Mẹo chăm sóc sau khi nhổ răng sữa cho bé

Thông thường, khi trẻ đến 5-6 tháng tuổi là thời gian trẻ bắt đầu mọc răng sữa và hoàn thiện khi trẻ lên 3 tuổi. Các răng sữa này sẽ rụng dần đi từ từ và được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Khi bé đến độ tuổi thay răng, việc chăm sóc sau khi nhổ cần được các ông bố, bà mẹ quan tâm để tránh bị nhiễm trùng. Dưới đây là Mẹo chăm sóc sau khi nhổ răng sữa cho bé .

Chảy máu vùng răng vừa nhổ

Mẹ hãy bảo bé cắn chặt bông gòn lên vùng răng vừa nhổ để cầm máu, giúp máu nhanh đông. Giữ như vậy tầm 30-45 phút. Sau khi lấy miếng gòn ra nếu vùng nướu vẫn chảy máu thì mẹ có thể làm như sau:

  • Gấp một miếng gòn sạch đủ dày để bé có thể cắn. Làm ẩm miếng gòn bằng nước ấm sạch và đặt lên vùng răng vừa nhổ.
  • Mẹ hãy bảo bé cắn hơi chặt miếng gòn thêm khoảng 30 phút. Nếu bông gòn mềm ra do máu thấm vào thì hãy thay thế bằng một miếng khác.
  • Nhắc bé không tác động lên vùng nướu vừa nhổ hay dùng lưỡi đè lên đó.
  • Cắn bông gòn cho đến khi còn ít máu rỉ ra trước khi đông lại. Trong trường hợp máu vẫn chảy nhiều, mẹ hãy đưa bé đi khám lại ngay. Tuy nhiên, cũng có thể do nước miếng của bé hòa lẫn vào máu khiến mẹ nhầm tưởng là máu chảy nhiều, vậy nên mẹ hãy nhìn thật kĩ nhé.

Hình thành máu đông

Sau khi nhổ răng sữa sẽ xuất hiện cục máu đông trong ổ răng và điều này là bình thường. Mẹ nên nhắc bé tránh chạm vào nó và thực hiện những việc sau:

  • Đừng cho bé súc miệng mạnh, hoặc uống bằng ống hút trong 24 giờ. Những hành động này tạo lực hút trong khoang miệng làm bung cục máu đông khiến vết thương lâu khỏi hơn.
  • Tránh các đồ uống có ga hoặc nước súc miệng trong 24 giờ.
  • Không nhất thiết phải ngừng đánh răng. Bé vẫn có thể vệ sinh răng miệng và chải các răng khác, miễn là đừng đánh lên vùng lợi vừa nhổ. Sau đó, súc miệng thật nhẹ nhàng.
  • Hạn chế để bé nô đùa quá mức trong 24 giờ sau khi nhổ răng nhằm giảm máu chảy nhiều và khiến máu nhanh đông hơn.

Sưng và đau

Sau khi nhổ răng, bé có thể sẽ cảm thấy khó chịu và bị sưng nướu. Mẹ hãy giảm sưng đau cho con bằng cách chườm mát bằng túi đá hay khăn lạnh lên mặt bé mỗi ngày. Nếu tình trạng này kéo dài và trở nên nặng hơn như trẻ bị sốt hoặc buồn nôn, mẹ cần đưa con đi khám ngay.

Chế độ ăn uống

Các mẹ hãy cho con uống nhiều nước và ăn thức ăn lỏng, mềm, bổ dưỡng, tránh đồ nóng, thức uống có ga, và không dùng ống mút.

Có thể cho bé ăn thức ăn đặc vào ngày hôm sau, hoặc ngay khi bé cảm thấy nhai thoải mái. Trong vài ngày đầu, mẹ hãy bảo bé nhai thức ăn ở phía bên kia đến khi nào vết thương đã bắt đầu lành thì có thể nhai cả hai bên.

Giữ vệ sinh răng miệng

Trong ngày đầu, bé không nên chải các răng cạnh răng vừa nhổ, nhưng cần chải kĩ các răng còn lại. Tuy vào vết thương mà mẹ có thể để bé chải tất cả răng vào ngày hôm sau. Lưỡi bé cũng nên được chải để loại bỏ hơi thở hôi và mùi khó chịu thường có sau khi nhổ răng.

Một ngày sau, để bé súc miệng nhẹ nhàng bằng nước muối ấm sau bữa ăn nhằm đánh bay mảng bám thức ăn. Nhưng nhớ đừng để bé súc miệng quá mạnh vì nó có thể làm bung cục máu đông.

Khi lựa chọn các sản phẩm vệ sinh răng miệng cho trẻ, mẹ hãy tìm kiếm những sản phẩm an toàn và hiệu quả, giúp chăm sóc răng cho bé được tốt nhất. Bên cạnh việc chọn bàn chải phù hợp với cấu trúc răng bé thì lựa chọn loại kem đánh răng cũng góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hàm răng của con trắng sáng, thơm mát.

–> Những mẹo nhỏ giúp bạn ngủ ngon hơn trong mùa hè này

–> 6 cách chữa mất ngủ cực hay và hữu ích

–> 10 cách giảm đau đầu nhanh chóng, hiệu quả