DS. Hải Trung – Một trong những dược sĩ hoạt động trong ngành Y học. Nhưng không thường xuyên sử dụng thuốc chữa bệnh từ thẻ BHYT được cấp cho DS. Thay vào đó, DS. Trung thường mua thuốc chữa bệnh từ những cửa hàng thuốc tây về dùng.
Làm giàu từ việc kinh doanh thuốc bán lẻ, thực hư ra sao?
Đã có lần tôi đến bệnh viện tỉnh, người đến khám bệnh chật như nêm, muốn khám được phải mất cả buổi chờ đợi. Mặc dù tôi có thể lách qua cửa sau lấy thuốc (vì có mối quan hệ với bệnh viện mà), nhưng như vậy thật bất tiện với thầy thuốc (có thầy thuốc ít tuổi hơn cả tôi lại thường được chính tôi khuyên phải khám xét cẩn thận mới cho thuốc). Nhưng may mắn nhờ trời tôi cũng ít khi bị bệnh nặng, chỉ nhức đầu sổ mũi hay viêm họng qua loa, chỉ cần mua những thuốc thông thường, chẳng đáng là bao, không đáng phải “lách” thế. Nhưng mua thuốc ở đâu đơn giản nhỉ?
Một lần tôi ra hiệu thuốc hỏi mua thuốc ho. Cô bán thuốc chẳng cần hỏi tôi ho hắng thế nào bán ngay cho một gói. Tôi mở ra thấy trong đó có 5 thứ: một vỉ tecpicod, một vỉ amoxicilin, 10 viên chloramphenicol, 5 viên dexamethason. Biết là thừa tôi định trả lại nhưng lưỡng lự chưa kịp tìm lời, thì cô vừa làm việc với khách đến sau, vừa liến thoắng: “Bác uống là ngủ được, đỡ khó chịu, đỡ ho ngay ấy mà…”. Tôi nghĩ, chắc là cô ta đã học lỏm được cách chữa bệnh bao vây. Không lẽ, mình lại cãi với cô giữa lúc có khách nên đành ôm mấy thứ thuốc ấy về và chỉ dùng một thứ trong đó bệnh của tôi đã đỡ rồi.
Rút kinh nghiệm, lần sau bị viêm họng tôi ra hiệu thuốc khác và chỉ hỏi mua một thứ duy nhất là cephalexin. Người bán thuốc đứng tuổi, có vẻ có kinh nghiệm chữa bệnh và giao tiếp góp ý : “…Bác dùng gì thứ ấy, cổ rồi. Dùng cefuroxim này tốt, nhanh khỏi hơn nhiều…” và nhanh nhảu đẩy về phía tôi một vỉ cefuroxim dạng viên bao với giá 100.000 đồng/vỉ rồi lại giải thích: “ Thuốc thế hệ 2 tốt hơn thế hệ 1, sản xuất tại xí nghiệp đạt GMP càng đảm bảo”. Tôi thầm nghĩ: lời góp ý như thế có phần đúng nhưng không hợp với người bị bệnh nhẹ, ít khi dùng thuốc như tôi nhưng chẳng lẽ tôi phải nói chệch sang là chỉ muốn mua thứ thuốc ít tiền. Vì cái nể nang, tự ái nên tôi đành bấm bụng cầm vỉ thuốc đắt hơn 10 lần vỉ thuốc mình cần.
Qua nhiều lần đi mua thuốc bị ấm ức không nói ra được nên ý định ngày về hưu nhất định tôi phải mở nhà thuốc. Thành phố tỉnh lỵ tôi sống chỉ có 9 vạn dân, không phố nào là không có hiệu thuốc tư, phố dài còn có vài ba hiệu, chưa kể đến vô số các quầy của công ty. Những phố sầm uất, cứ vài trăm mét lại có một nơi bán lẻ thuốc. Dược tá, dược sĩ trung học, cô nào cũng mượn dược sĩ đại học đương chức đứng tên (thuê mỗi tháng 1.500.000đ) mở nhà thuốc, hoặc chí ít cũng nộp vào công ty một khoản tiền để núp bóng mở quầy. Phải bỏ ra trên dưới 1 triệu tiền thuê mặt bằng, trả các chi phí… mà cô nào cô nấy vẫn sống đàng hoàng. Nhà tôi lại ở ngay mặt tiền rộng rãi, bản thân lại là dược sĩ đại học, chẳng phải thuê mượn bằng của ai, tự mua tự bán lấy, làm gì chả sống được?
Mở nhà thuốc tây… bao lâu mới giàu?
Tôi đem những suy tính ấy chia sẻ với một người bạn đang là chủ một nhà thuốc ở huyện. Anh ta học cùng khóa tôi nhưng đi bộ đội, nghỉ mất sức đã 15 năm nay. Những ngày còn công tác, đã nhiều lần tôi đến chỗ anh, thấy khách đông vô cùng. Có khách anh không chịu bán, thậm chí còn nói hơi nặng lời, nhưng chiều họ vẫn vui vẻ đem đơn khác đến mua. Anh chia sẻ kinh nghiệm với tôi không tiếc một điều gì. Đến giờ ăn chiều để chia tay anh lại nhẩn nha kể:
-Tớ làm nhà thuốc 15 năm. Cơ ngơi cậu đã thấy rõ. Vườn tược to lớn là đất của ông bà để lại. Chỉ cái nhà là do tiền lãi bán thuốc. Nhà cao lừng lững thế nhưng nội thất chẳng có gì đáng giá. Tính tất tật vào đó, chỉ 450 triệu đồng. Chia đều cho 15 năm, một năm chỉ có 30 triệu, mỗi tháng trên dưới 3 triệu. Mà lúc nào cậu cũng thấy cả hai vợ chồng mình tất bật vào đó . Như thế bán thuốc đâu có chóng giàu như nhiều người tưởng. Nếu theo phương châm sắm đủ mọi thứ, ai hỏi cái gì cũng bán, bán càng nhiều càng tốt thì không đành, mà bán cho đúng bài bản chuyên môn, quy chế thì không dễ, phải chịu mất khách vài ba năm đầu, sau này khi có khách rồi, như cậu thấy, vẫn không thể có doanh số thật cao như mình muốn.
Thấy anh nói vậy tôi tin nhưng vì ý định mở nhà thuốc đã nung nấu nhiều năm, nên tôi đã không nghe lời can của anh mà khi nghỉ hưu vẫn cứ mở nhà thuốc.
Ngày khai trương tôi bán ngay được mấy triệu đồng do bạn bè ghé đến chia vui nhưng sau đó doanh số cứ èo uột. Đơn thuốc có nhưng không nhiều, chỉ năm ba cái một ngày. Một số đơn viết chữ không ra chữ, cứ như ký hiệu không thể đoán ra cái gì. Người bệnh nhẹ có thể bán thuốc không cần đơn thì giá thường rất rẻ, cũng không thể bày ra bán nhiều loại cho người ta, mỗi lần bán nhiều lắm chỉ vài chục ngàn đồng. Lại có người bế cả cháu bé đỏ hỏn tới xin mua thuốc, phải khuyên người ta đi khám cho rõ ràng, đâu dám bán bừa để mang họa. Có hàng trăm lý do không thể kể ra đây hết để giải thích cho doanh số èo uột kia. Nhưng có một lý do tổng quát như anh bạn tôi từng nói đến mà nghiệm ra tôi thấy đúng: “… mình là người có học, có biết, nên không thể bán thuốc bừa bãi theo kiểu điếc không sợ súng được”.
Sau 5 tháng mở nhà thuốc tôi ngồi tính lại: “…Hai vợ chồng bỏ công sức vào đó, mỗi tháng lãi bình quân chỉ vài triệu đồng. Không làm gì hết, chỉ cho thuê cả cái phòng 20m2 cũng thu được gần bằng ấy, mà khỏi bận tâm.”. Lợi ích kich doanh, yêu cầu phục vụ, đạo đức người dược sĩ, đạo đức người bán thuốc… những khái niệm ấy không khó hình dung. Nhưng chỉ khi đứng làm chủ một nhà thuốc mới thấy thực hiện những điều cụ thể đó rất khó, càng khó hơn trong bối cảnh thành phố có rất đông điểm bán thuốc lẻ, với trăm ngàn cách bán lộn xộn.
Theo Nhà Thuốc Huyện Sĩ | nhathuochuyensi.com
Nguồn tham khảo: DS. Hải Trung | suckhoedoisong.vn