Làm thế nào để chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách?

Đối với các bà nội trợ điều quan trọng nhất đó là làm thế nào để chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách để không bị hỏng hay quá hạn sử dụng từ lúc nào không biết. Nhiều chị em phụ nữ cũng khá đau đầu về vấn để này, vì thế trong bài viết sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn một số mẹo giúp chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách

1. Nếu muốn giữ được bông cải màu xanh tươi đẹp khi hấp, bạn nên mở nắp nhiều lần trong quá trình hấp để giải phóng nước không làm bông cải xỉn màu. Ngoài ra, chỉ nên hấp bông cải trong khoảng sáu phút, để lâu quá bông cải mềm dập ăn không ngon.

cach-lam-muc-tron-bong-cai-xanh-hap-dan-3

2. Các loại đậu luôn có tác dụng tốt cho sức khỏe nên thường được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, bạn cần chú ý, trong đậu đỏ, đậu trắng có chứa chất phytohaemagglutinin có thể gây ngộ độc, vì thế bạn nên ngâm đậu cho mềm trước khi nấu, đậu sẽ chín đều hơn. Tương tự, trong khoai mì có chứa chất cyanogenic glycoside, nếu không nấu chín, hoạt chất này sẽ chuyển thành hydrogen cyanide gây ngộ độc. Vì vậy, nên gọt vỏ, ngâm, rửa khoảng 15 phút trước khi nấu, và nấu thật kỹ.

3. Theo kết quả giám sát về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả của Cục Bảo vệ thực vật, quả nho tươi dẫn đầu nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm do có nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản. Vì thế, bạn hãy ngâm rửa nho trong dung dịch làm sạch rau củ quả hoặc dùng nước muối để làm sạch.

4. Khi chỉ sử dụng một nửa củ hành tây, bạn dùng ít bơ chà xát lên nửa còn lại, hành sẽ giữ tươi lâu hơn trong tủ lạnh.

5. Nếu xà lách, rau diếp có nguy cơ bị hư, ngả màu, bạn có thể vắt nửa quả chanh vào thau nước lạnh, cho rau vào ngâm khoảng một giờ, sau đó lấy ra vẩy thật khô, rau sẽ có màu tươi trở lại.

6. Nếu muốn bắp có vị ngọt thanh, khi luộc cho ít đường phèn vào. Đừng tưởng rằng cho muối vào bắp khi luộc sẽ giữ bắp lâu thiu hơn, ngược lại bắp sẽ bị cứng hơn. Nếu sau khi luộc không dùng ngay, bạn hãy cho bắp vào tủ lạnh sẽ giữ được hương vị mà không sợ hư.

cach-luoc-ngo-cuc-ngon-cho-ban

7. Để lột vỏ cà chua dễ dàng, bạn cho quả cà chua vào lò vi sóng khoảng 30 giây ở nhiệt độ cao và tiếp tục để thêm khoảng hai phút rồi lột vỏ.

8. Ướp mực với một chút dầu ăn để tránh mực dính vỉ, đồng thời để mực nướng được giòn. Sau khi rửa sạch mực, bạn vắt mực thật ráo bằng khăn sạch (loại vải mùng) hoặc dùng khăn giấy thấm mực cho khô rồi mới nướng.

9. Khi nướng thịt có tẩm ướp mật ong, bạn nên nướng ở nhiệt độ thấp để món ăn có màu đẹp, bởi mật ong dễ làm thực phẩm cháy đen, sậm màu.

10. Bạn có thể khử mùi của thịt dê bằng cách: sau khi rửa sạch thịt dê, bỏ vào nồi cùng vài lát dưa chuột bóp đều cùng với thịt, nước của dưa chuột sẽ làm mất mùi đặc trưng của thịt dê. Bạn cũng nên dùng các loại gia vị như gừng, sả, riềng… khi chế biến món ăn này để át đi mùi của thịt.

11. Muốn cá chiên giòn ngon phải để một mặt cá chín đều rồi mới trở, không trở qua trở lại nhiều lần. Ngoài ra, trước khi chiên, nếu lăn cá sơ qua bột năng, chiên trong chảo dầu thật nóng thì món cá chiên có thể để bên ngoài vài giờ vẫn ngon. Để cá không bị tanh sau khi chế biến, bạn cần lấy sạch gân máu trên mình cá.

12. Món chả tôm thường bị bở dù bạn giã rất lâu, nguyên nhân là do nước còn ứ lại trong con tôm. Vì thế, sau khi làm sạch (rửa và lột vỏ), cho ít muối vào trộn đều. Dùng khăn vải mùng vắt cho thật ráo nước (con tôm càng khô càng tốt) rồi sau đó mới cho vào giã.

13. Để rã đông thực phẩm trong ngăn đông, bạn ngâm vào nước lạnh, hoặc dưới vòi nước. Hoặc bạn cũng có thể chuyển sản phẩm xuống ngăn mát tủ lạnh. Đây là phương pháp được xem là tối ưu và an toàn nhất nhưng tốn nhiều thời gian. Sản phẩm được rã đông dần tron

Một cách khác bạn cũng có thể rã đông trong lò vi sóng. Phương pháp này được áp dụng cho thực phẩm được chế biến ngay vì một phần thịt có thể đã hơi bị chín. Nếu dùng không hết, có thể bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh với điều kiện phải nấu chín lại thực phẩm.

14. Muốn bảo quản thức ăn đã nấu chín trong ngăn mát của tủ lạnh bạn nên để nguội hẳn, đậy kín rồi mới cho vào tủ lạnh. Cần bảo quản thức ăn sống và thức ăn đã nấu chín vào những hộp riêng biệt, tuyệt đối tránh bảo quản hai loại thực phẩm này chung với nhau mà chưa được đậy kín. Việc bảo quản thức ăn kín sẽ giúp thức ăn không bị khô, bốc mùi và nhiễm các vi sinh vật.

Trên đây là những mẹo giúp các bà nội trợ có thể bảo quản thực phẩm mà không sợ bị hỏng. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn đọc. Xin cảm ơn đã theo dõi và đừng quên theo dõi những mẹo vặt gia đình khác tại chuthapdo.org.vn nhé các bạn.

Nguồn: thucphamantoan