Zika là một loại virus lây truyền qua muỗi Aedes – loại muỗi truyền sốt xuất huyết và sốt vàng da.
ARN của virus Zika cũng đã được phát hiện có trong sữa nhưng chưa có bằng chứng lây truyền virus Zika qua bú mẹ.
Các trường hợp nhiễm virus Zika có thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày. Tuy nhiên người nhiễm virus Zika hầu hết không biểu hiện triệu chứng, chỉ có khoảng 20% có các biểu hiện nhẹ như sốt, phát ban, đau khớp, viêm kết mạc mắt, số còn lại không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng nên việc chẩn đoán gặp rất nhiều khó khăn.
2 biến chứng hay gặp nhất ở virus Zika là tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do người mẹ bị nhiễm virus trong quá trình mang thai. Tại Brazil đã ghi nhận khoảng 4.000 ca mắc tật đầu nhỏ, trong đó ít nhất 40 trường hợp tử von. Biến chứng thứ hai là gây hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh Guillain-Barré, gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân, ngứa ran ở tay, chân.
Tốc độ lây lan
Virus được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda, sau đó tiếp tục ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và trở thành chủng virus lưu hành ở nhiều nước khu vực châu Phi.
Tại châu Á cũng đã ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên vào năm 2007 tại đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia. Năm 2013, ghi nhận ổ dịch đầu tiên tại French Polynesia, sau đó lây lan ra các đảo khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả New Caledonia, đảo Cook, đảo Easter; trong năm 2013, Thái Lan cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh do virus Zika ở một số tỉnh, thành phố
Tại Nam Mỹ, ca bệnh đầu tiên xuất hiện vào tháng 4/2015 ở Brazil sau đó đã lan nhanh Trung và Nam Mỹ. Trong đó dịch lây lan mạnh nhất Brazil với 300.000 ca mắc.
Đến nay, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi virus Zika đã lây lan tới 61 quốc gia, dự kiến tác động 3-4 triệu người trước khi ngưng phát tác.
Muỗi truyền virus Zika vào cơ thể người như thế nào?
– Virus Zika có thể lây từ người qua người bằng đường máu, quan hệ tình dục, từ sản phụ sang con, nhưng muỗi vằn là con vật truyền bệnh chủ yếu. Muỗi vằn đốt người có mang virus Zika sau đó đốt người chưa mang mầm bệnh và lây bệnh cho họ.
Người mắc bệnh thì phải đối diện với nguy cơ gì?
– Bệnh có thể lây lan vì nếu muỗi vằn đốt người dương tính với virus Zika sau đó đốt cho người khác thì rất nhiều khả năng những người bị đốt sẽ nhiễm virus.
Làm thế nào để xác định đâu là muỗi truyền virus Zika?
– Muỗi truyền bệnh Zika là Aedes Aegypti và Aedes albopictus mà Aedes Aegypti cũng là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết vốn có nhiều ở Việt Nam. Muỗi có thân hình nhỏ, chân và thân có vằn trắng đen nên được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn có đặc tính chỉ sống ở những nơi nước tù đọng và thường sống ở những vật chứa nước sạch ở quanh nhà. Loại muỗi này thường đốt người vào ban ngày, không gây đau và không có nọc độc.
– Phụ nữ mắc virus Zika sinh trẻ bị chứng đầu teo. Còn với các nhóm khác như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người không mang thai, virus này có ảnh hưởng thế nào?
– Căn cứ vào các trường hợp thai phụ bị mắc virus Zika tại một số nước, người ta thấy nhiều thai phụ mắc virus Zika sau khi sinh con thì trẻ bị chứng đầu teo. Virus Zika bị cho là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ khiến trẻ sinh ra có phần đầu dị thường, não phát triển lệch lạc hoặc không phát triển dẫn khuyết tật về trí tuệ, vận động và ngôn ngữ. Ngoài thai phụ, những nhóm người còn lại, kể cả trẻ vừa mới sinh, nếu mắc virus Zika thường không bị ảnh hưởng. Một số người bị sốt nhẹ rồi khỏi, cũng có người không có triệu chứng, tuy nhiên những người này được xem như những người đã mang mầm bệnh. Nếu muỗi vằn đốt họ sau đó đốt người khác thì có thể sẽ lây.
– Làm cách nào để thai phụ phát hiện mình bị nhiễm virus Zika?
– Triệu chứng của Zika là sốt, phát ban, người mắc bệnh thường sốt kéo dài đến một tuần. Những thai phụ sống trong khu vực có người mắc bệnh nên đến bệnh viện khám để được tư vấn thêm nếu thấy có biểu hiện sốt bất thường.
Thai phụ mắc virus Zika phải làm gì?
– Cũng như các loại virus gây sốt khác, bà bầu khi mắc Zika sẽ khỏi sốt sau khi được điều trị, tuy nhiên cần phải được theo dõi tình trạng sức khỏe của cả mẹ lẫn con. Với việc kiểm tra sức khỏe, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ sản khoa có thể tiên đoán được bé có bị biến chứng do virus Zika gây ra hay không.
– Nhiều thai phụ tỏ ra hoang mang khi Việt Nam đã phát hiện hai ca bệnh do virus Zika, vậy theo ông, các mẹ phải làm gì trong thời điểm này?
– Hiện chưa có vaccine để phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị, chính vì thế cách tốt nhất để không bị mắc bệnh là diệt muỗi và tránh để muỗi đốt. Cụ thể cần dẹp bỏ các vật chứa nước như bồn chứa, thùng chứa, bình cắm hoa, chai lọ và các vật dụng chứa nước xung quanh khu vực sinh sống để muỗi không chỗ sinh sản. Khi ngủ ban ngày, thai phụ cần cẩn trọng bằng cách ngủ mùng để phòng muỗi đốt.
Phương pháp điều trị
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin chích ngừa virus Zika.
Phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai mỗi 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.
Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần- vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh (nếu có).
Cách phòng tránh
Cách phòng ngừa tốt nhất là tránh bị muỗi đốt. Điều này có thể được thực hiện dễ dàng bằng cách sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng, mặc quần áo dài tay sáng màu, ngủ mắc màn… và thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh các ổ nước đọng có nguy cơ chứa trứng muỗi.
Với muỗi Aedes chỉ cần 3 ngày nghỉ ngơi có thể đẻ trứng liên tục, những quả trứng có thể tồn tại lên đến 1 năm mà không cần nước, khi gặp nước sẽ lập tức nở thành ấu trùng.
Ngoài ra WHO cũng khuyến cáo người dân các nước không nên đi đến các vùng lưu hành dịch Zika.
Cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm virus Zika.