Liệt dây thần kinh VII Ðông y gọi là “khẩu nhãn oa tà”. Ðây là tình trạng trúng phong ở kinh lạc. Nguyên nhân do phong hàn xâm nhập kinh lạc, làm cho khí huyết trở trệ, kinh lạc bế tắc mà gây ra…
Nguyên tắc chữa trị là ôn kinh tán hàn, dẹp phong dưỡng huyết. Bệnh nhân nếu được điều trị sớm, kết hợp các phương pháp trị liệu sẽ đem lại hiệu quả cao.
Thuốc uống: dùng một trong các bài.
Bài 1: phòng phong 10g, kinh giới 12g, lá lốt 12g, nam tục đoạn 16g, đơn đại hoàng 12g, tang ký sinh 16g, quế chi 8g, thiên niên kiện 10g, phòng sâm 12g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 16g, sinh khương 4g, kê huyết đằng 12g, trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Công dụng: ôn kinh tán hàn, thông hoạt kinh lạc.
Bài 2: nam tục đoạn 16g, đơn hoa 12g, thổ phục linh 16g, lá đơn mặt trời (sao vàng hạ thổ) 16g, rễ bưởi bung 12g, rễ cây xấu hổ 16g, ngũ gia bì 16g, cát căn 16g, cẩu tích 10g, thạch xương bồ 12g, độc lực 12g, quế chi 8g, thiên niên kiện 10g, sinh khương 4g, trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần. Gia giảm: Nếu đau ngực, khó thở, gia: đan sâm 16g, đinh lăng 16g, tang diệp 16g. Nếu trằn trọc khó ngủ, gia: tâm sen, phục thần, mỗi vị 10g. Công dụng: khu phong, tán hàn, thông kinh hoạt lạc, bổ thần kinh.
Thuốc xoa bóp gồm các vị: xuyên khung, bạch chỉ, tế tân, quế chi, thiên niên kiện, kê huyết đằng, trần bì, phá cố chỉ, rễ cây độc lực, hoa hồi, mỗi vị 15g. Các vị thái nhỏ, cho vào chai thủy tinh, đổ ngập rượu để ngâm, sau 10 ngày là dùng được. Cách dùng: lấy bông tẩm thuốc xoa vào nơi bị tổn thương.
Bài thuốc chườm: lá đơn đại hoàng, lá kinh giới, lượng bằng nhau. Hai thứ giã nhỏ, sao rượu. Gói thuốc vào miếng vải, chườm vào vùng đầu mặt, thái dương, cổ gáy…
Bấm huyệt xoa bóp: tiến hành các thủ thuật:
Xoa, miết, day vùng trán, thái dương, vùng mặt, cổ, gáy, vùng xung quanh tai.
Bấm các huyệt: hạ quan, giáp xa, địa thương, thái xung, hợp cốc. Bấm bên đối diện bên đau. Kỹ thuật bấm: ngón cái tay phải để đúng huyệt vuông góc với mặt da, các ngón khác tỳ trên da làm điểm tựa. Ngón cái bấm thẳng xuống, lúc đầu nhẹ, rồi ấn mạnh dần, tới mức bệnh nhân chịu đựng được, cố gắng giữ nguyên lực bấm, xoay và di đầu ngón tay. Có thể dùng ngón cái và ngón trỏ tay trái cầm ôm lấy thân ngón cái tay phải để làm nhiệm vụ hỗ trợ điều chỉnh lực bấm. Tác dụng của bấm huyệt: nạp khí, ôn ấm kinh lạc, chống co cứng, lập lại trạng thái sinh lý bình thường. Phương pháp này làm đúng kỹ thuật là rất quan trọng.
Vị trí huyệt
Hạ quan: khi ngậm miệng lại, huyệt ở chỗ lõm phía trước tai, dưới xương gò má, nơi góc phía trước của mỏm tiếp xương thái dương và lồi cầu xương hàm dưới.
Giáp xa: cắn chặt răng lại, huyệt ở trước góc hàm và ở trên bờ dưới xương hàm
Ðịa thương: cách khóe miệng 0,4 tấc, hoặc trên đường ngang qua mép và rãnh mép mũi, nơi đan chéo của cơ vòng môi, cơ gò má lớn.
Thái xung: dùng đầu ngón tay cái miết từ kẽ ngón chân cái và ngón chân thứ hai lên trên, khi ngón tay mắc lại cho vướng vào kẽ của hai xương bàn chân thì đấy chính là huyệt
Hợp cốc: khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.
Theo Lương y Thanh Ngọc