Dự kiến xuất khẩu gạo bốn tháng đầu năm 2015 của cả nước sẽ đạt 1,4 triệu tấn, trong đó quý 1/2015 là 900.000 tấn và tháng 4/2015 là 500.000 tấn.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, con số này rất khiêm tốn so với cùng kỳ các năm trước.
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, thông thường, quý 1 các năm, Việt Nam xuất khẩu được khoảng từ 1,2-1,4 triệu tấn. Nhưng năm nay, tình hình xuất khẩu gạo rất khó khăn do hợp đồng lúa gạo của năm 2014 chuyển sang quý 1/2015 rất thấp, do đó sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu quý 1.
Nếu quý 1 xuất khẩu gạo đạt thấp sẽ ảnh hưởng đến quý 2 và tác động đến việc tiêu thụ lúa gạo trong nước năm 2014-2015.
Ông Huỳnh Minh Huệ cũng cho rằng, ảnh hưởng lớn nhất của xuất gạo Việt Nam là thị trường Trung Quốc. Năm nay, Trung Quốc dự kiến mua khoảng 4 triệu tấn gạo nhưng đã ký với Thái Lan 2 triệu tấn.
Myanmar cũng sẽ xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc nên việc xuất khẩu gạo quốc gia này sẽ tăng. Như vậy “cái bánh” còn lại sẽ được chia cho rất nhiều quốc gia cộng với việc Trung Quốc sẽ thắt chặt xuất khẩu qua biên giới nên Việt Nam sẽ khó khăn khi xuất khẩu gạo vào thị trường này.
Bên cạnh đó, việc mở thêm thị trường mới cũng gặp nhiều khó khăn do các thị trường mới đều là thị trường cao cấp và việc mở rộng thị trường mới phải đi kèm với bảo đảm được chất lượng.
Năm 2014, thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là châu Phi nhưng Việt Nam đã mất gần 60% thị trường này do giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan, thậm chí còn cao hơn tới 30-40USD/tấn vì Thái Lan xả kho.
“Năm nay, giá gạo Việt Nam rẻ hơn Thái Lan và với chất lượng gạo như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể khôi phục lại được thị trường châu Phi, đồng thời thị trường này lại có xu hướng mua từ tháng Ba, tháng Tư,” ông Huỳnh Minh Huệ dự báo.
Trong hai tháng đầu năm 2015, khối lượng xuất khẩu gạo đạt 526.000 tấn với 243 triệu USD, giảm 33,1% về khối lượng và giảm 34% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1/2015 đạt 470,5 USD/tấn, giảm 1,36% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo: vietnam+