Khô khớp không chỉ là căn bệnh tuổi già mà ngày càng xuất hiện nhiều ở những người trẻ tuổi. Vậy bạn đã biết gì về khô khớp ở người trẻ? Hãy đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.
Khô khớp, thoái hóa khớp tăng ở người trẻ
Khô khớp, thoái hóa khớp là căn bệnh thường gặp ở những người trên 50 tuổi do sự lão hóa sụn khớp theo thời gian. Tuy nhiên, một số thống kê trong những năm gần đây cho thấy, thoái hóa khớp ngày càng trở nên phổ biến ở người mới 35 tuổi, thậm chí ở độ tuổi trẻ hơn. Tỷ lệ người trẻ khám và chữa các bệnh do thoái hóa khớp đang có xu hướng gia tăng nhiều hơn so với lúc trước.
Theo TS. BS Tăng Hà Nam Anh (Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) cho biết, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh thoái hóa khớp tăng khoảng 20% so với thời gian trước, đối tượng chủ yếu là giới văn phòng hoặc những người vận động quá mức.
Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh cũng cho biết thêm, một số người ở độ tuổi 25 đã bắt đầu có các dấu hiệu khô khớp và thoái hóa khớp. Tùy vào thể trạng của mỗi người mà quá trình thoái hóa xương khớp có thể diễn ra sớm hay muộn hoặc nhanh hay chậm.
Người bị khô khớp thời kỳ đầu thường thấy đau nhức và mỏi khớp, khớp phát ra tiếng lục cục hoặc lạo xạo. Sau đó, cơn đau có thể tự hết và đau tái phát dai dẳng, mức độ tăng dần. Khớp bị nóng và sưng, ngày càng hư hại nặng, đi lại khó khăn. Nếu không có phương pháp điều trị đúng cách sẽ dẫn đến biến dạng khớp, hạn chế vận động khớp.
Các nguyên nhân gây khô khớp ở người trẻ tuổi
Các chuyên gia cho biết, khô khớp thực chất là quá trình thoái hóa sụn khớp làm giảm tiết dịch khớp, kéo theo một loạt các phản ứng liên quan như viêm khớp, vôi hóa,… Các khớp thường bị thoái hóa là khớp gối, háng, cột sống, khuỷu tay, ngón tay, ngón chân, cổ chân,…
TS. BS Nguyễn Đình Phú (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM) chia sẻ, nguyên nhân gây khô khớp ở người trẻ tuổi chủ yếu là do thiếu quan tâm chăm sóc xương khớp và một số thói quen không tốt của người bệnh. Cụ thể:
1. Lười vận động
Thiếu hoạt động thể dục thể thao là nguyên nhân gây khô khớp ở người trẻ tuổi phổ biến hiện nay, thường gặp ở những người làm công việc văn phòng. Lười vận động sẽ khiến các cơ bị lỏng lẻo, khớp xương không được giữ vững dễ bị tổn thương khi gặp chấn thương; hệ thống cơ, xương, gân, dây chằng, khớp và sụn dễ bị sai lệch và tăng nguy cơ thoái hóa khớp, bao gồm chứng khô khớp.
2. Vận động khớp quá mức
Vận động khớp quá mức, “lạm dụng” cơ bắp và các khớp liên tục, trong thời gian dài, đặc biệt là trên cùng một khớp thì nguy cơ bị giãn dây chằng, tổn thương sụn sẽ càng lớn. Quá trình thoái hóa khớp càng diễn ra sớm hơn. Tập thể dục thể thao không phù hợp và không đúng cách, mang vác vật nặng quá sức hay đơn giản là thói quen sử dụng máy tính, mang giày cao gót đều có thể tạo cơ hội cho bệnh thoái hóa khớp tiến triển và dẫn đến khô khớp.
3. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Những người ăn uống không đủ chất hoặc ăn các thực phẩm không đảm bảo chất lượng và không có lợi cho sức khỏe… khiến cơ thể thiếu các dưỡng chất cần thiết, sụn khớp không được nuôi dưỡng tốt sẽ giảm khả năng tái tạo các tế bào sụn mới và giảm tiết dịch nuôi sụn khớp. Bên cạnh đó, thói quen lạm dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác cũng khiến xương khớp bị hao hụt dưỡng chất và sớm suy yếu.
4. Thừa cân, béo phì
Theo nghiên cứu cho thấy, người bị thừa cân, béo phì cơ nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp rất cao. Cứ tăng 0,45 kg thì khi đi khớp gối sẽ phải chịu thêm 1,5 kg và khi chạy thì khớp gối phải chịu trọng lượng là 4,5 kg. Nếu chỉ cần giảm 5 kg thì nguy cơ khô khớp , thoái hóa khớp hoặc viêm khớp sẽ giảm đến một nửa.
5. Chấn thương xương khớp
Những chấn thương ở một số khớp do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chơi thể thao,…dù mức độ chấn thương nặng hay nhẹ thì đều có thể để lại các di chứng, thường gặp như trật khớp, gãy xương, rách sụn chêm, trầy sụn khớp, tổn thương gân và dây chằng… Những tổn thương này nếu không được điều trị hoặc lặp đi lặp lại sẽ thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp kèm theo chứng khô khớp.
6. Do bẩm sinh hoặc mắc bệnh lý ở khớp
Viêm khớp, viêm đa khớp, viêm bao hoạt dịch, bệnh gout mạn tính, hoại tử xương… hoặc dị tật bẩm sinh ở một hay nhiều khớp nào đó cũng có thể khiến hình thái xương khớp bị thay đổi và dẫn đến thoái hóa khớp. Khớp bị thoái hóa thì sụn khớp kém khỏe mạnh, chất lượng dịch khớp giảm sút nghiêm trọng và là nguyên nhân gây khô khớp ở người trẻ tuổi.
Biện pháp cải thiện chứng khô khớp ở người trẻ tuổi
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và đầy đủ chất, đặc biệt là canxi và vitamin (A, B, D…) song song với việc kiểm soát cân nặng và duy trì ở mức hợp lý để hạn chế tối đa các áp lực lên xương khớp.
– Bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho khớp như Glucosamin, Chondroitin, Collagen type 2… để nuôi dưỡng sụn khớp, tăng tái tao mô sụn, tăng cường sản xuất dịch khớp, giảm tình trạng khô khớp và nguy cơ thoái hóa khớp sớm ở người trẻ tuổi.
– Thường xuyên vận động, tham gia tập luyện thể dục thể thao, luyện tập vừa sức để tăng cường cơ bắp, tăng tuần hoàn máu và dinh dưỡng để nuôi sụn khớp, tăng khả năng chịu lực của các khớp xương. Tuy nhiên, luyện tập phải đúng cách và phù hợp để hạn chế chấn thương khớp.
– Giữ cơ thể luôn thẳng, đúng tư thế trong quá trình sinh hoạt và lao động. Tránh tư thế cong lưng, cúi cổ, ngồi hoặc nằm nghiêng vẹo, đứng trụ 1 chân, mang giày cao gót… thường xuyên và liên tục để bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến chứng khô khớp ở người trẻ. Mong rằng những chia sẻ này sẽ hữu ích với bạn!
Nguồn: thoaihoakhop.net
Xem thêm:
Khô khớp ở người trẻ – Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị