Rửa dạ dày cấp cứu, hay bơm dạ dày, là một thủ thuật mà bác sĩ có thể thực hiện để làm rỗng các chất chứa trong dạ dày một cách nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp. Rửa dạ dày thành công nhất nếu được thực hiện trong vòng bốn giờ sau khi ăn phải một chất độc. Một khi chất độc hoạt động sâu hơn vào đường tiêu hóa, thực hiện quy trình này sẽ không loại bỏ được nó. Vậy, rửa dạ dày cấp cứu là thủ thuật như thế nào?
1. Rửa dạ dày là gì?
Rửa dạ dày cấp cứu, hoặc bơm dạ dày, là một thủ thuật mà bác sĩ có thể thực hiện để làm rỗng các chất chứa trong dạ dày một cách nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp. Thủ thuật này còn được gọi là rửa dạ dày và đặt ống thông mũi dạ dày.
Xem thêm: đau bao tử uống thuốc gì
2. Rửa dạ dày cấp cứu được sử dụng khi nào?
Bác sĩ có thể yêu cầu rửa dạ dày cấp cứu nếu bạn nuốt phải chất độc hoặc sử dụng quá liều thuốc. Nếu bạn bị ngộ độc thực phẩm, hóa chất, chẳng hạn như hóa chất gia dụng, hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Rửa dạ dày thành công nhất nếu được thực hiện trong vòng bốn giờ sau khi ăn phải một chất độc. Một khi chất độc hoạt động sâu hơn vào đường tiêu hóa, thực hiện quy trình này sẽ không loại bỏ được nó.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định rửa dạ dày sau một số cuộc phẫu thuật trên vùng bụng, chẳng hạn như cắt dạ dày. Thủ thuật này bao gồm việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Rửa dạ dày có thể giúp giữ cho dạ dày trống rỗng trong khi chữa bệnh. Trong trường hợp này, bạn sẽ không ăn thức ăn đặc, vì vậy, chỉ những chất lỏng loãng mới đi vào dạ dày. Mức độ hút thấp sẽ được sử dụng để loại bỏ chất lỏng.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng phương pháp rửa dạ dày để:
- Thu thập một mẫu axit dạ dày.
- Giảm áp lực lên ruột nếu chúng bị tắc nghẽn.
- Hút ra máu nếu bạn bị xuất huyết dạ dày.
- Làm sạch dạ dày nếu bạn nôn ra máu trong khi nội soi đường tiêu hóa trên, đây là một thủ thuật mà bác sĩ sẽ đưa một ống soi xuống thực quản để kiểm tra đường tiêu hóa trên.
- Để thực hiện phẫu thuật một cách an toàn và hạn chế nguy cơ viêm phổi do hít phải.
- Giải áp dạ dày trong quá trình thông khí hỗ trợ trong bệnh viện.
3. Bạn chuẩn bị như thế nào để rửa dạ dày?
Nếu bạn đang rửa dạ dày vì ngộ độc, dùng thuốc quá liều hoặc các tình huống khẩn cấp khác, bạn sẽ không có thời gian chuẩn bị trước. Tuy nhiên, nếu bác sĩ chỉ định rửa dạ dày để lấy mẫu axit dạ dày để xét nghiệm, họ có thể yêu cầu bạn nhịn ăn hoặc tránh dùng một số loại thuốc trước khi làm thủ thuật.
4. Rửa dạ dày được thực hiện như thế nào?
Trước khi làm thủ thuật, bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc để làm tê cổ họng. Điều này sẽ giúp giảm nôn và kích ứng. Sau đó, họ sẽ đưa một ống được bôi trơn vào miệng hoặc mũi và luồn nó xuống thực quản vào dạ dày. Thực quản là cơ quan nối liền miệng với dạ dày.
Bác sĩ có thể xịt nước hoặc dung dịch muối xuống ống trước khi hút. Dung dịch nước muối có thể giúp bảo vệ bạn chống lại sự mất cân bằng điện giải có thể xảy ra khi bác sĩ loại bỏ chất lỏng từ dạ dày. Sau đó, họ sẽ áp dụng lực hút để loại bỏ các chất trong dạ dày.
Nếu bạn được đặt ống trong khi đang hồi phục sau phẫu thuật vùng bụng, bác sĩ có thể sẽ để ống này trong khi bạn lành. Một y tá có thể sẽ thường xuyên tưới nước muối vào ống. Điều này giúp giữ cho ống thông thoáng và ngăn ngừa tắc nghẽn.
5. Rửa dạ dày có những rủi ro gì?
Thủ thuật này có thể không thoải mái. Bạn có thể cảm thấy muốn nôn khi họ đưa ống vào. Sau đó, vùng hầu họng có thể dễ bị kích thích.
Thủ thuật này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng hơn. Một trong những trường hợp phổ biến nhất là viêm phổi hít. Điều này xảy ra khi một số chất trong dạ dày đi vào phổi hoặc đường thở. Viêm phổi hít không được điều trị có thể dẫn đến sưng phổi, áp xe phổi hoặc viêm phổi do vi khuẩn. Các triệu chứng của viêm phổi hít phải bao gồm:
- Tức ngực.
- Thở khò khè.
- Ho có đờm.
- Kiệt sức.
- Sốt.
Nguy cơ này xảy ra nếu ống bị bung ra. Rửa dạ dày có thể bảo vệ bạn khỏi viêm phổi do hít phải bằng cách làm rỗng dạ dày trước khi chất chứa có thể đi vào đường hô hấp.
Các rủi ro khác khi rửa dạ dày bao gồm:
- Co thắt dây thanh âm, tạm thời ngăn cản quá trình thở bình thường.
- Ống thông đi vào đường thở thay vì thực quản.
- Thủng thực quản.
- Các chất trong dạ dày bị đẩy sâu hơn vào ruột.
- Chảy máu nhẹ.
Hãy hỏi ý kiến bác sĩ thật kỹ về thủ thuật này nếu bạn có ý định thực hiện. Họ có thể giúp bạn hiểu những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của thủ thuật.
Xem thêm: đơn thuốc trào ngược dạ dày