitamin và khoáng chất trong rau củ không bị hao hụt nhiều, đồng thời tạo được độ dai cho thức ăn. Mặt khác, bạn không nên nấu thức ăn trên lửa quá lớn; với những món hầm, kho, sau khi sôi, nhanh chóng hạ lửa để thức ăn được chín đều và không bị khô.
Trên đây là quá trình để thực hiện những món chay mà chúng tôi đã chia sẻ với các bạn. Còn chờ gì nữa mà không bắt tay vào làm những món chay thật ngon và bỗ dưỡng cho gia đình nào các bạn.
Nguồn: thucphamantoan