Thoái hóa cột sống, gai cột sống và thoát vị đĩa đệm đều là các chứng bệnh xương khớp. Song, 3 bệnh lý này không hoàn toàn giống nhau. Vậy sự khác biệt giữa chúng là gì?
Cột sống của con người được cấu tạo bởi nhiều thành phần, bao gồm:
Các đốt sống: Đốt sống là phần xương tại nên cấu trúc của cột sống và bảo vệ dây thần kinh. Cột sống của con người có từ 33-35 đốt sống xếp chồng lên nhau và chia thành nhiều đoạn: cột sống cố, cột sống ngực, cột sống thắt lưng, xương cùng, xương cụt.
Các đĩa đệm: Đĩa đệm là các mô mềm bao gồm bao xơ bên ngoài và nhân nhầy bên trong. Đĩa đệm nằm giữa hai đốt sống liền kề có nhiệm vụ chống xóc và chịu tải cho cột sống.
Tủy sống: Bao gồm hệ thống dây thần kinh truyền đạt thông điệp từ não đến các cơ quan, bộ phận khác của cơ thể.
Bao quanh cột sống là hệ cơ và dây chằng giúp cột sống được cố định vững chắc và chuyển động nhịp nhàng.
Thoái hóa cột sống là gì?
Thoái hóa cột sống là tình trạng tổn thương thoái hóa sụn và các tổ chức xương do sự mất cân bằng giữa quá trình hủy hoại và tái tạo tế bào sụn khớp. Thoái hóa cột sống thường diễn ra ở thân đốt sống, đĩa đệm và các tổ chức liên quan. Bệnh thoái hóa cột sống được sử dụng chung để chỉ các vấn đề thoái hóa ở cột sống như hư xương sụn cột sống, hư đĩa đệm, hư khớp đốt sống, viêm cột sống, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm…
Tùy theo nguyên nhân mà thoái hóa cột sống được chia thành thoái hóa nguyên phát và thoái hóa thứ phát. Thoái hóa cột sống nguyên phát là thoái hóa cột sống diễn ra theo quy luật lão hóa của tự nhiên, xuất hiện ở những người tuổi cao. Khi đó, cơ thể đã bị lão hóa nghiêm trọng, nhất là ở hệ xương khớp, sụn khớp và các tế bào xương bị hư hại, hoại tử , suy giảm chức năng vận động. Ngược lại, các yếu tố chấn thương xương khớp, các bệnh lý xương khớp, tư thế sinh hoạt và lao động không phù hợp, chế độ ăn uống và sinh hoạt kém, thừa cân béo phì, môi trường khí hậu lạnh ẩm,… là những nguyên nhân tác động đến sức khỏe xương khớp và gây thoái hóa cột sống thứ phát.
Thoát vị đĩa đệm là gì?
Đĩa đệm là cấu trúc nằm giữa các thân đốt sống, bao gồm bao xơ dày bên ngoài và nhân nhầy bên trong. Đĩa đệm có chức năng giảm rung sóc và giúp cột sống chuyển động nhịp nhàng. Nếu bao xơ đĩa đệm bị rách hoặc nứt, nhân nhầy bên trong sẽ thoát ra ngoài, gọi là khối thoát vị. Khối thoát vị này có khả năng chèn ép và các rễ thần kinh và tủy sống gây ra các hiện tượng tê, đau, yếu liệt ở các vị trí khác nhau tùy theo rễ thần kinh mà nó tổn thương. Chẳng hạn, nếu thoát vị ở vùng cột sống cổ, bệnh nhân sẽ bị đau cổ, vai, đau và tê liệt tay chân. Thoát vị ở cột sống ngực gây đau dây thần kinh liên sườn hay thoát vị ở thắt lưng gây đau thần kinh tọa…
Nguyên nhân khiến bao xơ đĩa đệm bị rách nứt, nhân nhầy thoát ra ngoài gây thoát vị đĩa đệm là do quá trình thoái hóa. Tuổi tác càng cao thì quá trình thoái hóa cơ thể diễn ra càng mạnh mẽ và đĩa đệm cũng trở nên lão hóa theo. Bao xơ đĩa đệm trở nên giòn, khô xơ, kém đàn hồi, dễ nứt vỡ làm nhân nhầy thoát ra dễ dàng. Thoái hóa cột sống là nguyên nhân gây thoát vị đãi đệm và ngược lại, thoát vị đĩa đệm khiến cột sống bị thoái hóa nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, các yếu tố chấn thương cột sống, lao động nặng nhọc, dinh dưỡng kém… cũng nhanh khiến bao xơ đĩa đệm bị xơ yếu đi.
Thế nào là gai cột sống?
Gai cột sống là sự phát triển thêm của xương ở trên thân đốt sống, đĩa đệm hay quanh dây chằng cột sống. Đó là các mỏm xương trồi lên các khu vực này có thể phát hiện rõ qua hình ảnh phim X-quang. Nguyên nhân hình thành gai cột sống chính là quá trình thoái hóa cột sống. Thoái hóa cột sống khiến đĩa đệm bị suy yếu và dẫn đến thoát vị đĩa đệm, phình lồi đĩa đệm, kéo theo sự phình lồi của màng xương cạnh nó và dẫn đến sự hình thành các vành xương có hình dạng như cái “gai”.
Đồng thời, thoái hóa cột sống cũng khiến dây chằng giữa các đốt sống bị chùng giãn và cơ thể phản ứng lại bằng cách bồi tụ canxi để làm dầy dây chằng, tăng sức sống đỡ cột sống. Tình trạng này kéo dài hình thành nên các “gai” hay các “chồi xương”, còn được gọi là gai cột sống, Vôi hóa cột sống. Nếu gai cột sống mọc ra phía sau, chúng sẽ đè lên tủy sống và các dây thần kinh dẫn đến các hiện tượng đau, tê, yếu liệt như thoát vị đĩa đệm.
Có thể nói, gai cột sống và thoát vị đĩa đệm có mối liên quan mật thiết với nhau. Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có nguy cơ bị gai cột sống rất cao và ngược lại. Thoái hóa cột sống chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng thoát vị đĩa đệm và từ đó hình thành nên “gai cột sống”.
Để điều trị bệnh hiệu quả, bệnh nhân cần nhanh chóng khi kiểm tra khi phát hiện cột sống xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám cụ thể các biểu hiện lâm sàng và yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số kiểm tra để nhờ đó xem xét tình trạng bệnh và đưa ra những kết luận chính xác, lên phác đồ điều trị.
Chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Nguồn: thoaihoakhop.net
Xem thêm: