Trong giai đoạn ăn dặm của bé, mẹ có thể chế biến rất nhiều món cho bé nhưng trong đó các món cháo giúp bé ăn dễ nhất. Sau đây là 10 món cháo ngon cho bé ăn dặm, cùng tìm hiểu nhé.
1. Cháo gà
-Công thức :
- 1 bát gạo (nửa tẻ nửa nếp).
- 5 bát nước.
- 1/4 con gà.
-Cách làm :
- Luộc chín gà sau đó vớt ra, bỏ da và xương, thịt xé sợi hoặc xay nhỏ.
- Gạo nấu chín trong nồi khoảng 20-30 phút.
- Cho thịt gà vào, đun sôi nhỏ lửa trong khoảng 5 phút là được.
- Khuấy đều liên tục để cháo không bị vón hoặc cháy.
- Có thể cho thêm cà rốt, ngô ngọt, bí đỏ, rau cải, súp lơ, rong biển, nấm,…khi trẻ đã ăn được tốt nhiều loại thức ăn.
-Lợi ích:
Đây là một món cháo ngon cho bé, thích hợp khi bé bị cảm lạnh, ho hoặc mới ốm dậy. Thịt gà nhiều chất đạm mà không quá béo ngậy, dễ tiêu, thanh mát và dễ kết hợp với hầu hết các nguyên liệu.
Có thể cho trẻ ăn thịt gà từ 6 tháng tuổi.
2. Cháo tôm
-Công thức :
- 1 bát gạo (nửa tẻ nửa nếp).
- 5 bát nước.
- 300g tôm tươi.
-Cách làm :
- Luộc hoặc hấp chín tôm, bóc vỏ, lấy phần thịt.
- Thịt thái thành các miếng, giã hoặc xay nhuyễn.
- Nấu gạo với nước trong khoảng 20-30 phút.
- Khuấy đều tay, nhỏ lửa.
- Sau đó cho thịt tôm vào, đun khoảng 5 phút rồi tắt bếp.
- Có thể kết hợp tôm với bí đỏ, rau, củ cải, cà rốt, súp lơ, phô mai, nấm, hành tây, rong biển,…
-Lợi ích :
Tôm rất giàu đạm, chất béo và một lượng nhỏ các vitamin A, vitamin D, canxi, kẽm, photpho, sắt,…. Tôm thơm ngon, dễ tiêu và tương đối an toàn so với thịt lợn, thịt bò trên thị trường.
Có thể cho trẻ ăn tôm nước ngọt từ 6 tháng tuổi. Với tôm biển hay các loại hải sản khác thì nên sau 7 tháng tuổi.
3. Cháo bí ngô
-Công thức :
- 1 bát gạo (nửa tẻ nửa nếp).
- 5 bát nước.
- 200g bí đỏ.
- 1 muỗng dầu ăn.
-Cách làm :
- Đun sôi gạo khoảng 20 phút, khuấy đều tay.
- Bí đỏ cắt thành các miếng nhỏ, cho vào cháo.
- Đun nhỏ lửa trong khoảng 20 phút.
- Dùng muỗng dằm nhuyễn bí đỏ ra.
- Sau đó cho thêm dầu ăn, khuấy đều, tắt bếp.
- Có thể kết hợp bí đỏ với nước luộc thịt, cá hoặc thịt gà, thịt bò, thịt lợn, cá, tôm, tỏi, hành lá,…
-Lợi ích :
Bí đỏ rất giàu vitamin A, thanh mát và giúp giải độc tốt. Ngoài ra do lượng chất xơ cao nên tốt cho hệ tiêu hóa còn non yếu của bé, đặc biệt là khi bé bị táo bón.
Tương tự như cháo khoai lang hay cháo cà rốt, món cháo bí đỏ cũng rất được ưa chuộng tại Nhật và Hàn. Đây là một món cháo ngon cho bé và rất bổ dưỡng.
Có thể cho trẻ ăn bí ngô từ 4 tháng tuổi.
4. Cháo rau
-Công thức :
- 1 bát gạo (nửa tẻ nửa nếp).
- 5 bát nước.
- 100g rau (tùy chọn, ví dụ như rau cải, rau dền, rau bina, bông cải xanh, rau ngót,…).
- 1 muỗng dầu ăn.
-Cách làm :
- Nấu gạo với nước trong khoảng 20-30 phút. Khuấy đều tay.
- Rửa sạch rồi luộc sơ rau trong khoảng 2-3 phút.
- Thái nhỏ rồi cho vào máy xay, nếu trẻ đã lớn hơn thì chỉ cần băm nhỏ là được.
- Khi cháo đã chín nhừ, bạn cho rau vào.
- Đun nhỏ lửa trong khoảng 1-2 phút là được, vì rau chín nhanh, nếu nấu nhừ quá rau sẽ mất dinh dưỡng và không còn xanh nữa.
- Thêm dầu ăn vào rồi tắt bếp.
- Có thể kết hợp rau với các loại thịt, cá, tôm, trứng, khoai, ngô, đậu,…
-Lợi ích :
Rau xanh chứa nhiều vitamin và chất khoáng, cần thiết cho cơ thể của bé. Khi mới tập ăn dặm, bạn chỉ nên cho 1 loại rau để bé làm quen, sau đó khi trẻ đã ăn tốt thì mới thêm các loại nguyên liệu khác vào nấu cùng.
Có thể cho trẻ ăn các loại rau xanh từ 5 tháng tuổi.
5. Cháo cà chua
-Công thức :
- 1 bát gạo (nửa tẻ nửa nếp).
- 5 bát nước.
- 2-3 quả cà chua chín.
- 1 muỗng dầu ăn.
-Cách làm :
- Nấu nhừ gạo với nước trong khoảng 30 phút.
- Cà chua rửa sạch, lột vỏ, bỏ hạt, thái thành các miếng.
- Khi cháo đã nhừ thì cho cà chua và dầu ăn vào.
- Đun sôi trong khoảng 5 phút nữa, khuấy đều tay.
- Tắt bếp, bỏ ra bát, để nguội.
- Có thể kết hợp cà chua với trứng, thịt bò, thịt gà, tôm, thịt lợn, cá,…
-Lợi ích :
Cà chua rất giàu vitamin A, C và một lượng chất xơ. Ngoài ra nó cũng giàu chất chống oxy hóa, giảm thiểu nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch hoặc ung thư.
Có thể bắt đầu cho trẻ ăn cà chua từ 9 tháng tuổi.
6. Cháo khoai lang
-Công thức :
- 1 bát gạo (nửa tẻ nửa nếp).
- 5 bát nước.
- 1-2 củ khoai lang tím.
- 1 muỗng dầu ăn.
-Cách làm:
- Khoai lang rửa sạch, thái thành các miếng vuông.
- Cho khoai và gạo vào nồi.
- Đun sôi rồi nhỏ lửa lại.
- Khoảng 30 phút là cháo sẽ nhừ.
- Cho một muỗng dầu ăn vào, khuấy đều rồi tắt bếp.
- Có thể kết hợp khoai lang với nước xương hầm, nước luộc thịt/ cá, táo đỏ, hành hoa,…
-Lợi ích :
Khoai lang rất giàu tinh bột, có vị ngọt tự nhiên. Ngoài ra nó cũng chứa một lượng đạm, vitamin A, vitamin C, sắt, canxi. Xét về giá trị dinh dưỡng thì khoai lang xếp nhất trong các loại khoai; còn khoai tây chỉ xếp thứ 2.
Món cháo từ khoai rất được các bà mẹ Nhật ưa chuộng để cho bé ăn dặm. Bởi đây không chỉ là món cháo ngon cho bé mà còn rất bổ dưỡng.
Có thể cho trẻ ăn khoai lang hoặc khoai tây từ 4 tháng tuổi.
7. Cháo đậu xanh
-Công thức :
- 1/2 bát gạo (nửa tẻ nửa nếp).
- 5 bát nước.
- 1/2 bát bột đậu xanh.
- 1 muỗng dầu ăn.
-Cách làm :
- Cho gạo vào nấu chín trong khoảng 20 phút.
- Sau đó cho bột đậu xanh vào đun sôi tiếp 15- 20 phút.
- Nhỏ lửa và khuấy đều tay.
- Khi cháo đã nhừ, bạn cho dầu ăn vào rồi tắt bếp.
- Nếu trẻ đã lớn hơn thì không cần xay bột mà cho trực tiếp hạt đỗ xanh vào nấu cùng với gạo, đừng bỏ vỏ đậu xanh.
- Đậu xanh có thể kết hợp với thịt lợn, thịt gà, nước xương hầm, cá, đường, nước cốt dừa,…
-Lợi ích :
Đậu xanh cũng như các loại họ Đậu khác, rất giàu protein. Nó không chỉ là một món ăn ngon mà còn là một bài thuốc quý.
Đậu xanh vị ngọt, hơi tanh, tính hàn, không độc, bổ nguyên khí, thanh nhiệt mát gan, giải được trăm thứ độc, có thể làm sạch mát nước tiểu, chữa lở loét, làm sáng mắt, nhuận họng, hạ huyết áp, mát buồng mật, chữa nôn mửa và tiêu chảy.
Có thể cho trẻ ăn đậu xanh, đậu đỏ, đậu phụ từ sau 6 tháng tuổi.
8. Cháo đầu cá hồi
-Công thức :
- 1 bát gạo (nửa tẻ nửa nếp).
- 5 bát nước.
- 1 đầu cá hồi.
-Cách làm :
- Đầu cá hồi, rửa sạch, bỏ mang, chặt đôi.
- Nấu gạo với nước trong khoảng 20 phút.
- Sau đó cho đầu cá hồi vào, ninh nhừ tiếp 15 phút.
- Tắt bếp rồi cho ra bát, khi ăn thì lấy một ít phần thịt và da cá cho bé.
- Lưu ý : khi nấu cá cho bé thì không nên chiên rán hay xào, vì nấu cá hồi không sẽ ngọt nước và đảm bảo dinh dưỡng hơn. Cá hồi ăn hơi ngấy, dễ béo nên chỉ ăn 1-2 lần/ tuần là đủ.
- Có thể kết hợp cá hồi với cà rốt, cà chua, củ cải, đậu phụ, rong biển, măng, bí đỏ, rau cải,…
-Lợi ích :
Cá hồi là một trong những thực phẩm bổ dưỡng nhất cho con người. Hàm lượng protein của cá cao, các axit béo omega-3 cao và vitamin D cao. Trong khi đó, lượng cholesterol xấu cũng ít.
Tuy nhiên, cá hồi nuôi có thể chứa hàm lượng cao chất dioxin và các kí sinh trùng gây ngộ độc thực phẩm.
Có thể cho trẻ ăn cá hồi và các loại cá thịt đỏ từ sau 7 tháng tuổi, còn với các loại cá trắng, cá nước ngọt thì sau 6 tháng tuổi.
9. Cháo cà rốt
-Công thức :
- 1 bát gạo (nửa tẻ nửa nếp).
- 5 bát nước.
- 1-2 củ cà rốt.
- 1 muỗng dầu ăn.
-Cách làm :
- Nấu chín gạo với nước trong khoảng 30 phút. Đun nhỏ lửa và khuấy đều tay.
- Cà rốt rửa sạch, thái nhỏ, xay nhuyễn. Hoặc có thể luộc chín rồi dằm nhuyễn.
- Sau đó cho cà rốt và dầu ăn vào nấu với cháo. Nếu cà rốt chín thì chỉ cần đun trong khoảng 1-2 phút là được, còn với cà rốt chưa sơ chế thì phải ninh nhừ trong khoảng 3 phút trở lên.
- Tắt bếp rồi đổ ra bát.
- Có thể kết hợp cà rốt với nước xương hầm, thịt lợn, thịt gà, cá, đậu phụ, rau xanh, khoai tây,…
-Lợi ích :
Cà rốt tính mát, vị ngọt tự nhiên; rất giàu vitamin A và chất xơ. Ngoài ra nó cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa. Vitamin A trong cà rốt tan nhiều trong dầu nên bạn không nên cho bé ăn sống, khó tiêu và khó hấp thụ dinh dưỡng hơn.
Cháo cà rốt là một cháo ngon cho bé và rất bổ dưỡng. Ăn khoảng 3-4 lần/ tuần là đủ, ăn nhiều quá sẽ bị dư thừa vitamin A gây ngộ độc.
Có thể cho trẻ ăn cà rốt từ sau 4 tháng tuổi.
10. Cháo yến mạch
-Công thức :
- 1/2 bát yến mạch.
- 1 cốc nước.
-Cách làm :
- Đun sôi nước sau đó cho yến mạch vào.
- Nếu trẻ chưa nhai tốt thì bạn nên giã yến mạch thành bột.
- Đun khoảng 5 phút là được.
- Yến mạch có thể kết hợp với đường nâu, táo, đào, chuối, bột quế, hạt óc chó, nho khô, siro trái cây, sữa tươi,…
-Lợi ích :
Yến mạch rất giàu dinh dưỡng, bao gồm tinh bột, protein, các vitamin nhóm B và sắt, canxi, magie, selen và phốt pho.
Món cháo yến mạch không chỉ là món cháo ngon cho bé mà còn bổ dưỡng, lành, ít gây dị ứng. Nó thích hợp cho một bữa sáng.
Có thể cho trẻ ăn bột yến mạch từ 5 tháng tuổi.
Trên đây là 5 món ăn dặm “khởi động” dành cho bé yêu. Hãy tập cho bé bắt đầu ăn dặm với những thực phẩm dinh dưỡng này nhé. Tìm hiểu thêm các thực đơn ăn dặm khác cho bé tại: http://thegioithuocbo.vn/tin-tuc/thuc-don-an-dam-cho-be-tu-5-thang-den-1-tuoi-giau-dinh-duong.html
Xem thêm:
==> 7 món cháo ăn dặm giàu chất dinh dưỡng cho bé
==> Mách bạn thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 5 tháng tuổi
Chúc bạn thành công!
Nguồn: mekheochamcon.com