Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm mang tên sâm: từ trà sâm đến sâm nguyên củ, từ rượu bổ sâm đến nhiều loại thuốc chứa sâm… Điều người tiêu dùng quan tâm là sâm thật, sâm giả, sâm tốt nhiều, sâm tốt ít…. Vì thế xin được hỏi: Sâm bổ như thế nào? Có bao nhiêu lọai sâm? Ai dùng cũng được hay có kiêng kỵ gì không?
Từ xa xưa, sâm hàn quốc đã được sử dụng như là phương thuốc thần hiệu trị được nhiều bệnh và đứng hàng đầu trong bốn vị thuốc bổ của đông y, đó là sâm, nhung, quế, phụ. Vào thế kỷ thứ 16, danh y Lý Thời Trân của Trung Quốc đã thí nghiệm tác dụng của sâm bằng cách xem nhịp thở của hai người cùng chạy vài dặm đường. Kết quả, người có ngậm sâm thì nhịp thở vẫn bình thường (nghĩa là cơ thể không mệt) trong khi người không ngậm sâm thì nhịp thở dồn dập…
Ngày nay các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy tính chất dược lý của sâm rất đa dạng như :
– Gia tăng sự hồi phục các chức năng của cơ thể, được xem là loại thuốc bổ toàn diện.
– Tác dụng chống lão hóa tế bào, thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp protein của tế bào mới. Do đó người xưa cho rằng sâm là vị thuốc “cải lão hoàn đồng”.
– Kích thích cơ chế miễn dịch của cơ thể, giúp chống lại bệnh nhiễm trùng, là phương thuốc phòng bệnh.
Theo PGS Nguyễn Viết Tựu thì sâm không có giá trị cung cấp năng lượng và các chất liệu để bồi bổ cơ thể mà đóng vai trò một chất xúc tác vạn năng, một “điều phối viên” sẵn sàng làm nhiệm vụ điều hoà một khi các chức năng bị suy giảm, rối loạn, nhất là vào những “thời điểm nguy hiểm” để lập lại sự cân bằng, duy trì sự ổn định các chức năng của cơ thể. Vì thế người còn trẻ chưa nên dùng sâm.
CÓ BAO NHIÊU LOẠI SÂM?
Sâm trồng tại xứ Cao-Ly (Triều Tiên) được đánh giá là tốt nhất. Người ta đã thử lấy giống sâm Hàn Quốc đi trồng ở nơi khác với cấu tạo đất và điều kiện khí hậu tương đương (sâm Hoa kỳ) nhưng vẫn không có được sản phẩm tốt tương đương.
Sâm tốt là nhân sâm Triều Tiên (Panax Ginseng C.A.Meyer) được thu hái từ năm thứ sáu, khi hái không làm rễ bị đứt. Hai loại nổi tiếng nhất là:
– Hồng sâm: là những củ sâm to nhất, màu trắng ngà còn nguyên rễ nhỏ, màu đẹp, giống hình người (vì thế có tên là nhân sâm). Hồng sâm lại chia làm nhiều loại theo trọng lượng.
– Bạch sâm là sâm tốt nhưng không đạt tiêu chuẩn như hồng sâm.
Ngoài ra còn có sâm của nhiều nước khác trên thế giới như Liên xô (cũ), Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa kỳ… Tại Việt Nam, có hai loại sâm được sắp vào loại sâm thật, đó là sâm Việt Nam (Panax Vietnamensis) còn gọi là sâm K5 và sâm Tam thất (Panax pseudogingseng) mà các sản phẩm đặc chế từ hai loại sâm này đang được nhiều người tín nhiệm.
CÁC DẠNG THUỐC SÂM
Ngoài sản phẩm hàng đầu là sâm củ, Hàn quốc tận dụng thế mạnh để sản xuất nhiều dạng thuốc chứa sâm như sâm lát (ngậm hoặc pha trà), trà sâm (hoà tan), thuốc bổ đa sinh tố kết hợp với sâm, rượu bổ sâm… Ngoài ra còn có các thức ăn bổ dưỡng (health food) chứa sâm.
Việt Nam cũng khai thác rất nhiều các loại thuốc chứa sâm như sâm nhung đại bổ, sâm qui tinh, đại bổ trường sinh tửu, sâm kỳ bá bổ tinh, sâm nhung kiện lực….
NHỮNG VỊ THUỐC MANG TÊN SÂM
Trên thị trường có rất nhiều dược liệu mang tên sâm nhưng thật ra không mang những dược tính của sâm và thường được dùng như là thuốc bổ trong y học dân tộc.
– Đảng sâm: thuộc họ hoa chuông (Camparulaceae) trong khi nhân sâm thuộc họ ngũ gia bì (Araliaceae), được xem là có thể thay thế nhân sâm nhưng giá lại rẻ.
– Sâm bố chính: thuộc họ bông vải (Malvaceae) có rễ giống hình người dễ nhầm với nhân sâm.
– Thổ cao ly sâm: thuộc họ rau răm (Fortulacaceae).
– Huyền sâm, sa sâm….
Nhìn chung có rất nhiều vị thuốc mang tên sâm nhưng lại thuộc nhiều họ thực vật khác nhau, có thể có củ giống hình người như nhân sâm nhưng tính chất dược lý không giống hoặc chỉ giống một phần…
“YẾU TỐ PHÁP LÝ” CỦA SÂM
Từ xưa đến nay, sâm vẫn được xem là loại thuốc quí, vì thế có rất nhiều loại thuốc thích kèm thêm tên “sâm” trong công thức để có giá trên thị trường. Những hình thức sau đây được xem là lừa dối người tiêu dùng:
– Bao bì vẽ hình nhân sâm nhưng thực chất không phải là nhân sâm.
– Trong công thức có nhân sâm nhưng hàm lượng không đạt theo tiêu chuẩn Dược điển (40 mg hoạt chất định chuẩn Ginsenosid G115 tương đương 200mg nhân sâm loại Panax ginseng).
Vì thế, nhiều sản phẩm có sâm được phép lưu hành trên thị trường đều ghi rõ loại sâm và hàm lượng trong thành phần công thức như: Ginsana G115 (Panax ginseng C.A. Meyer 100mg), Homtamin Ginseng (định chuẩn 40mg Korea Ginseng), Meko Pharmaton (40mg Panax Ginseng), Korea Ginseng Antler Extract Capsule (156mg tinh chất nhân sâm), Pharmaton (Ginseng G115 40 mg)…
Còn các loại sâm trôi nổi trên thị trường, ngoài cảm quan “có mùi sâm”, thì “có trời mới biết” đó là loại sâm nào, bao nhiêu tuổi và hàm lượng tinh chất còn lại…
VÀI LƯU Ý KHI DÙNG SÂM
Không cứ sâm mà cái gì cũng vậy, “bổ” không có nghĩa là “không bổ ngang thì cũng bổ dọc” với tất cả mọi người ai cũng như ai, bởi dùng không cẩn thận có người sẽ “bổ ngửa” chứ chẳng chơi.
Theo Đông y, nhân sâm thường kết hợp với một vài bài thuốc làm thức ăn bổ dưỡng cho người huyết áp thấp để làm tăng huyết áp. Vì vậy người cao huyết áp cũng như những người trẻ tuổi cần thận trọng khi sử dụng nhân sâm.
Cũng theo Đông y, sâm có tính hàn (lạnh). Vì vậy, những người yếu do “cảm mạo phong hàn”, đau bụng do “lạnh bụng”… không được cho dùng nhân sâm. Dân gian đã có câu chuyện về ông thầy lang đọc sách thuốc không đến nơi đến chốn và “phúc thống phục nhân sâm…” (“đau bụng cho uống nhân sâm…”) khiến bệnh nhân “tắc tử” – để cảnh báo chúng ta cũng là vì lẽ vậy.
Ngoài ra mời bạn tham khảo: Sâm ngọc linh, sâm ngọc linh ngâm mật ong và rất nhiều bài viết hay mời bạn BẤM TẠI ĐÂY.