Virus bệnh đường hô hấp lây truyền từ người sang người chủ yếu qua các giọt nước chứa virus khi người bệnh nói, ho hoặc hắt hơi. Một trong những cách phòng tránh bệnh đường hô hấp đó chính là đeo hoặc bịt khẩu trang. Đối với các khẩu trang chuyên dụng như khẩu trang vải có thể dùng nhiều lần, vậy tại sao khẩu trang Y tế thì chỉ được dùng 1 lần rồi bỏ?
1. Khẩu trang Y tế là gì?
Khẩu trang Y tế (tên tiếng Anh là Facemask hoặc Surgical Mask) là thiết bị dùng một lần, lỏng lẻo, tạo ra một rào cản vật lý giữa miệng và mũi của người đeo và các vi sinh vật hoặc chất gây ô nhiễm tiềm ẩn trong môi trường. Khẩu trang không được dùng chung và được sử dụng khi phẫu thuật, cách ly, nha khoa hoặc chăm sóc y tế.
Khẩu trang được làm ở các độ dày khác nhau và với khả năng khác nhau để bảo vệ bạn khỏi tiếp xúc với chất lỏng. Những đặc tính này ảnh hưởng đến việc bạn có thể thở dễ dàng qua khẩu trang hay không và khẩu trang bảo vệ tốt như thế nào.
Nếu được đeo đúng cách, khẩu trang sẽ giúp chặn các giọt nước có thể chứa vi trùng (vi rút và vi khuẩn) bắn hoặc phun khi chúng ta ho hoặc hắt hơi và giữ các loại vi trùng này ở lại khẩu trang để không tiếp xúc trở lại với miệng và mũi của bạn. Khẩu trang cũng giúp bạn giảm tiếp xúc với các giọt nước bọt và dịch tiết đường hô hấp của người khác.
Mặc dù khẩu trang có thể có hiệu quả trong việc chặn các giọt nước, nhưng khẩu trang y tế không thể lọc hoặc chặn các hạt rất nhỏ trong không khí có thể truyền qua ho, hắt hơi hoặc một số thủ thuật y tế. Ngoài ra, khẩu trang Y tế cũng không bảo vệ hoàn toàn khỏi vi trùng và các chất gây ô nhiễm khác do đeo khẩu trang không kín giữa bề mặt của khẩu trang và mặt của bạn.
2. Khẩu trang y tế dùng được mấy lần?
Khẩu trang Y tế chỉ được sử dụng một lần. Nếu khẩu trang của bạn bị hỏng hoặc bẩn hoặc bạn cảm thấy thở khó khăn khi đeo thì bạn nên tháo khẩu trang, loại bỏ khẩu trang đúng cách và thay thế bằng khẩu trang Y tế mới hoặc loại khẩu trang khác.
Do cấu tạo của khẩu trang Y tế thường có ba lớp và đặc biệt, lớp ở giữa có chức năng giữ lại các giọt nước có thể có chứa vi trùng gây bệnh bị văng ra khi bạn ho. Ngoài ra, khẩu trang còn có thể lọc được bụi, vi khuẩn tạo sự thoáng khí cho người dùng dễ dàng thở khi đeo.
Chính vì các tính năng này, sau khi sử dụng thì chiếc khẩu trang Y tế đã là một ổ vi trùng có chứa nhiều mầm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn nếu không được loại bỏ ngay sau một lần sử dụng.
3. Vậy khi nào cần đeo khẩu trang Y tế?
Theo Tổ chức Y tế giới, bạn chỉ cần đeo khẩu trang khi:
- Nếu bạn khỏe mạnh, bạn chỉ cần đeo khẩu trang nếu bạn đang chăm sóc một người bị nghi ngờ nhiễm 2019-nCoV hoặc các bệnh truyền qua đường hô hấp khác.
- Đeo khẩu trang nếu bạn bị ho hoặc hắt hơi.
- Khẩu trang chỉ có hiệu quả khi được sử dụng kết hợp với rửa tay thường xuyên bằng bằng cồn hoặc xà phòng và nước sạch.
- Nếu bạn đeo khẩu trang , bạn cần thực hiện đúng cách sử dụng và vứt bỏ khẩu trang đúng cách
Ngoài ra, do không có biện pháp nào có thể bảo vệ hoàn toàn chống lại sự lây truyền virus cúm hoặc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác, nên bạn cần chú trọng vào nhiều biện pháp như dược phẩm (ví dụ: vắc-xin và thuốc chống virus) và các can thiệp không dùng thuốc gồm: 1) các biện pháp cộng đồng (ví dụ: tránh tụ tập đông người và nghỉ học); 2) các biện pháp môi trường (ví dụ: làm sạch bề mặt thường xuyên); và 3) các biện pháp bảo vệ cá nhân như khuyến khích người có triệu chứng:
- Che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi
- Sử dụng giấy ăn che miệng và mũi khi ho/hắt hơi để chặn các dịch tiết hô hấp và sau khi sử dụng bạn cần bỏ giấy ăn vào thùng đựng rác
- Thực hiện vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với dịch tiết hô hấp và các vật bị ô nhiễm.
Những người được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh cúm hoặc mắc bệnh hô hấp do sốt trong thời điểm dịch cúm gia tăng trong cộng đồng thì những người này nên ở nhà cho đến khi hết sốt trong 24 giờ (không dùng thuốc hạ sốt) và đã hết ho nhằm hạn chế lây lan cho người xung quanh. Nếu người có triệu chứng như vậy nhưng không thể ở nhà, thì nên cân nhắc đeo khẩu trang ở nơi công cộng hoặc khi có thể tiếp xúc gần gũi với người khác.
Xem thêm: