1. ĐẠI CƯƠNG
Định nghĩa: viêm phổi là hiện tượng viêm nhiễm của nhu mô phổi, bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng. Nguyên nhân do vi khuẩn, virus, ký sinh vật.
* Đặc trưng của thương tổn là khối đông đặc nhu mô phổi. Ở Việt Nam viêm phổi chiếm 12% các bệnh phổi. Bệnh gặp ở cả nam và nữ.
* Tổn thương giải phẫu bệnh: Thường gặp ở thùy dưới phổi phải hơn, ít khi bị cả hai bên. Theo Laennec, có ba giai đoạn: – Giai đoạn xung huyết: vùng phổi bị tổn thương xung huyết mạnh, giãn mạch máu, thoát hồng cầu, bạch cầu vào phế nang, nếu cấy dịch ở ổ viêm này thấy có nhiều vi khuẩn.
– Giai đoạn gan hóa đỏ: sau bị bệnh 1 – 2 ngày, vùng phổi đó có màu đỏ chắc như gan, cắt mảnh phổi bỏ vào nước thấy chìm. Trong phế nang chứa nhiều hồng cầu, bạch cầu. Nếu cấy dịch phế nang có nhiều phế cầu.
– Giai đoạn gan hóa xám: vùng tổn thương chắc như gan, màu xám, trên mặt có mủ, trong phế nang có nhiều hồng cầu, bạch cầu, đại thực bào.
2. NGUYÊN NHÂN
– Do phế cầu Gr(+) được phân lập từ 1883 (Talamon). Hiện nay có > 75 chủng loại, typ 1, 2, 3 gây bệnh ở người lớn, typ 4 gây bệnh ở trẻ em. – Điều kiện thuận lợi:
+ Lạnh.
+ Có thể suy yếu, còi xương, già yếu.
+ Nghiện rượu.
+ Chấn thương sọ não, hôn mê.
+ Mắc bệnh phải nằm điều trị lâu.
+ Biến dạng lồng ngực, gù, vẹo cột sống.
+ TMH: viêm xoang, viêm amydal.
+ Bệnh tắc nghẽn đường hô hấp. – Đường vào: thường do 71
+ Hít phải vi khuẩn ở môi trường, không khí.
+ Hít phải vi khuẩn do nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
+ Vi khuẩn theo đường máu từ ổ nhiễm khuẩn xa.
3. TRIỆU CHỨNG
* Cơ năng: bệnh thường xảy ra đột ngột ở người trẻ tuổi. – Bắt đầu bằng cơn rét run khoảng 30 phút, nhiệt độ 39 – 40oC, mạch nhanh, mặt đỏ, sau vài giờ thấy khó thở, toát mồ hôi, môi tím, có mụn herpet ở môi, mép. – Ở người già, người nghiện rượu có lú lẫn, trẻ em có co giật. – Đau ngực bên tổn thương. – Ho: lúc đầu ho khan, sau có đờm hoặc màu gỉ sắt. – Có khi nôn mửa, trướng bụng.
* Thực thể. – Lúc đầu thấy rì rào phế nang giảm bên tổn thương, gõ và sờ bình thường. Có thể có tiếng cọ màng phổi và ran nổ cuối thì thở vào. – Thời kỳ toàn phát: có hội chứng đông đặc rõ, có tiếng thổi ống.
* Cận lâm sàng: – X quang: thấy một đám mờ của một thùy hay một phân thuỳ hình tam giác, đáy quay ra ngoài, đỉnh quay vào trong. – Xét nghiệm máu: BC tăng 15.000 – 25.000/mm, 80 – 90% là BC đa nhân trung tính. Tốc độ lắng máu tăng. Cấy máu có khi có phế cầu. – Nước tiểu: có protein thoáng qua.
* Tiến triển: thường sốt khoảng một tuần, sau đó giảm sất, ra nhiều mồ hôi, đái được nhiều, bệnh nhân dễ chịu và khỏi bệnh. Khám phổi vẫn còn hội chứng đông đặc, hình ảnh X quang tồn tại vài tuần nữa. Nếu có biến chứng thì triệu chứng nặng lên.
4. CHẨN ĐOÁN
4.1. Chẩn đoán xác định
Dựa vào: – Khởi phát đột ngột ở người trẻ. – Cơn rét run, sốt cao 39 – 40oC. – Hội chứng nhiễm khuẩn: môi khô, lưỡi bẩn, bạch cầu tăng, đái ít. – Đau ngực bên tổn thương. 72 – Ho, khạc đờm màu gỉ sắt. – Hội chứng đông đặc phổi. – X quang phổi có đám mờ đều hình tam giác đáy quay ra ngoài. Tại cơ sở chẩn đoán thường dựa vào hai biểu hiện :
+ Hội chứng nhiễm khuẩn
+ Hội chứng đông đặc. Do vậy việc thăm khám lâm sàng là rất quan trọng.
4.2. Chẩn đoán phân biệt
– Xẹp phổi: trung thất bị kẻo về bên xẹp, cơ hoành lên cao. – Tràn dịch màng phổi: vừa viêm vừa tràn dịch (chọc dò để chẩn đoán). – Nhồi máu phổi: đau ngực dữ dội, sốc, sốt, ho ra máu. Thường xảy ra ở người có bệnh tim, hoặc phẫu thuật vùng hố chậu. – Áp xe phổi giai đoạn đầu: dựa vào diễn biến của bệnh. – Ung thư phổi: sau điều trị hết nhiễm khuẩn mà tổn thương còn tồn tại > 1 tháng nhất là ở người có tuổi, nghiện thuốc lá. – Giãn phế quản bội nhiễm: ho, khạc đờm kéo dài, nên chụp phế quản có cản quang để chẩn đoán.
5. BIẾN CHỨNG
5.1. Biến chứng tại phổi
– Bệnh lan rộng hai hoặc nhiều thuỳ phổi: khó thở tăng lên, tím môi, mạch nhanh, có thể chết. – Xẹp một thuỳ phổi: do cục đờm gây tắc phế quản một thuỳ. – Áp xe phổi: sốt dai dẳng, đờm nhiều mủ, X quang có một hoặc nhiều hình hang có mức nước mức hơi. – Viêm phổi mạn tính: bệnh tiến triển kéo dài, thùy phổi bị tổn thương xơ hóa.
5.2. Biến chứng ngoài phổi
– Tràn dịch màng phổi: thường nhẹ, chóng khỏi. – Tràn mủ màng phổi: sốt dai dẳng, chọc dò màng phổi có mủ. – Viêm màng ngoài tim: đau vùng trước tim, có tiếng cọ màng ngoài tim. – Viêm nội tâm mạc cấp tính do phế cầu: (ít gặp): sốt rét run, lách to. – Viêm khớp do phế cầu: khớp sưng đỏ, nóng, đau. – Viêm màng não do phế cầu ít gặp. – Viêm phúc mạc: hay gặp ở trẻ em. 73 – Viêm tai xương chũm. – Loạn nhịp ngoại tâm thu, suy tim. – Sốc
6. ĐIỀU TRỊ
* Chống nhiễm khuẩn.
– Nên dùng kháng sinh sớm. – Penicillin 2 – 3 triệu đơn vị/24h tiêm bắp thịt 3 – 4 lần. – Kết hợp với Gentamycin 80 – 120 mg/24 h. Đến khi hết sất 4 – 5 ngày hoặc dùng Ampicillin 2 – 3 g/24h.
* Điều trị triệu chứng. – Giảm đau ngực: cho Codein 2 – 4v/24h. Đau quá có thể dùng Morphin 0,01g x 1 ống (tiêm dưới da). – Nếu có trướng bụng. Prostigmin 1ml dung dịch 0,05%, 1 – 2 lần/24h (tiêm dưới da). – Nếu có mất nước: cho ăn lỏng, bồi phụ nước và điện giải bằng dung dịch đẳng trương (Ringer Lactat, dung dịch Glucose 5%).
* Với thể nặng (khó thở nhiều, tím, mạch nhanh…)
– Thở oxy. – Kháng sinh liều cao: Penicillin 5 triệu đơn vị/24 h kết hợp Gentamycin 80 – 120mg/24h. – Nếu có truỵ mạch. Truyền dịch. Prednisolon (Depersolon). Dopamin. – Chuyển tuyến trên nếu điều trị không đỡ hoặc có biến chứng.
7. PHÒNG BỆNH
– Điều trị tốt ổ nhiễm khuẩn ở vùng tai mũi họng, nhất là viêm xoang có mủ, viêm amydal có mủ viêm họng: bằng kháng sinh hoặc khí dung – Điều trị tốt đợt cấp của viêm phế quản mạn tính: bằng kháng sinh uống mỗi tháng 10 ngày trong 5 tháng mùa đông. – Loại bỏ yếu tố kích thích có hại: bỏ thuốc lá, thuốc lào. – Giữ ấm cổ, ngực trong mùa lạnh. – Tiêm vacxin phòng bệnh. (Vacxin phế cầu đa giá)
” Thông tin này chỉ dành cho nhân viên y tế tham khảo, người bệnh không được tự ý áp dụng phương pháp này để chữa bệnh “
Trích : Đại học y khoa Thái Nguyên