Một số bài thuốc đông y – món ăn trị đau lưng

YHCT (Y học cổ truyền) gọi đau lưng là chứng yêu thống và có những nguyên nhân khác nhau gây nên chứng yêu thống như: hàn thấp, thấp nhiệt, thận dương hư, thận âm suy, ứ huyết.
YHCT có những bài thuốc cũng như món ăn và phương thuốc dùng ngoài cho chứng yêu thống.

Đuôi lợn

Đuôi lợn nấu với đậu đen tốt cho người đau lưng do thận âm suy

Những bài thuốc:

Yêu thống do hàn thấp: đau lưng tăng lên khi trời lạnh, cảm giác sợ lạnh, tiểu trong, rêu lưỡi trắng dày. Dùng bài thuốc sau:
Độc hoạt 12g, tang ký sinh 12g, đỗ trọng 12g, phục linh 12g, tế tân 2g, xuyên khung 6g, ngưu tất 12g, cam thảo 4g, tần giao 8g, đương quy 12g, thục địa 12g, đẳng sâm 12g, nhục quế 4g, bạch thược 12g, phòng phong 12g.
Yêu thống do thấp nhiệt: thường gặp trong đau lưng cấp tính hoặc đợt cấp của đau lưng mạn tính. Có hiện tượng sưng đỏ. Bệnh nhân sốt, cảm giác bứt rứt, tiểu ít, tiểu đỏ, tiểu gắt, rêu lưỡi vàng nhớt. Có thể dùng bài thuốc sau:
Hoàng bá 12g, thương truật 12g, đương quy 12g, ngưu tất 12g, phòng kỷ 8g, tỳ giải 12g, quy bản 12g.
Yêu thống do thận dương hư: đau lưng kèm theo chân tay mát lạnh, sợ lạnh, nước tiểu trong, sắc lưỡi nhạt. Dùng bài thuốc sau:
Thục địa 30g, sơn thù 12g, hoài sơn 12g, câu kỷ tử 12g, thỏ ty tử 12g, lộc giác giao 10g, đỗ trọng 12g, phụ tử 2g, nhục quế 2g, đương quy 12g.
Yêu thống do thận âm suy: đau lưng, lòng bàn tay và bàn chân nóng, nóng bứt rứt, hay ra mồ hôi về đêm, sốt về chiều, họng khô, tiểu vàng, sắc lưỡi đỏ. Trong trường hợp này có thể dùng bài thuốc sau:
Thục địa 30g, sơn thù 12g, hoài sơn 12g, câu kỷ tử 12g, thỏ ty tử 12g, lộc giác giao 10g, quy bản 12g, ngưu tất 12g.
Yêu thống do ứ huyết: vị trí đau cố định. Thường gặp những người lao động quá sức khiến cột sống bị chấn thương hoặc do té ngã, bị đánh.Dùng bài thuốc sau:
Đào nhân 12g, địa long 6g, đương quy 12g, hồng hoa 4g, hương phụ 12g, nhũ hương 6g, khương hoạt 12g, chích thảo 4g, ngũ linh chi 6g, ngưu tất 12g, tần giao 12g.
Bài thuốc đơn giản dùng ngoài: lấy một nắm ngải cứu xào với dấm. Dùng vải bọc lại, áp lên vùng lưng đau.
Hoặc rang một nắm muốt hột, cho vào túi vải và áp lên nơi bị đau nhức.

Món ăn tốt cho người bị đau lưng:

Rắn hầm hoàng kỳ: chọn rắn còn sống, cho vào bình kín, chế nước sôi vào cho rắn chết. Lấy rắn ra, chặt bỏ đầu, đuôi, mổ bỏ phủ tạng, tách hết mỡ, chặt thành khúc. Lấy 200g thịt rắn ướp hỗn hợp gia vị gồm bột nêm, tiêu, hành, đường, nước tương trong thời gian 30 phút. Bắc chảo lên bếp, chế dầu đậu nành vào, cho hành băm nhuyễn vào, phi lên cho thơm. Cho thịt rắn vào, xào sơ qua. Khi cảm nhận được mùi thơm của thịt rắn, chế vào khoảng một chén nước hầm xương gà, cho thêm vào 40g hoàng kỳ. Hầm cho đến khi thịt rắn chín.
Rượu tam xà: làm sạch ba con rắn gồm 1 con hổ mang, 1 cạp nong, 1 rắn ráo. Rửa qua bằng rượu. Sau đó cho vào chiếc hũ lớn, chế 5 lít rượu ngon vào. Có thể thêm vài dược liệu vào như hà thủ ô, kê huyết đằng, thiên niên kiện, ngũ gia bì. Sau 3 tháng có thể sử dụng được.
Theo Đông y, thịt rắn vị ngọt, tính ấm, vào kinh can và tỳ, có tác dụng trị chứng đau lưng do phong hàn thấp gây nên.
Thịt bò cuốn lá lốt nướng: nguyên liệu: thịt bò 100g được thái thành những miếng mỏng, khoảng 10 chiếc lá lốt to bản. Trước tiên ướp thịt bò với gia vị (nước mắm, tiêu, đường, bột nêm, hành) trong thời gian 30 phút. Dùng lá lốt để cuộn thịt bò. Dùng que xiên để xâu các cuốn thịt bò với nhau rồi đặt các que xiên trên bếp than và nướng chín. Theo y học cổ truyền, lá lốt có vị cay, tính ấm, có tác dụng giảm đau (chỉ thống), làm mạnh tỳ vị (giúp ích cho sự tiêu hóa), trừ chứng đau lưng do phong hàn thấp gây nên.
Đuôi lợn nấu với đậu đen: đuôi lợn một cái rửa sạch, chặt thành khúc, ướp gia vị (bột nêm, nước tương, hành, đường, tiêu) trong thời gian 30 phút. Sau đó hầm với các dược liệu sau: đậu đen 50g, ý dĩ 12g, tục đoạn 10g, đỗ trọng 20g.
Trong Đông y, đậu đen có vị hơi ngọt, hơi hàn, có tác dụng dưỡng âm bổ thận; ý dĩ có vị ngọt, tính mát, bổ tỳ, lợi niệu, thanh nhiệt. Vì thế, món đuôi lợn nấu với đậu đen dùng tốt cho người đau lưng do thận âm suy hoặc do thấp nhiệt gây nên.

Theo BS. HỒ ĐĂNG KHOA(sức khỏe đời sống)