Những triệu chứng hậu COVID-19 có thể kéo dài 2-4 tuần, thậm chí là 3-6 tháng hoặc lâu hơn nữa. Nếu không chữa trị kịp thời sẽ để lại những hậu quả khó lường.
Triệu chứng có thể kéo dài 6 tháng
Sau thời gian điều trị mắc COVID-19, mặc dù người bệnh đã phục hồi và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, nhưng có thể vẫn bị tác động từ những di chứng, biến chứng, sự tổn thương mà COVID-19 để lại.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hội chứng COVID-19 kéo dài (hậu COVID-19) là tình trạng bệnh nhân mặc dù đã hồi phục khỏi COVID-19 cấp tính nhưng các triệu chứng vẫn còn kéo dài trên 4 tuần kể từ lúc khởi phát nhiễm trùng. Các triệu chứng này có thể đã có từ đợt bệnh cấp hoặc xuất hiện sau khi hồi phục. Từ 20 đến 96% bệnh nhân COVID-19 đã khỏi đều có thể mắc các triệu chứng cũ hoặc vấn đề về tim hay đông máu.
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Chăm sóc sức khoẻ hậu COVID-19, phát huy nội lực của người dân và doanh nghiệp” do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Bay – nguyên Trưởng Cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho hay, hiện nay các định nghĩa và thời gian diễn ra về tình trạng hậu COVID-19 vẫn còn chưa thống nhất giữa các hiệp hội, tổ chức trên thế giới, tuy nhiên tất cả đều thống nhất là có triệu chứng này.
Thời gian diễn tiến có thể trên 4 tuần đến 6 tháng, cũng có nghiên cứu cho rằng khó có thể xác định thời gian kết thúc, tuy nhiên thông thường nhất là triệu chứng trong vòng khoảng 3 tháng đầu.
Một số triệu chứng dai dẳng trong giai đoạn hồi phục sau COVID-19 như ho, nặng ngực, khó thở, mất mùi, mệt mỏi, rối loạn tâm thần, mất ngủ, đau, khó khăn khi vận động…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bay, dù trải qua giai đoạn là F0 rất nhẹ thậm chí không có triệu chứng nhưng sau khi khỏi thì nhiều người vẫn gặp triệu chứng mệt mỏi kéo dài, nguyên nhân do diễn tiến của SARS-CoV-2 chiếm quyền của 1 số tế bào, hạn chế sự lưu thông cũng như cung cấp oxy cho toàn cơ thể.
Với góc điều trị của Y học cổ truyền, PGS.TS Nguyễn Thị Bay cho rằng trong điều trị triệu chứng hậu COVID-19 cần có sự kết hợp giữa Đông y và Tây y để hỗ trợ người bệnh phục hồi sức khoẻ, đặc biệt có rất nhiều thực phầm hằng ngày có thể hỗ trợ điều trị mà không cần dùng tới thuốc.
Còn TS-BS CKII Phan Minh Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp, SARS-CoV-2 gây tổn thương đa cơ quan, trong đó chính yếu là tổn thương cơ quan hô hấp và một số nhóm cơ quan khác như thận, não, tim…
Một trong những biến chứng nặng nề thường gặp khác là rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ và nhận thức của bệnh nhân.
Thậm chí, các chuyên gia còn chỉ ra rằng rất nhiều trường hợp đã tìm đến tự tử sau giai đoạn điều trị COVID-19.
Ngoài ra, các bác sĩ nhấn mạnh tới điều trị hậu COVID-19 cần quan tâm tới việc tập thể dục ngoài nâng cao sức khoẻ thì sẽ giúp bệnh nhân có tinh thần thoải mái hơn. Bệnh nhân cần được chăm sóc kĩ lưỡng về chế độ dinh dưỡng, khám sức khoẻ định kỳ 1-3-6 tháng hoặc khi thấy bất thường ảnh hưởng tới sức khoẻ thì tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và hỗ trợ điều trị.
Những đối tượng nào dễ mắc?
Tất cả bệnh nhân F0 cấp tính đều có thể mắc hội chứng COVID-19 kéo dài, bao gồm người không triệu chứng tới bệnh nhân rất nặng phải điều trị trong đơn vị chăm sóc tích cực (ICU).
Theo số liệu thống kê ở Anh, tính đến ngày 1.8, khoảng 970.000 người, tương đương 1,5% dân số, mắc hội chứng COVID-19 kéo dài. Tất cả các biến thể gây bệnh COVID-19 cấp gồm Alpha, Beta, Gamma, Zeta, Theta và Kappa, Eta và Delta, Lambda đều có thể gây ra hội chứng hậu COVID-19.
Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y khoa E Clinical Medicine của The Lancet hồi giữa tháng 7.2021, đưa ra những dữ liệu toàn diện về các triệu chứng dai dẳng hậu COVID-19. Nghiên cứu này khảo sát 3.762 bệnh nhân COVID -19 tại 56 quốc gia, từ tháng 12.2019 đến tháng 5.2020 cho thấy, trung bình bệnh nhân gặp 56 triệu chứng khác nhau.
Thống kê, có tổng cộng 203 loại di chứng ảnh hưởng đến 10 cơ quan của cơ thể, trong đó có 1/3 triệu chứng tiếp tục ảnh hưởng đến người bệnh trong ít nhất 6 tháng kể từ khi khỏi COVID -19. Khoảng 22% số người được khảo sát cho biết họ không thể làm việc hoặc bị sa thải sau khi mắc COVID-19; 45% người phải giảm cường độ làm việc.
Xem thêm: