Máy đo nồng độ oxy trong máu là thiết bị được bác sĩ khuyên dùng tại nhà đối với người mắc bệnh tim, bệnh phổi và cả bệnh nhân viêm phổi do COVID-19. Bạn có thể tìm hiểu chi tiết về thiết bị này qua những thông tin sau sau đây.
1. Máy đo nồng độ oxy trong máu dùng cho mục đích gì?
Đúng như tên gọi của thiết bị, máy đo nồng độ oxy trong máu giúp bạn biết được chỉ số SpO2. Ý nghĩa của chỉ số này là xác định bao nhiêu phần trăm máu của bạn có chứa oxy, còn gọi là nồng độ oxy trong máu.
Mục đích đo SpO2 là giúp bạn nhanh chóng phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu trước khi có những biểu hiện lâm sàng như khó thở, tím tái… Từ đó có thể được cấp cứu, điều trị kịp thời trước khi bệnh trở nặng.
Về nguyên lý hoạt động, khi bạn kẹp máy đo SpO2 vào đầu ngón tay, ngón chân hoặc dái tai thì đầu dò của máy sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại xuyên qua da. Sau đó, hồng ngoại sẽ bị hồng cầu hấp thu một phần. Từ lượng ánh sáng còn lại chưa bị hấp thu, thiết bị sẽ tính ra bao nhiêu phần trăm hồng cầu có chứa oxy, còn gọi là chỉ số SpO2. Cuối cùng, chỉ số này sẽ được hiển thị trên màn hình để bạn nhìn thấy.
2. Chỉ số SpO2 bao nhiêu là bình thường?
Chỉ số SpO2 hiện trên máy đo nồng độ oxy trong máu hiển thị từ 0 – 100%. Chỉ số này được xem là bình thường khi đạt ít nhất 97%, nghĩa là nồng độ oxy trong máu đang ổn định. Nếu chỉ số dao động từ 97% đến 92% thì không quá đáng lo và người bệnh vẫn có thể tự chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Riêng trường hợp SpO2 thấp hơn 92% thì chỉ số này đang phản ánh tình trạng thiếu oxy trong máu nghiêm trọng và bạn cần nhanh chóng nhập viện để cấp cứu.
3. Máy đo SpO2 hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 như thế nào?
Khi Bộ Y tế thực hiện kế hoạch cho các đối tượng là F1 và bệnh nhân F0 không triệu chứng tự cách ly và điều trị bệnh tại nhà thì việc sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu là rất cần thiết và an toàn. Máy đo có kích thước nhỏ gọn và dễ sử dụng nên sẽ hỗ trợ bệnh nhân có thể tự theo dõi chỉ số SpO2 mỗi ngày.
Hoạt động này giúp người bệnh nhanh chóng biết được mình có thiếu oxy trong máu hay không kể cả khi không có triệu chứng. Nhờ đó mà bạn sẽ có hướng xử lý kịp thời và biết khi nào cần được nhập viện để điều trị.
Tuy nhiên, không phải lúc nào máy đo SpO2 cũng cho kết quả chính xác. Các bác sĩ cho biết thiết bị này luôn có độ sai số. Do đó, bạn cần lưu ý đến một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả như máy đã quá cũ, bệnh nhân sơn móng tay, móng chân, run tay khi đo, tụt huyết áp…
Xem thêm: Điểm danh top 10+ loại nước rửa tay khô được khuyên dùng hiện nay